(Báo Quảng Ngãi)- Món bắp nấu được trồng bên bờ sông Trà là món ăn dân dã của dân vùng ven sông và TP.Quảng Ngãi. Vị ngọt bùi, thanh mát của cả hạt và nước bắp không chỉ gói ghém những giọt mồ hôi mà còn cả hương vị phù sa của sông Trà.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thường ngày, khoảng tầm 16 giờ, người dân TP.Quảng Ngãi tìm đến những món ăn dân dã. Nào don, vịt lộn, bánh bèo, bánh xèo, bánh tráng trộn, bánh mì... và cũng có nhiều loại thức ăn dạng “sang”: Bún bò, bún giò, bánh canh, mì Quảng... Trong các món ăn, nhiều người vẫn chọn cho mình món bắp nấu mà dư vị của nó như lâu rồi cứ lưu giữ một ký ức khó quên.
Bắp nấu sông Trà. |
Thuở nhỏ, giữa chiều quê, tiết trời lành lạnh, mẹ tôi thường mang áo tơi ra nà bắp ven sông để bẻ trái, tránh mùa nước lũ tràn về. Trong chiếc giỏ tre, chỉ một chốc đã đựng đầy bắp trái. Mẹ oằn lưng gánh về và đổ ra giữa nhà chọn những trái bắp non, lột bớt lớp vỏ ngoài để lại lớp vỏ mỏng bên trong khi luộc cho ngọt nước rồi bắc lên bếp. Chừng 30 phút, nồi bắp sôi sùng sục, mẹ vớt ra, hạt bắp căng tròn, vàng óng. Vị ngọt bùi của bắp, vị mặn của muối hoà quyện nên trong nhà ai cũng gật gù khen ngon. Sau khi ăn bắp xong, mọi người đều thưởng thức ly nước bắp nấu đậm đà.
Thường sau khi hái trái, râu bắp, trái chàng, được mẹ nhặt kỹ đem phơi rồi nấu nước cho ba mỗi khi mất ngủ...
Bây giờ, đất nà xưa đã bị xói lở trôi theo dòng nước mỗi khi lũ về. Mẹ đã già và tôi trở thành công chức nhà nước. Sống ở thành phố này nhiều năm, tôi hiểu giữa lòng thành phố có một bộ phận dân cư chuyên sống bằng nghề trồng và bán bắp. Tầm khoảng 2 giờ chiều, họ mang bắp mới nấu xong tỏa đi khắp các đường phố, ngõ hẻm để chào bán. Nhiều lần cầm trái bắp trên tay, tôi nhớ kỷ niệm xưa một thời mà anh em như đàn chim non quây quần trong tổ ấm đợi gánh bắp của mẹ về...
Bắp nấu được trồng ở ven sông Trà bây giờ là bắp giống mới chứ không phải giống bắp như ngày xưa. Hạt bắp không có màu vàng ươm mà trắng muốt, khi ăn tuy có dẻo có mềm, nhưng vẫn không kém phần ngọt bùi, thanh đậm. Bởi bắp trồng ở sông Trà được trồng trên đất phù sa và khi nấu, các chị khéo léo gia vị thêm vào nồi một ít muối làm cho nước bắp ngọt thanh hơn.
Món ăn dân dã, lành tính này từ lâu trở thành món ăn hấp dẫn người giàu lẫn nghèo. Với chúng tôi, những người quê về phố nhiều hôm vẫn không quên mua vài trái để ăn. Chị bán bắp thường mỗi khi bán không quên dúi vào bao túm muối ớt đỏ tươi được gói vào lá bắp cẩn thận.
Bắp nấu tuy theo vòng xe đạp của các chị suốt cả buổi chiều, nhưng do được gói gém khá cẩn thận, khi mua vẫn còn nóng hôi hổi, hấp dẫn biết bao người...
Bài, ảnh: MAI HẠ