(Báo Quảng Ngãi)-Điện Trường Bà thuộc thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng. Đây là một di tích lịch sử văn hóa quốc gia, có sự giao thoa văn hóa giữa đồng bào Kinh, Cor, Chăm Pa và người Hoa. Hằng năm, từ ngày 15 - 17.4 (âm lịch), người dân từ các nơi về dự lễ hội với lòng thành kính, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khai hội...
Hằng năm, cứ vào dịp Lệ Xuân (từ ngày 15 -17.4 âm lịch), các dân tộc anh em: Kinh – Thượng - Chăm – Hoa tập trung về điện Trường Bà tế lễ cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ăn tươi tốt. Không chỉ có người dân ở huyện Trà Bồng, Tây Trà, Bình Sơn mà nhiều bà con ở Quảng Nam, Bình Định và có cả nhân dân và Ban tế tự bà chúa Núi Sam - Châu Đốc cũng tìm về dự lễ hội.
Điện Trường Bà nơi gắn chặt tình đoàn kết các dân tộc anh em. |
Nếu như người Việt, người Hoa dâng lên bà Thiên Y-A-Na cùng các vị nhân thần là con lợn quay cùng những phẩm vật của miền xuôi, như bánh ít lá gai, bánh nổ thì đồng bào dân tộc Cor lại mang sản vật từ rừng như mật ong, trầu cau và quế... Với lòng thành kính, họ cùng nhau dự lễ rước sắc, lễ mộc dục, lễ tế ngoại đàn, lễ tế chánh điện, lễ thả hoa đăng, lễ rước bà ra khai hội. Người dân hòa mình vào các hoạt động như tấu chiêng, hát bài chòi, múa lân và các hoạt động TDTT như kéo co, đánh bóng chuyền...
“Năm nay, ngày diễn ra lễ trùng với ngày bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021 nên huyện Trà Bồng chỉ tổ chức với quy mô nhỏ, thực hiện các phần lễ, giảm phần hội. Tuy nhiên, từ lâu điện Trường Bà trở thành nơi trở về của đồng bào các dân tộc khắp nơi, nên Ban cũng chuẩn bị đầy đủ những vật phẩm để tỏ lòng biết ơn Thánh mẫu Thiên Y-A-Na, các vị thần có công khai khẩn, bảo vệ bình yên cho dân làng... nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em”. Ông Trần Kim Thật – Phó Ban quản lý di tích cho biết. |
Theo ông Trần Kim Thật – Phó Ban quản lý di tích, không phải bây giờ cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tham gia các hoạt động lễ hội mà từ xa xưa, người Kinh, người Cor và Hoa kiều trên địa bàn đã góp công sức để xây dựng điện Trường Bà.
Bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng, ngành VH,TT&DL phối hợp với UBND huyện lập hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận di tích văn hóa quốc gia vào năm 2014, công nhận cây đa lá lệch là cây di sản và chọn điện Trường Bà là điểm đến trong tuyến du lịch Trà Bồng, Tây Trà. Huyện cũng đã đầu tư kinh phí xây dựng sân nền, nhà đón tiếp khách, nên hiện nay điện Trường Bà khang trang hơn.
Giai thoại và truyền thuyết
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, tập 2 Quốc sử quán triều Nguyễn, điện Trường Bà là nơi thờ Thánh mẫu Thiên Y-A-Na hay bà Chúa Ngọc, vốn là thần Mẹ xứ sở của người Chăm. Theo truyền thuyết ngày xưa, khi miền đất Thanh Bồng (ngày nay là Trà Bồng và Tây Trà) còn rậm rạp, hoang vu, có rất nhiều thú dữ. Nhờ có thánh mẫu Thiên Y-A-Na diệt ác thú, khử yêu ma, khai sơn trị thủy và giúp dân làm ăn. Từ đó, nhân dân vùng Thanh Bồng được sống an lạc, no đủ. Để tỏ lòng cảm tạ công đức của bà, nhân dân đã lập đền thờ phụng.
Còn theo các vị cao niên ở thị trấn Trà Xuân thì việc xây dựng điện, thờ các vị thần trong đó có vị thần Thánh mẫu Thiên Y-A-Na đã góp phần tạo nên sự gắn kết cộng đồng các dân tộc Kinh, Cor và Hoa kiều trên địa bàn, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
Ban đầu, điện Trường Bà được dựng lên rất đơn sơ bằng cây lá nằm ở trên hang núi đá gọi là hang Bà, cách điện thờ ngày nay khoảng 3km về hướng tây bắc (nay thuộc xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng). Đến thế kỷ XVIII, nhân dân trong vùng góp tiền của và công sức xây dựng điện trên một diện tích khá rộng lớn và bằng phẳng ở vị trí như hiện nay.
Ngoài việc thờ phụng thần chủ là Thánh mẫu Thiên Y-A-Na (thiên thần), còn thờ đức Quan Thánh cùng hai vị nhân thần xác thực trong lịch sử là Bùi Tá Hán và Mai Đình Dõng, người đã có công khai khẩn, trấn thủ, giữ gìn bình yên cho vùng đất quê hương.
Bài, ảnh: MAI HẠ