Về sự biến mất của các đền tháp Chăm trên đất Quảng Ngãi

11:03, 28/03/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Trước khi tiến hành khai quật tháp núi Bút vào đầu năm 2017, chúng ta hầu như không tìm thấy bất cứ một ghi chép nào cho phép xác định sự tồn tại rõ hình, rõ dạng về các công trình văn hóa vật thể của người Chăm trên mặt đất, trừ thành cổ Châu Sa.

TIN LIÊN QUAN

Sự tồn tại với mật độ khá cao các đền tháp Chăm ở Quảng Nam và Bình Định (phía bắc và phía nam Quảng Ngãi), trong bối cảnh dải đất từ phía nam đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông có lịch sử khá gắn bó, ít nhất là từ đầu thế kỷ XV về sau, đã khiến cho việc đi tìm lý do của sự lụi tàn, hoặc thưa thớt các đền tháp Chăm ở vùng đất vốn được gọi là Cổ Lũy động trở nên rất khó khăn.

Cho dù ghi chép của các nhà sử học, tướng lĩnh cũng như các truyền thuyết trong dân gian cho thấy cuộc đối đầu giữa người Chăm và người Việt trên đất Quảng Ngãi diễn ra ác liệt hơn nhiều so với Quảng Nam và Bình Định. Điều này (cuộc can qua Chăm Việt) có thể là một trong những lý do dẫn đến sự hư hại, đổ nát của các đền tháp Chăm; song rất khó có thể cho rằng đó là lý do duy nhất hoặc lý do chủ yếu dẫn đến thực trạng lịch sử như trên.

 

Tượng Uma (thế kỷ X) tìm thấy ở làng Đông Phước (Bình Sơn)
Tượng Uma (thế kỷ X) tìm thấy ở làng Đông Phước (Bình Sơn).


Cũng có ý kiến cho rằng, vùng đồng bằng lưu vực sông Trà Khúc không màu mỡ, trù phú như đồng bằng lưu vực sông Thu Bồn (Quảng Nam) và sông Côn (Bình Định) và vì thế “mạng lưới ven sông Trà Khúc” không thể cạnh tranh, với các mạng lưới ven sông láng giềng ở phía bắc và phía nam.

Không thể bác bỏ một cách đơn giản giả thiết này, nhưng những gì chúng ta có thể quan sát được vào thời gian về sau, khi người Việt đã định cư lâu dài trên đất Quảng Ngãi, cho thấy vùng đồng bằng dù không rộng lớn ở đây không chỉ đủ tạo ra nguồn lương thực nuôi sống cư dân tại chỗ, mà còn làm ra những sản phẩm độc đáo từ các giống cây trồng bản địa như đường phổi, đường phèn (từ cây mía), tơ tằm (từ cây dâu), mạch nha (từ cây lúa) để trở thành sản phẩm hàng hóa buôn bán, trao đổi với các nơi khác.

Trong khi chúng ta chưa ghi nhận sự vượt trội nào về kỹ thuật canh tác của cư dân Chăm vùng đồng bằng sông Thu Bồn (phía bắc) và đồng bằng sông Côn (phía nam) so với cư dân sông Trà Khúc, sông Vệ, Trà Bồng, Trà Câu, thì với các điều kiện tự nhiên khá tương đồng khó có thể dẫn đến sự chênh lệch quá lớn về trình độ sản xuất nông nghiệp giữa các vùng này vào thời kỳ tồn tại của vương quốc Chăm.

 

Phù điêu Brahma (thế kỷ XI) tìm thấy ở Chánh Lộ (TP Quảng Ngãi)
Phù điêu Brahma (thế kỷ XI) tìm thấy ở Chánh Lộ (TP. Quảng Ngãi)


Có hai vấn đề mà lâu nay giới nghiên cứu hầu như không nhắc đến nhiều, đó là:

• Địa hình hiểm trở với nhiều núi cao dựng đứng, thung lũng, rừng già ở miền núi phía tây Quảng Ngãi, chia cắt vùng trung du- đồng bằng ở phía đông với vùng cao nguyên rộng lớn phía tây (Tây Nguyên), khiến việc giao lưu, giao thương giữa 2 vùng trở nên rất khó khăn, và điều này là có sự khác biệt ở từng mức độ so với vùng phía tây Phú Yên, tây Bình Định, tây Quảng Nam.

• Sự hiện diện của tộc người Hrê trên địa bàn núi rừng phía tây Quảng Ngãi. Đây là một tộc người có những khác biệt khá rõ so với các tộc người cư trú ở miền Tây các tỉnh duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên. Chẳng hạn như, trong khi các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên có hoạt động kinh tế chính là hái lượm, làm nương rẫy và săn bắt, khai thác nguồn tài nguyên từ rừng, thì người Hrê lại là những bậc thầy trong việc canh tác lúa nước, cày bừa 2 trâu, làm đập bổi để đưa nước vào ruộng. Họ cũng là những người sống định canh, định cư khác với lối sống du canh, du cư của phần đông các tộc người thiểu số vùng Trường Sơn- Tây Nguyên.

Hai vấn đề nêu trên gợi cho chúng ta điều gì? Phải chăng vào thời điểm tồn tại của vương quốc Chăm, người Hrê ở miền Thượng đã có thể tổ chức thành một lãnh địa tự trị, đủ hùng mạnh để cạnh tranh với một mandala ở vùng thấp, mà cư dân và các giao điểm thương mại châu tuần quanh vùng hạ lưu sông Trà Khúc và cửa Đại Cổ Lũy.

Ở đây, chúng tôi xin được lưu ý là các dấu vết đền tháp Chăm ở Quảng Ngãi mà chúng ta còn nhận thấy được trên mặt đất hiện nay, nơi xa nhất về phía tây là tháp An Tập (thôn An Hội Bắc, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa), chỉ cách bờ biển chừng 20km theo đường chim bay.

 

Phù điêu Hamsa (Thế kỷ XI) tìm thấy ở Chánh Lộ (TP Quảng Ngãi)
Phù điêu Hamsa (Thế kỷ XI) tìm thấy ở Chánh Lộ (TP. Quảng Ngãi)


Một lưu ý khác, nhắc rằng sử Việt cho biết rất rõ, từ khoảng thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, giữa triều đình phong kiến người Việt (nhóm cư dân thay thế người Chăm ở vùng trung du- đồng bằng) và người Hrê (miền Thượng) đã liên tục xảy ra những cuộc đối đầu, nhiều khi ảnh hưởng đáng kể đến xu thế hình thành một quốc gia thống trong cuộc hành trình Nam tiến.

Không thể lấy một thực trạng lịch sử xảy ra về sau, thậm chí rất lâu về sau, để giải thích những gì xảy ra trước đó; thế nhưng trong rất nhiều trường hợp mối liên hệ nhân quả giữa các sự kiện lịch sử trở thành một chuỗi sự kiện có thể cho phép người ta nhìn vào một thời điểm nhất định, hay nói cách khác là nhìn vào một mắc xích trong chuỗi sự kiện đó, có thể hình dung ít nhiều về những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Một vài ý kiến trên đây chỉ là những giả thiết ban đầu về sự xuất hiện cũng như biến mất của hầu hết các đền tháp Chăm trên đất Quảng Ngãi. Tìm hiểu sâu ra căn nguyên của vấn đề đỏi hỏi có sự nghiên cứu công phu của các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. 


Lê Hồng Khánh



 


CÁC TIN KHÁC
.