Thương tiếc Anh hùng LLVTND Đinh Banh

06:05, 23/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 18.5.2015, Anh hùng LLVTND Đinh Banh, người con ưu tú của núi rừng Sơn Hà đã trút hơi thở cuối cùng, khi nghe tin ông mất, người dân xã Sơn Thành vô cùng thương xót, bởi ông là một người dễ gần, luôn biết sống vì mọi người.

 Còn nhớ cách đây không lâu, trên đường từ Mộ Đức lên Sơn Hà, tôi  đã ghé thôn Gò Ra, xã Sơn Thành để thăm ông, người Anh hùng LLVT đã một thời từng làm cho quân thù khiếp sợ. Khi tôi tìm đến nhà ông khoảng 8 giờ sáng, nhưng ông đã ra đồng thăm lúa. Ông vốn là người năng động, không chịu ngồi yên một chỗ, cho dù đã có lương hưu, nhưng ông vẫn chịu khó làm kinh tế gia đình. Còn trong cuộc sống cộng đồng, ông là người gương mẫu, là trung tâm đoàn kết ở khu dân cư,  luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

 Trò chuyện với ông, mới thấy được ở ông bản chất của một người nông dân mộc mạc. Là một người anh hùng giữa đời thường, nhưng ông sống giản dị và khiêm tốn, ông rất ít nói về mình, chỉ khi tôi cố thuyết phục, ông mới kể cho tôi nghe về những chiến công của một thời đạn bom ác liệt ở chiến trường. Ông sinh năm 1942, ở thôn Tà Ba (xã Sơn Thượng), cũng như bao thanh niên người Hrê ở Sơn Hà ngày ấy, ít học nên thiếu kiến thức làm ăn, gia đình nghèo khó. Đã vậy, hằng ngày lại chứng kiến cảnh bọn tề,  nguỵ  lập ấp, dồn dân, bắt bớ đánh đập dã man những người dân vô tội. Từ đó, trong ông  đã nung nấu lòng căm thù giặc sâu sắc, mới 16 tuổi ông đã xin vào du kích địa phương, 17 tuổi xung phong vào bộ đội, biên chế ở Trung đoàn 95, đóng quân ở xã Trà Niêu (huyện Trà Bồng lúc bấy giờ).

 Anh hùng Đinh Banh.
Anh hùng Đinh Banh.


Năm 1960, ông chuyển sang  làm nhiệm vụ trinh sát ở Tiểu đoàn D20 trực thuộc Quân khu 5, với chức danh là Trung đội trưởng. Sau đó, Tiểu đoàn D20 được giao cho Tỉnh đội Quảng Ngãi quản lý, ông được đề bạt làm Đại đội trưởng đại đội trinh sát, bản thân ông đã tham gia hơn 200 trận đánh  lớn nhỏ. Trong chiến đấu, ông không sợ hiểm nguy, là người đứng đầu đơn vị, ông luôn tính toán chi ly tình hình chiến sự, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thất bại cũng như bảo toàn tính mạng cho đồng đội trong lúc giao tranh. Ông nhớ nhất là trận đánh vào đồn Ba Tơ vào ngày 5.8.1968, đơn vị trinh sát của ông làm nhiệm vụ mở đường, để các đơn vị bộ binh vào phối hợp chiếm đồn. Lúc đó, hoả lực địch rất mạnh, nhưng bị dồn vào thế chân tường tử thủ để chờ quân tiếp viện, nên chúng đã dùng hoả lực bắn dữ dội. Nhưng với tinh thần dũng cảm mưu trí, ông đã chỉ huy đại đội chiến đấu ngoan cường, bản thân ông sau khi tiêu diệt được 3 tên địch,  đã bị một mảnh đạn pháo bắn trúng vào phần lưng, sức công phá hất ông mắc vào hàng rào kẽm gai, ông cứ nghĩ mình không còn nữa.

Thế nhưng, khi tỉnh lại, ông thấy mình được băng bó vết thương và điều trị tại đơn vị. Thì ra, một đồng đội đã kịp thời cõng ông đưa về đơn vị để chữa trị. Qua lời kể của ông mới thấy hết được tấm lòng quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Tuổi thanh xuân của ông dành hết ở chiến trường, lúc ở Trà Bồng, khi qua Ba Tơ, rồi về Sơn Hà, hết nhiệm vụ chống càn lại tham gia các trận công đồn, ông không sợ hiểm nguy, luôn đi đầu trước đồng đội, mưu trí và linh hoạt. Trong suốt những năm tháng chiến đấu, bản thân ông đã tiêu diệt 58 tên địch, 1 xe quân sự. Với những thành tích của ông, ngày 23.9.1973 ông được Hội đồng cố vấn Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Sau ngày đất nước được hoàn toàn thống nhất, ông được Nhà nước tạo điều kiện đi học văn hoá. Sau khi nghỉ hưu, ông về sống ở quê vợ thôn Gò Ra (xã Sơn Thành).

Trở lại cuộc sống đời thường, ông đã cùng với gia đình tập trung chăm lo phát triển kinh tế, tiết kiệm chi tiêu từ tiền lương hưu, lương thương binh hằng tháng, đầu tư trồng 1ha keo, làm 3 sào ruộng, mua 2 con bò về nuôi, vừa để kéo cày, vừa cho sinh sản. Nhờ đó, đời sống kinh tế gia đình đã từng bước cải thiện. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng với tiền tích luỹ hằng tháng, ông đã xây dựng nhà cửa ổn định. Ông luôn sống mẫu mực, nêu gương sáng về đức tính cần cù vượt khó, dám nghĩ, dám làm cho cháu, con học tập.

Là người cao tuổi, cốt cán mẫu mực ông đã đóng góp nhiều ý kiến có giá trị cho cộng đồng dân cư. Những khi rảnh rỗi, ông thường đến thăm những cụ già trong thôn, trao đổi kinh nghiệm sống, vận động các cụ động viên con cháu lao động sản xuất để vượt qua đói, nghèo. Đồng thời, khuyến khích con cháu trong thôn học tập. Mỗi khi trong khu dân cư có gia đình nào khó khăn, hoạn nạn là ông tham gia đóng góp tiền, lúa và kêu gọi các gia đình khác  giúp đỡ.

  Trong chiến đấu ông không quản ngại gian khổ hy sinh, trở thành Anh hùng LLVTND. Về sống giữa đời thường ông luôn phát huy nội lực để làm kinh tế, trở thành già làng uy tín và mẫu mực.
 

Bài, ảnh: Đức Toàn
 


CÁC TIN KHÁC
.