Để làn điệu ca choi, ta lêu mãi bay xa

09:04, 28/04/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Với tình yêu và tâm huyết với những làn điệu dân ca H'chôi (ca choi) và Tă têu (ta lêu), những nghệ nhân người Hrê đã có cơ hội truyền dạy cho lớp trẻ để góp phần giữ gìn và phát huy âm nhạc truyền thống của dân tộc mình.

TIN LIÊN QUAN

Chim sơn ca của núi rừng
 
“Tôi ơi dậy tôi ơi. Dậy sớm khi ông mặt trời lên đỉnh núi. Dậy nấu ăn, giã gạo. Gà rừng gáy lúc gần sớm. Các em ơi dậy đi, dậy giã gạo, giã lúa để có thóc trắng…” 
 
Những câu hát ta lêu mang giai điệu gần gũi, ngọt ngào ấy của nghệ nhân Đinh Thị Y mấy mươi năm qua đã trở nên thân thuộc với người dân ở thôn Ngã Lăng, xã Long Mai (Minh Long). Bà Y là một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn giữ hồn dân ca ca choi , ta lêu đặc trưng của người Hrê.
 
Buổi sáng vắng lặng, yên tĩnh của miền sơn cước, những làn điệu dân ca mượt mà ấy như níu chân lữ khách. Thấy có khách, nghệ nhân Đinh Thị Y mỉm cười, vẫn không ngừng hát, lúc này lời hát đã chuyển lời Hrê. Ở cái tuổi lục tuần, tiếng ca ấy vẫn tròn trịa, lảnh lót, có lúc dịu êm như những chú chim sơn ca của núi rừng và đôi tay vẫn mượt mà lượn theo từng điệu nhạc. 
 
Bên chái nhà sàn, nghệ nhân Y hào hứng kể: Không biết ca choi và ta lêu có từ bao giờ, nhưng từ khi còn bé, tôi đã nghe những người trong làng hát, nghe đâu thuộc đó và rất thích hát. 
 
 
Nghệ nhân Đinh Thị Y (ngoài cùng bên trái), người được ví như
Nghệ nhân Đinh Thị Y (ngoài cùng bên trái), người được ví như "chim sơn ca của núi rừng".
 
Được trời phú cho giọng hát và sẵn niềm đam mê với dân ca của dân tộc mình. Hễ có lễ hội là bà Y lại biểu diễn những làn điệu dân ca Hrê làm say đắm lòng người. Mọi người vẫn hay gọi bà với cái tên trìu mến là “chim sơn ca của núi rừng”.
 
Nói về niềm đam mê ca hát của mình, nghệ nhân Y bộc bạch: “Ở nhà, đám cưới, đám tiệc mọi người đều hát nhạc của người Kinh, riêng tôi vẫn hát ta lêu và hát ru mãi đến giờ. Hát dân ca dân tộc Hrê với tôi không chỉ giữ hồn của dân tộc mình mà còn là niềm vui”.
 
Nghệ nhân Phạm Văn Sự ở huyện Ba Tơ cũng là người còn giữ hồn dân ca của dân tộc Hrê. Có lẽ những năm tháng đắm mình trong những giai điệu trong trẻo của núi rừng đã giúp giọng hát của ông dù đã 80 tuổi vẫn cất lên cao vút.
 
Nhiều khi tưởng ca choi, ta lêu mất hẳn, vì chẳng còn ai diễn, ai hát nữa, nhưng với ông thì vẫn hát, sáng tác và sẵn sàng truyền dạy cho những ai muốn học.
 
Tre già măng mọc
 
Cũng như các dân tộc anh em, đời sống văn hoá tinh thần của người Hrê vô cùng phong phú và độc đáo. Ngoài cồng chiêng, nhạc cụ đàn vinh vút, đàn brooc, đàn ra ngói, sáo tà lía..., người Hrê còn có làn điệu ca choi, ta lêu và hát ru.
 
Đó là những giai điệu quả thật có sức quyến rũ lạ kỳ. Có dịp đến vùng sơn cước xa xôi, chắc hẳn người nghe sẽ bị mê hoặc bởi những âm thanh như tiếng suối chảy róc rách, tiếng gió rì rào xuyên qua kẻ lá có lúc lảnh lót, thanh cao.
 
 

Đời sống văn hóa tinh thần của người Hrê phong phú và độc đáo.

 
Trải qua biết bao thăng trầm, những làn điệu dân ca của người Hrê trở thành xa lạ đối với lớp người trẻ. Một số người còn giữ vốn quý của dân tộc mình thì tuổi đã cao, sức đã yếu.
 
Để bảo tồn và phát huy những giá trị, nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Hrê cho thế hệ mai sau, vừa qua, Sở VH-TT&DL đã phối hợp với các huyện Minh Long, Ba Tơ và Sơn Hà mở các lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc dân tộc Hrê cho hơn 100 học viên là con em đồng bào dân tộc Hrê. Các nghệ nhân cao tuổi, có uy tín như bà Y, ông Sự trực tiếp đứng lớp truyền dạy.
 
Nói về việc bảo tồn dân ca Hrê trong cộng đồng và lớp trẻ hôm nay, bà Y bảo: “Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến đồng bào mình như thế, thậm chí là trả tiền ngày công cho mình để khuyến khích đi học. Vốn quý của dân tộc mình, mình không giữ thì ai giữ giúp mình? Chỉ cần yêu truyền thống của dân tộc mình thì ngàn năm nữa vẫn được giữ gìn”.
 
Bà Trần Thị Mỹ Lan- Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Minh Long cho biết, huyện đã đề nghị Sở VH-TT&DL tiếp tục mở lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc Hrê cho các giáo viên người Hrê đang dạy tại các trường học để họ truyền dạy lại cho học sinh.
 
Còn tại huyện Ba Tơ, các địa phương bảo tồn và phát huy dân ca, dân nhạc Hrê bằng cách lồng ghép với các hội thi, hội diễn, chương trình văn nghệ.
 
Ngay trong chương trình văn nghệ mừng Đảng mừng Xuân dịp Tết Đinh Dậu 2017 vừa qua, học viên Phạm Văn Say, ở xã Ba Thành, một trong những học viên được nghệ nhân Phạm Văn Sự truyền dạy đã biểu diễn hai tiết mục văn nghệ bằng điệu ta lêu do anh tự sáng tác làm say đắm lòng người.
 
Sau nhiều năm trăn trở với việc bảo tồn, những người tâm huyết với văn hóa truyền thống của dân tộc Hrê khấp khởi mừng vì “tre già đã có măng mọc” để những làn điệu ca choi , ta lêu, hát ru của người Hrê chảy mãi với các thế hệ mai sau.
 
 
Bài, ảnh: A.KIỀU
 

CÁC TIN KHÁC
.