(Báo Quảng Ngãi)- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để đối phó với âm mưu của địch và tạo điều kiện thuận lợi trong chỉ đạo phong trào cách mạng, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã chủ trương thành lập huyện Đông Sơn, gồm 9 xã khu đông huyện Sơn Tịnh (nay thuộc TP. Quảng Ngãi) và 5 xã phía đông nam của huyện Bình Sơn.
Mặc dù chịu nhiều đau thương mất mát bởi sự khủng bố tàn bạo của kẻ thù, nhưng với tinh thần kiên cường bất khuất và sự mưu trí, dũng cảm, bộ đội, du kích và nhân dân huyện Đông Sơn ngày ấy đã làm nên nhiều chiến công hiển hách, với những trận đánh oai hùng...
Ba Làng An nhuộm máu lửa
Cho đến bây giờ, những người cao niên ở các xã thuộc khu vực Ba Làng An vẫn không quên những ngày quân địch thực hiện kế hoạch “bình định cấp tốc” đánh phá vùng Ba Làng An. Đó là từ ngày 13.1 đến 19.2.1969, địch tập trung lực lượng, phương tiện chiến tranh hiện đại, mở trận càn lớn mang tên “Liên kết 9”, với 8.000 quân cùng nhiều vũ khí hạng nặng tập trung đánh phá khu vực Ba Làng An, gồm các xã Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Tịnh Khê, Bình Châu, Bình Phú và Bình Tân. Với chính sách “ba sạch”, chúng đã giết hại 204 đồng bào ta và dùng bom pháo san bằng nhà cửa, hầm hào, ruộng vườn. Đồng thời chở hơn 10.000 dân (hầu hết là người già, trẻ em, phụ nữ) lên khu dồn Văn Thánh (xã Tịnh Ấn) nhốt tất cả vào 118 căn lều trại giữa bãi cát trơ trọi, xung quanh rào 3 lớp dây thép gai và một đại đội lính canh gác. Do sống chen chúc trong cảnh màn trời, chiếu đất, thiếu vệ sinh, ăn uống đói khát nên số người đau ốm lên đến 70% và ngày nào cũng có 8-9 người chết. Trước cảnh khốn cùng ấy, nhân dân trong khu dồn liên tục đấu tranh đòi trở về quê cũ làm ăn.
Một góc xã Tịnh Khê hôm nay. |
Không thể khuất phục được đồng bào ta, trong ba ngày 9, 20 và 22.3.1969, địch cho xe chở hơn 1.200 đồng bào và một số tù chính trị ở lao Quảng Ngãi xuống khu dồn Phú Thọ, Tư Nghĩa (nay thuộc TP. Quảng Ngãi), sau đó cho tàu thủy chở ra hòn Bàn Than, cho nước vào tàu và chạy hết tốc lực để nước cuốn trôi, hoặc cho lật chìm ghe để giết chết tất cả. Ai cố bơi vào bờ đều bị chúng bắn chết. Xác đồng bào trôi dạt vào các cửa biển từ Sa Kỳ, Cổ Lũy, Mỹ Á đến Tam Quan (Bình Định), được nhân dân những nơi này vớt lên chôn cất...
Đánh bại cuộc càn “Liên kết 9”
Mặc dù bị địch đánh phá ác liệt, bao vây nhiều phía khu vực Ba Làng An. Nhưng với tinh thần “quyết tử giữ gìn quê hương”, lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và dân quân du kích các xã vùng Đông Sơn đã mưu trí dựa vào công sự, địa đạo, nhử địch vào bãi mìn, hầm chông để tiêu diệt. Khi cánh quân địch đổ bộ bằng đường không xuống 2 xã Bình Phú, Bình Tân đã bị quân ta chặn đánh quyết liệt, diệt hàng chục tên Mỹ, bắn rơi 3 máy bay trực thăng. Còn ở phía nam, một tiểu đoàn lính cộng hòa và hai đại đội bảo an tiến vào xã Tịnh Khê lùng sục các thôn Trường Định, Tư Cung, Mỹ Khê đã bị một đơn vị của Tiểu đoàn 48 (Tỉnh đội Quảng Ngãi) và dân quân du kích địa phương dựa vào làng chiến đấu, diệt hơn 100 tên, bắn cháy xe bọc thép M113, sau đó tiếp tục diệt một trung đội Mỹ đóng tại chùa Đá Mộc...
Kết quả, từ ngày 13 - 30.1.1969, quân ta đã đánh bại cuộc càn “Liên kết 9” của 8.000 quân Mỹ vào khu vực Ba Làng An, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, diệt 5 trung đội Mỹ, 1 đại đội ngụy và phá hủy 17 xe tăng, bắn rơi 7 máy bay, làm thất bại trận càn lớn nhất của địch ở Khu 5, góp phần làm cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ bước đầu bị lung lay.
Huyện Đông Sơn từng hai lần được thành lập (giai đoạn 1961-1965 và 1970-1975), gồm có 17 xã, trong đó có 5 xã tách ra từ huyện Bình Sơn là Bình Thanh, Bình Hiệp, Bình Phú, Bình Tân, Bình Châu; 10 xã tách ra từ huyện Sơn Tịnh (nay thuộc TP.Quảng Ngãi) là Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Tịnh Khê, Tịnh Thiện, Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh Tân, Tịnh Nhơn, một phần Tịnh Ấn, Tịnh Phong và 2 xã Lý Hải, Lý Vĩnh (Lý Sơn). Tháng 4.1975, trước yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới, Tỉnh ủy quyết định giải thể huyện Đông Sơn, các xã khu đông Bình Sơn, Sơn Tịnh lại nhập về hai huyện. |
Biến đau thương thành hành động
Ngay sau sự kiện quân địch giết hại đồng bào Ba Làng An, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Ngãi, liên tiếp trong các đêm 18-19.3.1969, các chiến sĩ trong đơn vị pháo binh tỉnh đã nã pháo liên tục vào cơ quan địch ở khu dồn Văn Thánh, giết chết và làm bị thương trên 100 tên Mỹ, bắn cháy 14 xe tăng và một cối 106 ly. Quân địch trong khu dồn lúng túng, hoang mang vội chạy trốn xuống Bình Châu, Tịnh Kỳ nhưng vẫn không thoát khỏi “lưới lửa” của quân ta...
Trong khi đó, đồng bào trong khu dồn Văn Thánh đấu tranh tuyệt thực, không nhận khẩu phần cấp phát, phản đối phân loại quần chúng ly khai người thân và biến cuộc mít tinh của địch thành đấu tranh vạch tội bọn ác ôn, cảnh sát ngụy. Đồng thời du kích mật liên tục diệt bọn lính gác, hỗ trợ nhân dân từng bước phá lỏng kìm kẹp, thoát khỏi khu dồn từng bộ phận, khiến quân địch không quản lý được. Cuối cùng bọn chúng phải chấp nhận để hơn 6.000 dân ở khu dồn Văn Thánh trở về làng cũ.
Còn trong giai đoạn 1970- 1975, quân và dân các xã thuộc huyện Đông Sơn cũng đã làm nên nhiều chiến công oanh liệt, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng tỉnh Quảng Ngãi, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30.4.1975.
Những đổi thay diệu kỳ
Hôm nay, về lại miền “đất lửa” Đông Sơn, dọc theo trục đường Mỹ Trà - Mỹ Khê xuống cảng Sa Kỳ và chạy ra hướng bắc đến các xã Bình Châu, Bình Tân, Bình Phú... chúng tôi chứng kiến sự đổi thay đang hiện diện trên từng cây số. Những căn nhà cao tầng với kiến trúc hiện đại mọc lên ngày càng nhiều, nằm san sát cạnh những con đường mới mở rộng thênh thang. Đặc biệt là tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh, với đoạn Mỹ Trà - Mỹ Khê được đầu tư xây dựng khang trang đã mở ra hướng phát triển mới cho các xã vùng Đông Sơn từng một thời chìm trong khói lửa.
Bình Châu hôm nay. |
Ông Trương Thanh Thảo-Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê - xã hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, cho biết: Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã đoàn kết một lòng, ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Năm 2008, Tịnh Khê được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn về văn hóa. Đến năm 2015 được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Và hiện nay cán bộ và nhân dân địa phương đang nỗ lực xây dựng, phát triển để phấn đấu trở thành phường vào năm 2020.
Còn ở xã Bình Châu (Bình Sơn), đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt gần 21 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 9,15%. Hiện nay, xã đang nỗ lực phấn đấu để đến năm 2020 đạt cơ bản 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đưa thu nhập bình quân đầu người lên 40 triệu đồng, hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 8%...
Không chỉ Tịnh Khê, Bình Châu mà hầu hết các xã thuộc huyện Đông Sơn ngày ấy đến nay bộ mặt kinh tế- xã hội cũng có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã có bề dày truyền thống cách mạng ấy đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới để các làng quê ngày càng thêm giàu đẹp.
Bài, ảnh: PHẠM DANH