(Baoquangngai.vn)- Muỗng don ngọt dịu hòa cùng vị cay của ớt khiến tôi chợt ngỡ ngàng. Cảm giác ấy vẫn vẹn nguyên trong ký ức sau hơn 20 năm, kể từ lần đầu tiên tôi được thưởng thức tô don sông Trà trong đêm đông se lạnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hơn 20 năm trước, tôi rời nhà lên thị xã Quảng Ngãi (giờ là TP.Quảng Ngãi) trọ học với sự bỡ ngỡ của gã trai quê lần đầu ra phố thị. Buổi tối, tôi cùng nhóm bạn học xa quê lang thang trên các tuyến đường ngắm phố phường về đêm. Khi chân đã mỏi, chúng tôi thường ghé vào hàng quán ven đường cùng nhau thưởng thức những món ăn rẻ tiền trước khi trở về căn phòng trọ ngổn ngang sách vở.
Bé gái đang thưởng thức món don. |
Vào một đêm đông se lạnh, chúng tôi ghé vào quán ven đường với biển hiệu “chè don” trông thật lạ mắt. Vừa yên vị trên chiếc ghế nhựa bạc màu theo thời gian, cậu bạn nhanh nhảu: “Chị ơi! Cho tụi em năm ly chè don” khiến chị chủ quán tròn xoe mắt. Chị từ tốn: “Các em ăn chè hay ăn don?” làm cả bọn ngớ người. Chị ôn tồn giải thích: Quán bán chè và bán don nên biển hiệu ghi như thế cho tiện.
Tính hiếu kỳ khiến cả bọn thống nhất chọn món don và được chị chỉ dẫn cách thưởng thức món ăn lạ lẫm này. Chúng tôi bẻ bánh tráng nướng chín vào tô, dằm trái ớt sim, thêm muỗng ớt sa tế… với tâm trạng háo hức. Muỗng don khiến cả nhóm cùng xuýt xoa, vì ớt cay hòa cùng vị ngọt dịu được chắt lọc từ loài thủy sinh vùng hạ lưu dòng Trà Giang. Cảm giác ấy giờ vẫn vẹn nguyên trong ký ức.
Món don sông Trà làm thỏa lòng thực khách sau nỗi nhọc nhằn của bao người. Cư dân ven bờ vùng hạ lưu ngâm mình trong nước hàng giờ đồng hồ để cào don (thuộc họ nhuyễn thể hai mảnh vỏ, nửa đen nhạt và nửa vàng lợt). Dụng cụ cào don gồm chiếc thùng cào đan bằng tre gắn với thanh tre dài hơn 2m và gắn với dây đeo vào ngang hông. Người cào một tay cầm thanh tre, tay còn lại chống vào lưng và cứ thế đi giật lùi rồi đổ don vào rổ tre đặt trên chiếc ghe gần đấy.
Sau khi cào về, don được ngâm trong nước để nhả hết bùn, rửa sạch rồi cho vào luộc trong nồi nước đun sôi trên bếp. Dùng thanh tre vót láng khuấy mạnh và đều tay liên tục cho don tách vỏ. Nước luộc được cho vào nồi khác đun sôi và nêm gia vị cho vừa ăn, đãi lấy phần ruột (thịt don) rồi cho vào hũ sành. Hành tây xắt thành sợi mỏng rồi ngâm qua nước cho bớt mùi hăng, hành lá xắt nhỏ. Bẻ bánh tráng sống vào tô, cho hành tây xắt sợi cùng hành lá xắt nhỏ lên trên rồi múc nước luộc don đang nóng, thêm tiêu xay nhuyễn là đã có tô don trông thật bắt mắt.
Ruột don bằng đầu đũa ăn cơm màu trắng ngà hòa cùng màu xanh của hành lá, màu trắng của bánh tráng, hành tây như mời gọi. Bánh tráng nướng chín, ớt sim, tương ớt, thêm tí nước cốt chanh làm cho tô don thêm đậm đà hương vị.
Don ăn kèm với trứng vịt lộn |
Giờ nhiều người “biến tấu” món don khi ăn kèm trứng vịt lộn, tạo nên hương vị đặc trưng. Cư dân nơi này thật khéo léo khi kết hợp giữa thịt don mang tính hàn cùng ớt và tiêu mang tính nóng nên món don luôn hợp với sức khỏe của nhiều người. Dẫu được xem là đặc sản nức tiếng nhưng tô don khá rẻ, phù hợp với túi tiền của thực khách bình dân.
Giờ đã sang đông. Ký ức ngày xa chợt ùa về. Lòng bồi hồi nhớ những người bạn cùng thưởng thức tô don sông Trà trong đêm đông se lạnh trên vùng đất Cẩm Thành xưa.
Trang Thy