(Báo Quảng Ngãi)- Trong mục “Cổ tích”, quyển VII, khi viết về tỉnh Quảng Ngãi cách đây hơn 150 năm về trước, các tác giả trong sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán Triều Nguyễn, có nói về thành cổ Xuân Quang.
Vậy cổ thành ấy do ai xây dựng? Cổ thành Xuân Quang ấy ở đâu? Giờ có còn không? là những câu hỏi cần được “giải mã”.
Từ những tư liệu lịch sử
Vào năm 1568, tức cách ngày nay 410 năm, Bắc quân Đô đốc trấn thủ Quảng Nam Bùi Tá Hán mất, vua Lê sai Nguyễn Bá Quýnh vào thay. Nhưng chỉ được hơn hai năm sau thì Nguyễn Bá Quýnh được điều về làm trấn thủ Nghệ An, và Nguyễn Hoàng kiêm luôn trấn thủ hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam (thuở ấy Quảng Nam tương đương phần đất Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, và một phần đất Phú Yên).
Một đoạn thành Xuân Quang còn sót lại. Ảnh: Đăng Vũ |
Trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, cũng như trong các bộ chính sử của triều Nguyễn sau này như “Đại Nam thực lục”, “Quốc triều chính biên toát yếu” đều có ghi chép về điều này. Các bộ sách sử này còn viết thêm rằng: Vào mùa thu, năm Tân Mùi (1471), thổ mục Quảng Nam nổi loạn, cướp giết lẫn nhau, chúa Nguyễn Hoàng sai Mai Đình Dõng (Dũng) vào dẹp yên, và ở lại trấn thủ, thu phục dân chúng vùng đất này.
Vậy Mai Đình Dõng có liên quan gì đến cổ thành Xuân Quang không? Trong bộ sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, được viết vào khoảng giữa thế kỷ XIX, có ghi chép về Nguyễn Ư Tỵ. Có thể tóm lược như sau: Khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa có một người cậu ruột cùng đi theo phò tá và cũng là người từng nuôi nấng, dạy dỗ Nguyễn Hoàng từ thuở nhỏ, đó chính là Nguyễn Ư Tỵ (có sách viết là Nguyễn Ư Kỷ hoặc Dĩ). Khi biết Trịnh Kiểm cố mưu sát những người trong dòng Nguyễn Kim – là cha của Nguyễn Hoàng, Nguyễn Ư Tỵ mới dựng lên kế sách cho Nguyễn Hoàng dựng cơ đồ ở phía Nam đèo Ngang. Khi đi cùng Nguyễn Hoàng, Nguyễn Ư Tỵ có mang theo người con trai là Mai Đình Dõng (sở dĩ con trai Nguyễn Ư Tỵ mang họ Mai vì trong những ngày trốn tránh sự truy lùng của nhà Mạc, Ư Tỵ đổi con sang họ Mai để dễ bề lẫn tránh).
Khi vào phía Nam, Mai Đình Dõng được người anh con cô con cậu của mình là Nguyễn Hoàng tin tưởng giao làm phó tướng. Và như đã nói, khi thổ hào ở Quảng Nam nổi loạn, cướp bóc lẫn nhau, Mai Đình Dõng được cử vào để dẹp loạn và vỗ yên vùng đất này. Chính bước ngoặt năm Tân Mùi (1471) mà Mai Đình Dõng được lưu danh trong sử sách và tên ông gắn với cổ thành Xuân Quang.
Cổ thành huyền thoại
Trong suốt nhiều năm qua, đã nhiều lần tôi đi xuôi về phía đông TP.Quảng Ngãi, để tìm dấu vết còn sót lại qua những ghi chép trong các bộ chính sử về vùng đất này. Cách chừng 7-8 km từ tỉnh lỵ, một số người lớn tuổi còn nhớ đến sự tích vua Quang Chiếu xây thành. Chuyện kể rằng: Vua Quang Chiếu đã xây tòa thành đất bằng chiếc mờm bò. Chỉ có một đêm, bằng chiếc mờm bò mà vua Quang Chiếu đã xúc đất làm trũng xuống một vùng ruộng, để đắp xong cái thành rất rộng. Cái thành đó hiện còn ở thôn Bình Tây, mà người dân Nghĩa Hà còn gọi là thành Quang Chiếu.
Đối chiếu với những gì còn ghi trong bộ sách “Đại Nam nhất thống chí”, quyển về tỉnh Quảng Ngãi: Thành cổ Xuân Quang ở thôn Xuân Quang, huyện Chương Nghĩa, thành đắp bằng đất, cao chừng 5 thước, đông tây 53 trượng, nam bắc 92 trượng, nền cũ vẫn còn. Tương truyền là do Trấn Nam dinh Quang Chiếu vương đắp; thành có đền, dân sở tại thờ, thì có thể hiểu: Thành Quang Chiếu chính là thành cổ Xuân Quang.
Vậy, Quang Chiếu vương là ai? Sách này cho biết thêm: Quang Chiếu vương chính là một tước phong sau này của Trấn Nam dinh phó đô tướng dương võ công thần Mai Đình Dõng, mà nay tại làng Bình Đông còn đền thờ ông và đền thờ con trai của ông là Mai Đình Hùng (cũng còn gọi là Mai Cương), là người được phong đến tước quận công, nhờ có nhiều công trạng, đặc biệt là trong việc bình định dinh Bố Chính vào năm Hy tông thứ 7 – 1630, khi dinh Bố Chính bị rơi vào tay chúa Trịnh.
Vài lời kết
Như những gì được ghi trong chính sử và lời truyền miệng trong dân gian: Thành cổ Xuân Quang chính là thành Quang Chiếu, do Quang Chiếu vương Mai Đình Dõng xây dựng từ khi ông trấn nhậm vùng đất Quảng Nam, từ năm 1571 đến năm 1602, tức đến khi Mai Đình Dõng mất. Những trang chính sử cũng cho biết thêm, thành Xuân Quang chính là lỵ sở của dinh/trấn Quảng Nam xưa. Đến năm 1602, theo lệnh của chúa Tiên Nguyễn Hoàng lỵ sở dinh Quảng Nam được dời về Cần Húc – Thanh Chiêm, thuộc Quảng Nam ngày nay. Tiếc rằng, thành Xuân Quang hiện chỉ còn một đoạn thành dài chừng 100m, thuộc thôn Bình Tây, xã Nghĩa Hà.
Một tảng đá kê cột đền Quang Chiếu còn sót lại ở thôn Bình Đông. Ảnh: Nguyễn Ngọc Trinh |
Tuần vũ Quảng Ngãi Nguyễn Bá Trác và các tác giả sách “Quảng Ngãi tỉnh chí” (in trên “Nam Phong tạp chí” năm 1933), từng cho biết thành cổ Xuân Quang đã bị người dân sở tại san bằng dần để làm ruộng. Các đền thờ Mai Đình Dõng, Mai Đình Hùng ở thôn Bình Đông, từng là những ngôi đền thờ lớn nhất trong tỉnh, cũng chỉ còn là những dấu tích phai mờ, dù các sắc phong cho Trấn Nam dinh phó đô tướng Mai Đình Dõng vẫn còn tìm thấy ở nhiều nơi trong cả nước, và người đời sau vẫn còn khấn tế ông trong các đình, miếu, từ Quảng Nam cho tới tận các tỉnh phía Nam.
Có lẽ câu chuyện bảo tồn và phát huy, hay tiếp tục phải nhận diện thêm về giá trị lịch sử, văn hóa, nguồn gốc cổ thành này, cũng như về các nhân vật lịch sử có công liên quan cần phải được đặt ra nghiêm túc trong thời gian tới.
TS. NGUYỄN ĐĂNG VŨ