(Baoquangngai.vn)- Những ngôi nhà cao thấp nằm san sát hai bên con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn ra cửa biển. Mùi tanh nồng đặc trưng của hải sản, cùng giọng nói hào sảng mang đậm hương vị biển. Tôi tưởng chừng đó là tất cả những dấu ấn nồng đậm nhất trong tôi về biển. Mãi cho đến khi, tôi tình cờ về làng chài nhỏ khi đang có phiên chợ cá trong ngày mưa gió trầm buồn…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ở quê tôi, dải đất miền Trung đầy lam lũ, dân làng chài quanh năm phơi mình với nắng gió hanh hao, chỉ còn biết bám vào biển để thoát khỏi cảnh nghèo đói. Những ngày thuận gió, hàng nghìn chiếc thuyền hối hả ra khơi để sau đó vài ngày, lại thong thả về cảng với tôm cá đầy khoang.
Những ngày ấy, chợ cá lúc nào cũng nhộn nhịp, căng tràn sức sống. Các chị, các mẹ trực sẵn ở bến từ sớm để đón những đoàn thuyền của người thân trở về. Lộc biển từ khơi xa cập bờ, kéo theo nụ cười rạng ngời đến mộc mạc trên khuôn mặt cháy nắng của các ngư dân.
Vài chiếc thuyền về bờ với những con cá tươi rong sau 5-6 tiếng ra khơi tranh thủ trong những ngày mưa gió |
Ấy vậy nhưng vào những ngày trời trở gió, thuyền ghe vội vã về bờ neo trú, làng chài lại rơi vào sự trầm lắng đến nôn nao. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, những ngư dân nghèo không thể “treo” thuyền trong suốt 3-4 tháng mùa mưa. Bởi điều ấy đồng nghĩa với việc cả gia đình 5-6 miệng ăn sẽ chẳng có thu nhập để trang trải cuộc sống.
Trong cái khó ló cái khôn, có kinh nghiệm về biển truyền từ đời này qua đời khác, các ngư dân biết chọn những thời điểm “vàng” gió êm, biển lặng, để đi đánh bắt ven bờ trong những tháng mùa mưa lê thê. Từ ấy, chợ cá mùa mưa hình thành.
Chợ cá những ngày mưa. Tuy không có nhiều tôm cá như thường lệ, nhưng bù lại, phiên chợ trái mùa mang một sắc thái thật riêng biệt. Khẩn trương và chẳng kém phần nhộn nhịp. Một lần được hòa nhập vào sắc thái độc đáo ấy, ắt hẳn ai cũng sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về sự vất vả đến bình dị của người dân làng chài.
Thời tiết những tháng 10-12, gió mùa hết trận này đến trận khác tràn về làng biển, nên các ngư dân chỉ còn cách đi làm nghề lộng, cách bờ chừng vài hải lý. Sáng sớm chừng 4-5 giờ sáng, thuyền ra khơi giăng lưới. Đến khi mặt trời bắt đầu đổi hướng về tây, lác đác vài chiếc thuyền đã cập bờ. Chỉ là vài chục ký cá nục, cá cam hay tà ma… nhưng độ tươi rong của hải sản mới được vớt từ biển lên trong tích tắc lại đủ hấp dẫn làm nên một phiên chợ ồn ào.
Chợ cá mùa mưa tuy không nhiều tôm cá như ngày thường nhưng lại mang một sắc thái rất riêng biệt |
Bờ biển vắng vẻ vì những ngày mưa gió rả rích bỗng chốc lại sáng bừng sức sống. Hơn 30 chị em phụ nữ đang tranh mớ cá tươi từ những chiếc thúng vừa cập bờ. Tiếng cò cưa trả giá với giọng nói đậm vị biển của các chị hòa với tiếng sóng xô bờ rầm rì. Sự cãi vã tưởng chừng rất quyết liệt để tranh giành từng ký cá tươi, lại được các chị hóa giải ngay trong chốc lát bằng những nụ cười giòn tan, vang cả một góc trời.
Bãi biển nhộn nhịp với chợ cá mùa mưa chỉ kéo dài nhiều nhất chừng 1-2 tiếng đồng hồ. Đến vội rồi đi cũng vội, chợ cá như nốt nhạc cao hứng trong những nốt trầm buồn của bài hát về biển ngày mưa gió. Những lúc ấy, lũ trẻ làng chài nô nức chạy ào ra cửa biển, hào hứng rủ nhau chơi các trò trẻ thơ ngay bên chợ cá. Các cụ già từ các ngôi nhà gần đó cũng bắt ghế ngồi nheo mắt dõi về chợ cá với nụ cười hồn hậu.
Bức tranh bình dị về cuộc sống làng biển ngày mưa được khắc họa đẹp lạ thường đến vậy. Ở đó, sự vất vả đời thường tạm thời bị gạt qua một bên, để dành phần nhiều cho những âm thanh ồn ào của chợ cá. Đó là sự ồn ào ý nghĩa lúc nào cũng được người dân làng biển ngóng đợi, nhất là trong những ngày đông rét mướt. Bởi với họ, còn chợ cá nghĩa là ông trời vẫn còn ưu ái, cho thuyền ra khơi thuận lợi để mang lộc biển trở về với niềm vui trọn vẹn…
Bài, ảnh: Thiên Vương