(Baoquangngai.vn)- Đó là kết quả nghiên cứu của PGS. Tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh- Viện Địa chất, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sau nhiều đợt khảo sát tại huyện đảo Lý Sơn và được ông trình bày tại Hội thảo “ Phát triển du lịch Lý Sơn” diễn ra vào ngày 30.8.
TIN LIÊN QUAN
Địa chất- địa mạo phong phú, đa dạng
Ở vào vị thế tương tác giữa lục địa và đại dương cùng những biến động lớn trong vận động của biển Đông trong hơn 10 triệu năm gần đây, Lý Sơn sở hữu phong phú và đa dạng các điểm và cụm di sản. Tại huyện đảo hiện có gần 10 loại hình di sản địa chất- địa mạo- một nguồn tài nguyên rất phong phú và hấp dẫn cho du lịch.
Riêng về núi lửa, theo PGS. Tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh, đã xác định được ở khu vực quanh đảo có 10 miệng. Trong đó, có 6 miệng núi lửa ở đảo Lớn, 1 miệng ở đảo Bé, 3 miệng núi lửa ngầm ( dưới mặt biển). Tính chất các miệng núi lửa cũng đa dạng. Các miệng núi lửa lớn (Thới Lới, Giếng Sỏi, Giếng Tiền, Hòn Đụn) là núi lửa phun nổ- nơi dung nham ở dạng đá mảnh, tro bụi, khí, bị bắn tung vào khí quyển hàng kilomet. Các núi nhỏ hơn (hòn Tai, hòn Vung) là núi lửa phun nghẹn- nơi dung nham chứa ít khí, có độ dính cao chỉ kịp trồi lên thành núi và đông nguội, thải khí ra xung quanh.
Cùng với các miệng núi lửa là 3 vách đá ở Hang Câu, Chùa Hang, Giếng Tiền. Đây là các vách đá đẹp lạ thường, chứa đựng trong nó cả một trang sử sống động của khu vực biển đảo trải hơn 10 triệu năm tới nay. Kiến tạo địa chất đã tạo cho các vách kích cỡ lớn, dài hàng trăm mét, cao dựng đứng, tạo cảm giác choáng ngợp hùng vĩ. Ở khu vực các vách đá còn bắt gặp nhiều loại hình di sản địa chất khác cũng rất quý hiếm.
Bên cạnh đó còn có các thềm đá tích tụ nằm dốc thoải dọc bãi trước của đảo Bé, dọc bãi biển hang Câu, chùa hang, Giếng Tiền. Các thềm này mới hình thành gần đây, cấu tạo từ các mảnh vụn san hô, vụn xác sinh vật biển, mảnh đá núi lửa. Đồng thời, trên các bãi ở chân vách còn bắt gặp các tảng lăn kích thước lớn 3-5m cấu tạo từ đá phân lớp dạng sọc, cụm san hô, được nước biển mài mòn rất đẹp mắt. Trên đảo Lý Sơn còn có loại hình di sản hỗn hợp- di sản địa văn hóa. Đó là chùa Hang và các ruộng bậc thang xếp bằng đá núi lửa..
Vách đá trầm tích núi lửa hang Câu thuộc vào loại kỳ vĩ của thế giới. |
PGS. Tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh cho rằng, tài nguyên du lịch địa chất- địa mạo ở Lý Sơn là độc đáo, hiếm có. Cụm núi lửa từ Thới Lới tới chùa Hang có cấu tạo đặc biệt, là hai núi lửa chồng nhau. Các vách đá núi lửa hang Câu, chùa Hang, Giếng Tiền là các di sản địa chất- địa mạo, đẹp và độc đáo cả về mặt khoa học cũng như cảnh quan.
Trên các vách này có thể quan sát thấy các tầng trầm tích núi lửa, bao gồm đá núi lửa dạng bọt phong hóa gọi là scoria, tro bụi núi lửa cùng với các sản phẩm trầm tích như cát, bột, san hô cùng các bao thể basalt kích thước từ vài đến vài chục cm.
Đáng kể hơn nữa, ở khu vực Bãi Tiên của đảo Bé đã phát hiện ra các vách dung nham dựng đứng, phẳng và mịn kỳ lạ. Đó là vách lộ của các dòng dung nham mỏng và nóng tương tác với nước biển bị nguội lạnh đột ngột trở thành thủy tinh núi lửa. Điều đặc biệt lý thú là, các dòng dung nham mỏng này xuất hiện thành nhiều đợt xếp chồng lên nhau, giữa chúng là basalt xốp. Các nhà khoa học về núi lửa nhận định đây là dạng cấu tạo rất hiếm gặp, chỉ có ở đảo Bé và vài nơi trên thế giới.
Cần có giải pháp để khai thác bền vững
Theo PGS. Tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh, tài nguyên du lịch địa địa chất-địa mạo trên đảo Lý Sơn, tuy hấp dẫn, độc đáo, xong lại rất dễ bị tổn thương. Bị tổn thương cả về mặt vật lý lẫn tổn thương về mặt cấu trúc tự nhiên. Về mặt vật lý, các di sản này thường cấu tạo từ đá trầm tích gắn kết yếu, hoặc từ đá nứt nẻ lại bị phong hóa nên dễ bị sập đổ.
Các di sản tầm quốc tế thường nằm trong tổng thể hài hòa với các di sản khác nhờ các quy luật tự nhiên tạo tác qua hàng nghìn, hàng triệu năm. Vì vậy, các công việc nâng cao mở rộng bãi tắm, đổ đất đá làm đường, xây kè, xây công trình... trong khu vực di sản hoặc cận kề di sản đã vô tình phá vỡ giá trị di sản, hạ cấp di sản, làm hỏng nguồn tài nguyên du lịch quý giá.
Một trong những giải pháp ngăn chặn tình trạng xâm hại hiện nay cũng như khôi phục lại một phần giá trị đã mất và gìn giữ lâu bền tài nguyên du lịch là sớm xác định khoanh vùng di sản và đưa chúng vào bảo vệ theo các cấp quy định.
Đồng thời, việc trồng rừng tạo thảm xanh, không chỉ cải thiện chất lượng môi trường trên đảo mà còn bổ sung thêm một nguồn tài nguyên du lịch quý giá. Công tác quy hoạch và các hoạt động khác trên đảo cần hướng tới xây dựng Lý Sơn thành đảo sinh thái, có nhiều đường nét cảnh đẹp nguyên sơ.
Tài nguyên du lịch địa chất, địa mạo đặc sắc là điểm nhấn để tu hút khách du lịch. |
PGS. Tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh nhận định, Lý Sơn có thế mạnh về tài nguyên du lịch địa chất- địa mạo núi lửa- biển và văn hóa biển- đảo. Thế mạnh này là vượt trội nếu so sánh với các khu vực khác trong cả nước và nhìn ra thế giới. Đây là cơ sở để tạo nên sự khác biệt của du lich Lý Sơn đối với cả nước và quốc tế. Bên cạnh sự khác biệt sẵn có về tài nguyên du lịch, cần tạo nên những nét độc đáo và kỳ thú trên đảo, phù hợp với thế mạnh của tài nguyên này.
Chính vì vậy, trong quy hoạch, chính quyền địa phương nên chú ý tới quy định về độ lớn và chiều cao công trình để không lấn át cảnh quan, và để tôn chiều cao các miệng, đỉnh núi lửa, các vách đá. Về kiến trúc công trình nên khuyến khích thiết kế công trình có kiểu dáng được lấy cảm hứng từ núi lửa và biển. Đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch đặc thù và kỳ thú như: Du ngoạn mặt biển vòng quanh đảo, lặn biển ngắm san hô, ngắm núi lửa ngầm và du lịch trải nghiệm.
Nhằm bảo vệ các di sản của đảo và quảng bá du lịch ra thế giới, PGS. Tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh đề nghị, lãnh đạo địa phương bên cạnh việc giữ gìn và tạo những nét độc đáo cho du lịch Lý Sơn, cần có thêm thương hiệu quốc tế. Bởi, thương hiệu quốc tế phù hợp với tài nguyên và mục đích phát triển dân cư- kinh tế trên đảo là các tiêu chí Công viên Địa chất toàn cầu của UNESCO mà hiện nay UBND tỉnh Quảng Ngãi cùng các cơ quan Trung ương đang tích cực triển khai các nỗ lực sớm trình hồ sơ để UNESCO công nhận vinh danh.
B.Ngọc