(Baoquangngai.vn)- Hồi đó, cứ đến tháng 9 Âm lịch trở đi, mưa đầu mùa âm ỉ. Mặt đất ẩm ướt. Những con dế cơm bắt đầu hành trình tìm nơi ở mới. Đó là lúc những đứa trẻ ở miền Trung, thanh niên trai tráng trong làng tìm đến thú vui dân dã là “săn” dế.
https://youtu.be/9-Kgh7vqC0Y
Xem video tìm dấu tích nơi dế cơm trú ngụ và cách bắt dế bằng dây xoắn tự chế ở miền Trung.
Đặc điểm của loài dế ưa thích nơi khô ráo, cho nên khi hang bị ngập nước nó sẽ bỏ hang đó và đi đào hang mới ở vị trí cao hơn để trú ngụ. Các cồn đất, gò cao, nơi có đất cát bỏ hoang hoặc nơi trồng các loại khoai, đậu, bắp là khu vực có nhiều dế trú ngụ nhất.
Dế có rất nhiều loại, nào là dế mèn, dế than, dế cơm, dế lửa, dế nhũi… nhưng dế cơm béo ú là loại dùng làm thức ăn hảo hạng nhất.
Mỗi một vùng đất ở miền Trung có cách bắt dế khác nhau nhưng tựu chung có những cách bắt truyền thống như tìm hang để đào, đổ nước hoặc dùng đèn huỳnh quang.
Chúng tôi thì thường hay chọn cách đơn giản nhất là tìm hang để đào và bắt dế. Dụng cụ là cuốc, thùng sơn hoặc chai nhựa để đựng dế. Sau này, nhiều vùng còn sáng tạo thêm dây xoắn làm từ dây phanh xe đạp, có nối thêm lò xo ở đầu dây. Dùng dây này để bắt dế, đảm bảo các loại dế lớn, nhỏ đều dính.
Đến khu vực có dế, chúng tôi bắt đầu tản ra. Đứa được giao nhiệm vụ cầm thùng sơn đựng dế. Đứa được phân công đi tìm vị trí có hang dế. Đứa cầm cuốc đào hang. Đứa khác thì cầm dây câu dế. Tiếng nói cười rộn cả khoảng trời.
Đào dế rất kỳ công, độ may rủi ngang nhau. Nếu không khéo tay, người đào sẽ lạc mất dấu hang và không tìm ra dế. Nhiều lần như vậy thì coi như buổi đó thất thu.
Muốn đào được dế, đòi hỏi phải có kinh nghiệm nhận biết dấu vết chúng để lại. Những ụ đất nhỏ nhô lên trên mặt đất, hạt li ti là nơi dế mới đào. Ở đó chỉ cần dùng cuốc hớt nhẹ vài nhịp là hang dế lộ ra.
|
Dế cơm béo ú là loại dùng làm thức ăn hảo hạng nhất. Ảnh (St). |
Với cách bắt dế bằng dây xoắn, người bắt dế sẽ dùng dây chọc vào hang với điều kiện phải chạm đáy. Hai tay vặn sợi dây sang phải nhiều lần, dế sẽ bị cuốn vào lò xo phía đầu mũi. Rút sợi dây ra là lấy được dế. Mỗi lần “tóm” được một chú dế, người câu sẽ cảm nhận được âm thanh rất thú vị khi thân dế tiếp xúc với dây câu.
Hên thì có hôm gặp phải dế cơm trống. Dế trống to hơn dế mái, thân hình chắc nịch. Đầu chúng to kềnh màu nâu nhạt, cặp mắt láo liên, lúc nào cũng như dọa nạt. Miệng to có cặp răng nhọn sắc như hai lưỡi dao sẵn sàng xé nát địch thủ.
Dế bỏ vô thùng sơn nhảy tanh tách. Nhờ công cụ “có một không hai” này mà thời gian đào rút ngắn lại, số lượng dế bắt được nhiều hơn. Cho dù con dế có “lì lợm” cỡ nào hễ gặp dụng cụ này đều phải đầu hàng vô điều kiện. Chỉ chưa đầy hai tiếng đồng hồ, nhóm chúng tôi đã bắt được trên 100 con.
|
Món dế cơm sau khi chế biến. Thịt dế thơm ngọt, béo ngậy cùng với cảm giác giòn tan khi ăn làm người thưởng thức không thấy ngán miệng. |
Dế đem về rửa sạch qua nước muối, rút hết phân trong bụng, lặt cánh, còn lại đều tận dụng hết. Sau khi sơ chế xong, dế được chiên qua dầu trên chảo lửa. Tiếp theo sẽ nêm nếm thêm ít nước mắm, bột ngọt cho vừa ăn rồi rắc ớt, xả tạo độ cay. Chờ khoảng nửa tiếng cho thân dế thấm vị và săn lại là có thể thưởng thức. Với người lớn, dế cơm còn là món mồi nhậu khoái khẩu.
Dế xào có thể ăn với cơm nóng. Giữa cơn mưa tối nặng hạt, se lạnh, dùng đũa gắp từng con dế cho vào miệng, thịt dế thơm ngọt, béo ngậy cùng với cảm giác giòn tan làm người thưởng thức không thấy ngán miệng.
Ngày trước, chúng tôi đào dế như một thú vui của tuổi thơ với trò chọi chế. Hôm nào kha khá thì mang về để mẹ xào ăn qua bữa. Đây là một món đặc sản không thể thiếu vào mùa mưa mà những đứa trẻ quê háo hức, mong đợi sau khi mẹ chế biến xong.
Ngày nay, khi đã trưởng thành, rảo bước trên những vùng quê vẫn còn một số ít người đi “săn” dế để tìm về thú vui của ngày xưa cũ. Còn với những đứa trẻ nghèo ở quê, đây còn là một công việc để mưu sinh, “săn” dế bán cho các nhà hàng, quán ăn đẳng cấp ở các thành phố lớn. Dế cơm được thực khách trong và ngoài nước săn lùng với giá cao, đôi khi còn cao hơn thịt, cá.
T.H