Vấn vương cây, trái họ "sẻ"

09:09, 04/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những cây, trái họ “sẻ” như hẹ sẻ, đậu phụng sẻ, ổi sẻ... tuy cho cây, trái không lớn bằng những giống lai, ghép, nhưng lại có vị thơm ngon, đặc trưng hơn hẳn.

TIN LIÊN QUAN

Điểm danh một số cây, trái họ "sẻ" như hẹ sẻ, đậu phụng sẻ, ổi sẻ... mới thấy ông bà ngày xưa thường dùng chữ “sẻ” để đặt tên cho những loại cây, trái có kích thước nhỏ bé. Lá hẹ sẻ bé tí tẹo, nên thường được gọi là hẹ sẻ. Quả ổi sẻ khi chín, to nhất cũng chỉ bằng đầu ngón chân cái mà thôi. Hạt đậu phụng sẻ, cũng nhỏ hơn hẳn so với giống đậu phụng lai bây giờ.

Tuy lá hẹ sẻ nhỏ bé, nhưng lại thơm lạ, không nồng và hăng mạnh như giống hẹ miền Nam. Hẹ sẻ ăn sống kèm bánh tráng chín nhúng nước chấm mắm, hẹ sẻ cắt khúc bỏ vào trộn cùng bắp để làm ram, rồi món lòng heo xào nghệ nếu thiếu lá hẹ sẻ cũng chẳng thể nào trọn vị.

Nhắc đến cây, trái họ “sẻ”, nếu không điểm danh ổi sẻ thì thật là một thiếu sót lớn. Tuy ổi sẻ cho quả rất nhỏ, nhiều trái chỉ bé tí như đầu ngón tay, nhưng khi bắt đầu chín, hương ổi cứ thoang thoảng khắp cả vườn, dìu dịu thôi, nhưng đủ làm nức lòng không biết bao nhiêu đứa trẻ ở quê như chúng tôi.

 Ổi sẻ khi chín, quả lớn nhất cũng chỉ bằng đầu ngón chân cái nhưng có hương thơm rất đặc trưng, không lẫn với các loại ổi ghép khác.
Ổi sẻ khi chín, quả lớn nhất cũng chỉ bằng đầu ngón chân cái nhưng có hương thơm rất đặc trưng, không lẫn với các loại ổi ghép khác.


Thú vị nhất là cảm giác hồi hộp chờ đợi, ngóng nhìn lên cây canh chừng ổi vừa chín tới. Chỉ chực chờ những quả ổi sẻ già màu xanh đậm chuyển sang màu nhạt và căng bóng là cả đám trẻ chúng tôi liền mừng rơn hái lấy hái để. Còn gì thú vị hơn những buổi trưa nóng bức, cả đám cùng rủ nhau ra vườn, ngồi dưới bóng mát của cụm tre già, thả cái mũ đựng ổi sẻ xuống, rồi cứ thế tụm năm tụm bảy hít hà thưởng thức vị chua chua ngọt ngọt và thơm thoang thoảng của ổi hòa quyện với vị muối ớt cay xè. Nồng nàn nhất là hương ổi sẻ vào ban đêm, theo gió lan tỏa khắp vườn, len lỏi vào tận trong nhà, khiến lòng người chỉ muốn mở toang cửa, đón lấy hương thơm mộc mạc, nhẹ nhàng của thứ quả vừa cho trái ngọt, vừa tặng hương thơm ấy.

Cũng vì vấn vương hương ổi sẻ ấy, mà cứ vào mùa ổi, thỉnh thoảng, nội tôi lại bảo tôi ra vườn, lựa hái lá ổi và vài hoa ổi trắng muốt thanh tao mang vào cho nội nấu kèm với ít lá sả lấy nước gội đầu. Chỉ đơn giản vậy thôi, mà mái tóc dài của nội cứ vấn vít mãi mùi thơm nồng nàn, tao nhã.

Giờ thì không thấy mấy nhà trồng ổi sẻ. Những cây ổi sẻ xưa giờ đã nhường chỗ cho giống ổi ghép trái to trĩu cành. Không thì ra chợ, vào siêu thị để mua, quả to cỡ nào cũng có. Nhưng sao ổi to, ổi ngọt gấp mấy lần mà không có vị chua chua, thơm thơm như những quả ổi sẻ bé tí tẹo ngày xưa.

Rồi không chỉ ổi sẻ, mà giống đậu phụng sẻ với hạt đậu tuy nhỏ, nhưng béo và thơm hơn hẳn so với đậu phụng lai... giờ cũng chẳng còn mấy nông dân giữ giống để canh tác trên đồng. Những thửa đậu phụng sẻ giờ đã nhường lại cho đậu phụng lai hạt to, năng suất cao. Thành thử, mới đây, khi Sở KH&CN tỉnh đã phải đưa đậu phụng sẻ vào danh sách cần phục tráng và bảo tồn nguồn gen thuần chủng, để gìn giữ lại cho mai sau; lòng tôi mới chợt suy ngẫm, nên chăng, thay vì chờ đợi những loại cây, trái họ “sẻ”- những giống cây địa phương dần mất đi rồi mới loay hoay kiếm tìm, thì tự mỗi người cứ sẻ lòng dành cho những loại cây, trái mang hương vị quê nhà một phần đất trong vườn, để cây sinh sôi, phát triển, gìn giữ cho thế hệ sau.


Bài, ảnh: Ý THU


 


CÁC TIN KHÁC
.