(Baoquangngai.vn)- Vào những ngày đông tháng giá, tô mắm cái cá cơm thơm lừng bên nồi cơm nóng hổi là món ăn trường kỳ của người dân thôn quê, nhất là người dân vùng rốn lũ. Chẳng phải cao lương mỹ vị, nó bình dị, mộc mạc và gắn với người thôn quê như chính những người ruột thịt của họ.
TIN LIÊN QUAN
Nghe tin đài báo sắp có đợt mưa lớn, việc đầu tiên chị Trương Thị Hạnh, ở xóm Phương Đình Đồng, thôn An Đại 1, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) nghĩ tới không phải là đi chợ để mua sẵn thực phẩm dự trữ mà sốt sắng lấy dụng cụ lọc thùng cá cơm lấy mấy chai mắm cái. Đứng xa vài chục mét, tôi vẫn ngửi được mùi thơm lan tỏa.
Vốn sống ở vùng rốn lũ, hễ cứ mưa lớn là ngập nên mấy mươi năm qua, lúc nào trong nhà chị Hạnh cũng có thùng mắm cá cơm muối dự trữ trong góc bếp.
“Tháng trước, mưa lũ, cả thôn bị cô lập đến gần nửa tháng. Nhà mình đông người nhất xóm có tới 8 miệng ăn, ăn mì tôm riết cũng ngấy, ngày nào cũng ăn cơm với mắm cái mà tụi nhỏ vẫn tấm tắc khen ngon”- chị Hạnh phân trần.
Không chỉ nhà chị Hạnh mà khắp xóm Phương Đình Đồng với hơn 100 hộ, đa phần ai cũng dự trữ món này để cho gia đình dùng trong ngày đông tháng giá.
Mắm cái cá cơm với rau luộc là món ăn trường kỳ trong những ngày mưa to gió lớn của người dân vùng lũ. |
Bà Trần Thị Của vẫn có thói quen mỗi năm đến mùa cá cơm cũng muối 30kg cá để dành ăn cả năm, nhất là những tháng mùa mưa. Bà bảo, không phải vì không có tiền mua thực phẩm tươi sống, phải ăn món này cho qua ngày đoạn tháng mà bà thích hương vị thơm đượm, đậm đà, vô cùng đặc trưng, quyến rũ của nó.
Khi còn bé, tôi cứ nghĩ vì nghèo mà mùa đông, những người thôn quê chỉ có thể ăn cơm với mắm cái cá cơm chứ làm sao có tiền mua cá tươi. Nhưng không phải thế, giờ đây khi cuộc sống đã thay đổi, với bao món ngon vật lạ, nhưng mùi vị thơm lừng của món mắm cái cá cơm vẫn khiến nhiều người ngất ngây.
Mắm cái cá cơm chấm rau lang, bí luộc thì sẽ cho hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Để có một tô mắm ngon dùng trong bữa ăn, khi chế biến giã ớt tỏi, thêm một ít bột ngọt, ít đường, vắt vài giọt chanh tươi và ít tiêu. Cũng có thể chưng mắm cho nóng trước khi ăn. Mắm cái cá cơm còn được dùng để làm nước chấm cho món bánh tráng cuốn thịt heo luộc.
Người thôn quê hay cho thêm vào mắm cái cá cơm đu đủ, dưa leo, thơm, cà pháo, dừa thái lát mỏng,… gọi là mắm bỏ, là món “đưa cơm” vô cùng tuyệt diệu trong mùa mưa bão, mùa đông gió lạnh.
Cá cơm muối càng lâu càng thơm ngon. |
Để có được hủ mắm cá cơm tuyệt diệu, hằng năm khoảng từ tháng ba âm lịch trở đi, khi mùa đánh cá cơm bắt đầu rộ là người dân quê lại chuẩn bị muối mắm. Ngày nay, những người bán cá, đi về tận nhà để phục vụ cho những người dân miền quê, miền ngược, đôi khi, hết tiền người dân quê có thể đổi bằng lúa gạo.
Theo chị Hạnh, có nhiều loại cá cơm nhưng ở Quảng Ngãi chủ yếu là cơm than và cơm đỏ, thịt rất ngon và thơm. Khi muối nước mắm cho nhiều nước và nước mắm thơm hơn các loại cá cơm khác. Muối mắm cá cơm phải có bí quyết hẳn hoi chứ không phải dễ.
Người không có “nghề” muối mắm bị ương, sình lên vì không ăn muối, nổi màng màng. Khi cá đem về, rửa sơ, để từng rổ cho ráo nước rồi cho vào hủ sành hay thùng nhựa. Về khâu muối phải dùng muối hột, theo công thức 3 cá 1 muối.
Sau khi trộn đều cá với muối, cho vào hũ hay thùng, lấy bao ni lông phủ ngoài nắp, đậy kín để ở nơi khô ráo. Trong quy trình muối mắm, phải đậy, bao bọc hũ mắm thật cẩn thận vì nếu không, ruồi tới viếng thăm sẽ sinh dòi.
Thông thường thì sau vài tuần thì mắm đã chín, nhưng để mắm thật lâu mới ngon nên dù mắm đã chín, người dân quê vẫn hay để đến vài tháng, thậm chí cả năm, giúp mùi vị đậm đà, thơm ngon hơn.
Tuy là món ăn bình dân, mộc mạc và bình dị, nhưng lạ miệng, thơm ngon, rất được ưa chuộng. Với những người dân thôn quê, hương vị nồng nàn, mặn mà của chén mắm cái cá cơm là đặc sản nơi quê nhà.
Bài, ảnh: Ái Kiều