(Baoquangngai.vn)- Theo lời giải thích của nhiều người dân bởi ngoài cho mùi thơm như thịt bò khi bỏ vào nồi canh chua; nếu tranh thủ trên đường lên nương, ra đồng để hái lá xuân về bán thì cũng đủ tiền mua vài lạng thịt cải thiện cho bữa ăn của gia đình. Cho nên gọi nó là "lá thịt" là vậy.
Lá xuân mọc nhiều ở bụi rậm khu vực chân núi, gò, đồi trong tỉnh. Lá già có màu xanh, còn non phần đọt có màu tím đỏ. Thân cứng, có kích thước nhỏ thì cỡ ngón tay út, lớn bằng ngón chân cái và phủ đầy gai nhọn.
Tranh thủ lúc lên nương, người dân miền núi huyện Ba Tơ thường tìm hái về bán để mua thực phẩm |
Chiều cao của cây xuân từ 1,5-4m. Phần sử dụng là lá non và đọt, ngọn. Lá xuân có vị chua cho nên người dân đồng bằng dùng để ăn sống. Tuy nhiên phổ biến hơn là sử dụng để nấu canh chua cùng với các loại rau,quả khác. Với món canh có bỏ lá xuân vào thì sẽ có thêm mùi thơm thịt bò, dù rằng trong nồi chẳng có tí thịt bò nào.
Cũng chính vì vậy mà người dân ở vùng quê mỗi khi nấu canh chua thường hay tìm hái một ít lá xuân đem bỏ vào nồi. Còn với người dân ở miền núi, lá xuân là thứ không thể thiếu khi nấu thịt trâu. Có thể tìm hái được quanh năm cho nên mỗi khi đi lao động sản xuất, chăn thả trâu bò... người dân thường hay tranh thủ tìm kiếm để hái về bán. Gặp điểm mọc nhiều, chỉ cần 2-3 giờ là có thể hái được cả rổ... bán được 60.000-100.000 đồng, chị Phạm Thị Giê (32 tuổi), ở xã Ba Động, huyện Ba Tơ cho biết.
Tuy số tiền này có thể không nhiều, thế nhưng cũng đủ để giúp cho người dân, nhất là vùng miền núi Quảng Ngãi có thêm khoản thu nhập để mua thực phẩm: Cá, thịt... cho gia đình.
Công Hoàng