(Baoquangngai.vn)- Tôi nhớ mãi về một người lính già vì lẽ trong trái tim ông luôn chôn chặt hai miền ký ức, một là 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị bi hùng, một là Sài Gòn rợp cờ hoa ngày toàn thắng. Có những chuyện mãi đến giờ mới được ông thổ lộ.
Đó là đại tá Nguyễn Kiếm (71 tuổi) - Nguyên Chủ nhiệm trinh sát, Trung đoàn 48 thuộc Quân khu 3, đơn vị tham gia chiếm giữ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông là trợ lý quân báo, Bộ Tham mưu Quân đoàn 1, quân đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đơn vị đã đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa ngày 30.4.1975. Ông hiện sống ở thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, TP. Quảng Ngãi.
Quyết chiến hè 1972
Ông Kiếm bảo, đã là chiến sĩ cộng sản thì sá chi nguy hiểm gian nan, mục tiêu độc lập dân tộc lúc nào cũng ở trong trái tim, khối óc của người lính cụ Hồ, thế nên lúc nào cũng xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Niềm đau -nỗi nhớ, niềm tự hào - vui sướng đến tột cùng trong chuỗi ngày hoạt động cách mạng được ông chôn chặt trong trái tim qua hai miền ký ức. “Tôi còn sống được là hy hữu. Ở thành cổ, chỗ nào cũng vậy, hốt nắm đất lên đều có xương máu của bộ đội”, ông Kiếm nghẹn ngào.
Đại tá Nguyễn Kiếm xem lại hình ảnh của đồng đội cùng tham gia bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. |
“Thủ trưởng hãy đi đi, để em lại, em không sống nổi đâu”, mấy mươi năm rồi mà câu nói của chiến sĩ liên lạc Bùi Tịnh Đoàn ở Sơn Tây (nay là Hà Nội) cứ văng vẳng bên tai ông. Hôm ấy, đồng chí Đoàn bị thương rất nặng do trúng pháo, trên tấm lưng gầy của ông Kiếm, anh cố trườn người xuống đất, bảo mọi người đừng vướng bận vì anh, và rồi anh đã hy sinh trên đất lửa Thành cổ.
Đồng đội mang thi thể anh về đặt phía trước sảnh của sở chỉ huy. “Anh em hy sinh mang về đặt ở đó, có lúc địch thả bom đúng ngay xuống vị trí anh em nằm… Đau lắm. Hàng trăm ngàn tấn bom đạn địch thả xuống trong 81 ngày đêm, tương đương với 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hirosima (Nhật Bản, năm 1945) thì còn gì đâu, ác liệt không thể tả”, ông Kiếm bùi ngùi nhớ lại.
Tham gia cách mạng khi mới tuổi trăng tròn, xông pha khắp các chiến trường từ Nam chí Bắc, ông Kiếm bảo không nơi nào ác liệt như 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở thành cổ Quảng Trị. 44 năm rồi mà cứ ngỡ như mới ngày hôm qua, trong lòng ông vẫn mãi thương nhớ đồng đội, nhớ những chiến sĩ là học sinh, sinh viên “mặt búng ra sữa” vậy mà kiên cường, bất khuất.
Lúc ngớt đạn bom, cán bộ - chiến sĩ ngồi quây quần bên nhau. Ông Kiếm hỏi những đồng chí mới vào: Vào đây các đồng chí có sợ không? Anh em đồng thanh bảo: Không, phải quyết giữ cho được Thành cổ, đó là nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
Cách đây không lâu, người lính già về thăm lại Thành cổ. Ông lần tìm trong danh sách các liệt sĩ hy sinh tên của đồng chí Nguyễn Văn Lai (quê Đức Phổ), kiếm tìm ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đường 9, nhưng nào có thấy. Ông ngậm ngùi với dòng suy nghĩ đồng chí Lai cùng với đồng đội nằm đâu đó dưới lớp cỏ non Thành cổ. Ông chua chát nói: “Về Quảng Trị hỏi có gì đặc biệt, là nghĩa trang đấy, là máu nhuộm đỏ cả dòng sông Thạch Hãn”.
Niềm vui ngày toàn thắng
Nhìn người lính già khoác trên người bộ quân phục, mái tóc đậm màu sương sớm, đôi mắt đẫm ướt như hướng về quê hương nơi dòng sông Thạch Hãn lững lờ trôi, lòng tôi như thắt lại, cảm giác cay xè nơi sống mũi. Sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ cộng sản kiên trung trên mảnh đất Thành cổ đã viết nên bản anh hùng ca bất tử.
Nỗi đau ở Thành cổ Quảng Trị và nỗi đau mà người dân cả nước phải chịu đựng khi đất nước bị xâm lăng đã hun đúc thành sức mạnh vô biên của dân tộc, quyết giành lại cho bằng được hòa bình, độc lập. Ngày 30.4.1975 đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam với chiến thắng Hồ Chí Minh lịch sử.
Đại tá Nguyễn Kiếm đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý. |
Nhận lệnh cấp trên, từ Ninh Bình ông Kiếm cùng với đồng đội hành quân suốt 17 ngày đêm vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông Kiếm kể, khi đã đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa (ở Thủ Đức), tôi nghe trên làn sóng phát thanh, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Mừng quá, vội điện cho đại tá Thế Bôn, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân đoàn 1. Ở đầu dây bên kia, đồng chí Thế Bôn vui mừng nói: “Tớ cũng đang nghe đây. Cậu nói với anh em chuẩn bị vào Sài Gòn nhé”. “Giải phóng Sài Gòn, thống nhất rồi các đồng chí ơi”, trong ký ức của ông Kiếm và rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, nhân dân chứng kiến ngày 30.4 năm ấy vẫn không sao quên được tiếng hô vang của đồng chí, đồng đội, đó là tiếng hô vang xuyên thế kỷ.
“Hạnh phúc không gì bằng khi nhìn thấy lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tung bay ở dinh Độc Lập. Suốt mấy mươi năm gian khổ, hy sinh, giờ miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất nước nhà. Nhân dân vui mừng, ra đường hò reo, vẫy chào, hình ảnh ấy không bao giờ tôi quên được”, ông Kiếm hồi tưởng.
***
Ở lại Sài Gòn 1 tuần sau giải phóng, ông Kiếm cùng với đơn vị ra lại miền Bắc. Trên đường về, đơn vị dừng chân tại xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa). 5 giờ chiều, ông vội mượn chiếc honda chạy thẳng đến nhà chị gái ở đầu cầu Trà Khúc. 14 năm kể từ ngày ông tham gia đoàn quân giải phóng, giờ mới được về thăm quê. Nhà chỉ có hai chị em, cha mất sớm, chị gái đi lấy chồng, người mẹ già một mình vò võ đợi tin con. Suốt những năm dài bặt tăm, cứ nghĩ con trai đã chết nên bà lập bàn thờ, nào ngờ…
Nghe người ta bảo "thằng Kiếm đã trở về", bà vội chạy đi tìm, vừa đi vừa vui mừng rơi nước mắt. “Nỗi đau tột cùng và hạnh phúc cũng tột cùng, trong tôi đọng lại hai dòng ký ức sâu sắc như thế đấy”, đại tá Nguyễn Kiếm kết thúc câu chuyện bằng một nụ cười hiền.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ