TƯỞNG NIỆM 130 NĂM NGÀY CHÍ SĨ YÊU NƯỚC LÊ TRUNG ĐÌNH HY SINH VÌ NƯỚC (1885-2015):
Lê Trung Đình- Thủ lĩnh đầu tiên của phong trào Cần Vương tại Quảng Ngãi

02:07, 19/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong quá trình dựng nước và giữ nước, cũng như trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị, áp bức của giặc ngoại xâm, tỉnh Quảng Ngãi luôn tự hào là vùng đất có những người con ưu tú, đi đầu, dám xả thân mình vì sự nghiệp cứu nước, cứu dân, tiêu biểu là cử nhân, sĩ phu yêu nước Lê Trung Đình, người đầu tiên giương cao ngọn cờ hưởng ứng Chiếu Cần vương, giúp vua cứu nước vào những năm cuối thế kỷ XIX.

TIN LIÊN QUAN

Cử nhân, chí sĩ yêu nước Lê Trung Đình sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Phú Nhơn, phủ Sơn Tịnh (nay là phường Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi). Cha là Cử nhân Lê Trung Lượng, một vị quan thanh liêm, chính trực. Tính cách ngay thẳng, cương trực của cha và tấm lòng yêu nước của người thầy dạy học là cụ Nguyễn Duy Cung đã truyền cho Lê Trung Đình sớm có lòng yêu nước, thương dân, ghét áp bức, bất công và chí khí khảng khái, kiên cường ngay từ thời còn đi học.

Sớm làu thông kinh sử, nổi tiếng về tài văn chương, Lê Trung Đình thi đỗ Cử nhân giữa cảnh thực dân Pháp từng bước áp đặt chủ quyền trên lãnh thổ Việt Nam, nội bộ triều đình nhà Nguyễn rối ren, chia thành 2 phái: Phái chủ hòa đã đầu hàng, ký hòa ước, dâng nước ta cho giặc; phái chủ chiến phò vua Hàm Nghi trẻ tuổi mới lên ngôi, kiên quyết chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp.

 Không thể ngồi yên khi vận nước lâm nguy, cử nhân Lê Trung Đình đã cùng tú tài Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Tấn Kỳ (huyện Bình Sơn), Nguyễn Bá Loan (huyện Mộ Đức)... đi khắp đó đây, vận động thanh niên tham gia Nghĩa hội, tổ chức các đội quân “đoàn kiệt” gồm những người biết võ nghệ cùng các đội “hương binh” trong các làng xã và xây dựng căn cứ ở núi Tuyền Tung (nay thuộc xã Bình An, huyện Bình Sơn), chuẩn bị lực lượng chống thực dân Pháp. Lê Trung Đình được cử làm Chánh quản hương binh.

Ngay sau khi nghe tin vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương từ vùng rừng núi Tân Sở, Quảng Trị, ngày 13.7.1885 (nhằm ngày 1.6 năm Ất Dậu), Lê Trung Đình cùng các thủ lĩnh hương binh kéo quân về tỉnh thành, đòi cấp vũ khí, lương thực để cùng nhau chống Pháp, nhưng quyền Bố chánh Lê Duy Thụy và quyền Án sát Nguyễn Văn Dụ đã hèn nhát chối từ.

Vì vậy, ngay đêm 13.7.1885, hơn 3.000 hương binh chia làm 3 đạo quân, theo lệnh của Chánh tướng Lê Trung Đình và Phó tướng Nguyễn Tự Tân từ chiến khu Tuyền Tung và các nơi khác tập kết về khu vực bãi sông Trà Khúc, phía tả ngạn, trước đền Văn Thánh (Văn miếu) Quảng Ngãi làm lễ tế cờ, rồi vượt sông, tấn công tỉnh thành Quảng Ngãi. Được lực lượng nội ứng hỗ trợ, nghĩa quân nhanh chóng bắt giữ  viên Bố chánh và Án sát cùng một số quan, quân, tịch thu ấn, triện, binh khí, tiền lương, thả tù phạm do chính quyền thân Pháp bắt giam; ra lệnh chiêu an bá tánh, bổ nhiệm các chức vụ mới của chính quyền địa phương như: Thống đốc, tham tán, đề đốc, lãnh binh và đưa Tuy lý viên Miên Trinh (một người dòng dõi trong hoàng tộc) làm Phụ chính Quốc vương, nhằm làm sáng tỏ mục đích chính nghĩa (giúp vua, cứu nước) của mình; triển khai tổ chức phòng thủ tỉnh thành, chuẩn bị phát động phong trào Cần Vương ra toàn tỉnh, sẵn sàng ứng phó với quân xâm lược Pháp. Nghĩa quân làm chủ tỉnh thành được 5 ngày thì bị Nguyễn Thân – Tiểu phủ sứ Sơn phòng Nghĩa Định, vốn là thành viên Nghĩa hội phản bội, đưa lực lượng về, đánh úp nghĩa quân. 7 vị tướng và Phó thủ lĩnh Nguyễn Tự Tân hy sinh, Thủ lĩnh Lê Trung Đình và một số người khác bị bắt.

Mặc dù Nguyễn Thân tìm mọi cách dụ hàng, Lê Trung Đình vẫn một mực giữ vững khí tiết, khẳng khái, thà hy sinh chứ không chịu khuất phục. Ngày 18.7.1885 (6.6 năm Ất Dậu), Lê Trung Đình bị xử chém ở phía Bắc thành Quảng Ngãi.

Cuộc đời và sự nghiệp của sĩ phu yêu nước Lê Trung Đình thật là ngắn ngủi, ông hy sinh khi tuổi mới ngoài đôi mươi, nhưng tên tuổi Lê Trung Đình luôn gắn liền với truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh, bất khuất, nghĩa khí kiên cường của người dân Quảng Ngãi, để lại dấu ấn không phai mờ trong những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam.

 Cuộc khởi nghĩa Lê Trung Đình là cuộc khởi nghĩa sớm nhất trong phong trào văn thân Cần Vương ở miền Trung, tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, tính chủ động, sáng tạo, quyết tâm chiến đấu, bảo vệ quê hương, Tổ quốc, trước họa mất nước bởi sự xâm lăng của thực dân đế quốc và mang tính chất nhân dân rõ nét. Ngọn cờ chống Pháp và tấm gương yêu nước, thương nòi, tinh thần khảng khái, bất khuất của Lê Trung Đình và các sĩ phu lãnh đạo cuộc khởi nghĩa mãi là niềm tự hào, cổ vũ, động viên phong trào yêu nước chống ngoại xâm, áp bức, bất công của nhân dân Quảng Ngãi liên tục diễn ra trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và những năm về sau lên tầm cao mới.

Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm, sau khi điểm lại toàn bộ phong trào Cần vương trong cả nước đã kết luận “… có thể khẳng định trong sự bùng nổ mạnh mẽ của phong trào Cần Vương Nam Trung Kỳ sau sự biến kinh thành Huế tháng 7.1885, Quảng Ngãi đã đóng vai trò châm ngòi và khởi động đầu tiên cho cả một chuỗi dài các cuộc khởi nghĩa ở các tỉnh cùng lúc bùng nổ, làm cho kẻ thù và tay sai hốt hoảng, lo sợ”.

Sau khi Lê Trung Đình hy sinh, vợ ông đang mang thai đã lánh về làng Kỳ Thọ, huyện Chương Nghĩa (nay là thôn Kỳ Thọ Nam, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành) sinh sống và sinh hạ được một người con trai. Hiện nay, hậu duệ Lê Trung Đình đang sinh sống tại làng Kỳ Thọ Nam và một số địa phương khác trong nước. Tại thôn Trường Thọ Đông, thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh (nay là tổ dân phố Trường Thọ Đông, phường Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi), trong Nhà thờ họ Lê Trung có bàn thờ sĩ phu yêu nước Lê Trung Đình... Năm 1996, tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Viện Sử học tổ chức Hội thảo khoa học (lần thứ nhất) về Khởi nghĩa Lê Trung Đình và phong trào Cần vương ở Quảng Ngãi; mộ Lê Trung Đình được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và đã được trùng tu, sửa chữa.

Nhân dịp130 năm ngày chí sĩ Lê Trung Đình hy sinh vì nước (1885-2015), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức dâng hương tưởng niệm nhằm nêu bật những công lao của ông đối với công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, qua đó giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, tiếp tục phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
         

THANH AN
 


CÁC TIN KHÁC
.