Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán: Lưu danh muôn thuở

06:06, 09/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã 449 năm kể từ ngày Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán tạ thế (1568-2017), song trong tâm thức của người dân đất Việt nói chung và Quảng Ngãi nói riêng vẫn luôn nhớ đến ông với lòng thành kính biết ơn, bởi công trạng to lớn trong sự nghiệp mở đất, lập làng.

TIN LIÊN QUAN


Cứ đến ngày rằm tháng năm (âm lịch) hằng năm, con cháu trong gia tộc họ Bùi ở khắp mọi miền của Tổ quốc sum tụ về khu mộ và đền thờ Bùi Tá Hán, ở tổ 24, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) để lo đám giỗ của ông tổ trong dòng họ, người được nhân dân khắp vùng thờ phụng, ngợi ca công đức. Đông đảo người dân trong tỉnh cũng về đây, để thắp nén hương tưởng nhớ bậc tiền hiền tài cao, đức trọng.

Ngày đoàn tụ

Từ lâu, lệ bất thành văn đối với mỗi người trong tộc họ Bùi, dẫu bận trăm công nghìn việc cũng vẫn sắp xếp để về dự lễ giỗ của Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán. Ngày giỗ Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán cũng là ngày đoàn tụ của gia tộc họ Bùi. Trước là để tưởng nhớ vong linh của bậc tiền nhân, sau là gặp mặt các thế hệ con cháu, thắt chặt tình đoàn kết, sẻ chia để cùng nhau tiếp nối truyền thống đáng tự hào của thế hệ đi trước.

Năm nay, lễ giỗ Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán ước tính có khoảng 600 người dự. Để lễ giỗ được chuẩn bị chu tất, con cháu họ Bùi ở Quảng Ngãi phân công phụ trách từng phần việc cụ thể. ông Bùi Nguyên Kha (69 tuổi, hậu duệ đời thứ 13 của Bùi Tá Hán, ở phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi) tự hào nói: “Bùi Tá Hán là ông tổ, là niềm tự hào của tộc họ Bùi. Bởi vậy, ngày giỗ của ông được con cháu chuẩn bị rất kỹ”.

 

Đền thờ Bùi Tá Hán.
Đền thờ Bùi Tá Hán.

 

Phó trưởng ban nội chính Ban Quản trị tộc họ Bùi Quảng Phú, ông Bùi Tá Phúc cho biết, cùng với sự chăm lo của con cháu trong dòng tộc, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến việc chuẩn bị lễ giỗ của Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán. Trong lễ giỗ, các nghi lễ đều được tổ chức rất trang nghiêm. Sau phần nghi lễ cúng bái sẽ là phần hội, gồm các màn biểu diễn võ thuật và ca hát.  

Khắc ghi công trạng của bậc tiền nhân

Theo lời của những người là con cháu trong tộc họ Bùi, di tích mộ và đền thờ Bùi Tá Hán là nơi rất linh thiêng. Bởi thế, nhiều người thường đến thắp hương ở mộ và đền thờ Bùi Tá Hán, để gửi gắm tâm tư, ước nguyện. Tương truyền rằng, sau khi Bùi Tá Hán mất, ông đã hiển thánh cùng với con ngựa quý, chỉ để lại tấm áo bào có vết máu tươi.        

Là người dành nhiều thời gian thu thập tư liệu, nghiên cứu về danh nhân Quảng Ngãi, nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh-Quyền Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho biết, Bùi Tá Hán sinh quán ở châu Hoan (Nghệ An),  nhưng có công lớn với vùng đất Quảng Ngãi, là thủy tổ của tộc Bùi ở đây, nên Quốc sử quán triều Nguyễn xem ông là danh nhân tỉnh Quảng Ngãi và ca ngợi sự nghiệp cai quản “chú trọng ban ơn huệ, khoan hòa với quân dân, trăm họ yêu mến”.

Sơn phòng tiểu phủ sứ Nguyễn Tấn khi viết tập sách nổi tiếng “Phủ Man tạp lục” đã đặt Bùi Tá Hán ở vị trí đầu tiên trong số những nhân vật góp công lớn vào sự nghiệp kinh dinh vùng đất phía tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

 

Ông Bùi Tá Phúc lau dọn bàn thờ để chuẩn bị cho ngày giỗ Búi Tá Hán.
Ông Bùi Tá Phúc lau dọn bàn thờ để chuẩn bị cho ngày giỗ Búi Tá Hán.

 

Năm Ất Tỵ (1545), dưới triều vua Lê Trang Tông, Bùi Tá Hán được giao nhiệm vụ bình ổn vùng Thừa tuyên Quảng Nam (nay là địa phận Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định). Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, triều đình phong cho ông chức Đô tướng dinh Quảng Nam, sau thăng Bắc quân Đô đốc Phủ chưởng phủ sự, tước Thiếu bảo Trấn quận công.

Nhờ tài trí hơn người của Bùi Tá Hán với nhiều chính sách hợp lòng dân như đoàn kết Kinh-Thượng, khuyến khích sản xuất, phát triển giao thương... vùng đất Quảng Nam ngày càng thịnh vượng.

Di tích mộ và đền thờ Bùi Tá Hán được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1990. Đền thờ Bùi Tá Hán được xây dựng từ năm 1962, trải qua nhiều cuộc biến thiên của lịch sử, nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

“Chúng tôi tâm niệm gìn giữ đền thờ không chỉ cho thế hệ hôm này mà còn là để con cháu sau này biết và nhớ về vị Trấn Quốc Công, để tự hào rằng mình là con cháu họ Bùi – con cháu Bùi Tá Hán. Vì vậy, con cháu họ Bùi mong muốn đền thờ Bùi Tá Hán sớm được đầu tư trùng tu, nâng cấp, xứng với tầm vóc di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, để xây dựng nơi đây trở thành điểm du lịch tâm linh, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước”, ông Bùi Tá Phúc trải lòng.  

 

Liên quan đến việc Hội đồng gia tộc-Tộc Bùi Quảng Phú xin hỗ trợ, bố trí vốn thực hiện dự án trùng tu, xây dựng và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa mộ và đền thờ Bùi Tá Hán, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng vừa có văn bản chỉ đạo Sở VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh.

 

M.Anh-Đ.Sương

 


CÁC TIN KHÁC
.