Màu xanh Khánh Giang - Trường Lệ

01:04, 21/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng tư. Hoa bằng lăng nở tím khu tưởng niệm vụ thảm sát 64 thường dân ở Khánh Giang – Trường Lệ, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) cũng là lúc bà con gác lại chuyện đồng áng để lo  hương khói tưởng nhớ người thân của mình nằm xuống trong ngày 18.4.1969. Vượt lên đau thương, người dân Khánh Giang-Trường Lệ đã nguyện một lòng đoàn kết xây dựng cuộc sống mới.

TIN LIÊN QUAN

Dọc theo Tỉnh lộ 624 về Khánh Giang-Trường Lệ trong những ngày này, nắng trải vàng trên những cánh đồng lúa trĩu hạt. Xa xa là những vườn chuối xanh tươi, nối liền với hàng ngàn hecta rừng nguyên liệu, rừng cộng đồng xanh rì, mát mắt. Những ngôi nhà ngói mới mọc lên hai bên đường khang trang. Khu tưởng niệm vụ thảm sát Khánh Giang-Trường Lệ nằm gối đầu dưới chân núi Lớn mùa này tím biếc bởi sắc hoa bằng lăng. Phía trước là dòng sông Vệ trong xanh. Không khí nơi đây thật mát mẻ trong lành. Một bức tranh đối lập hoàn toàn với 46 năm về trước...

Ký ức đau thương  

 Cựu chiến binh Dương Văn Xu, lấy tay phủi những đám rêu phủ mờ bia mộ chung lần lượt chỉ tên 5 người thân của mình bị sát hại trong vụ thảm sát. Ông Xu nguyên là trung đội trưởng pháo binh, thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu 5). Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Khánh Giang-Trường Lệ là địa bàn thuận lợi cho các đơn vị chủ lực của ta hoạt động. Theo chủ trương, dân nơi này bám trụ sống hợp pháp để tạo điều kiện cho các đơn vị Quân khu 5 về  hoạt động. Đơn vị ông Xu cũng vào đóng quân ở núi Lớn bên Khánh Giang – Trường Lệ.

Rừng Khánh Giang - Trường Lệ ngày xưa che bộ đội nay đem lại nguồn nông lâm sản cho bà con.
Rừng Khánh Giang - Trường Lệ ngày xưa che bộ đội nay đem lại nguồn nông lâm sản cho bà con.


 Vào cuối những năm sáu mươi, quân đội Mỹ nã pháo liên tục vào  thôn Trường Khánh (nay chia thành 2 thôn Khánh Giang và Trường Lệ). Rồi, chúng thực hiện dồn dân vào ấp chiến lược. Nhưng với tinh thần yêu nước, người dân nơi đây quyết bám đất, bám làng, một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Ngày 17.4.1969, chúng lùng sục cả thôn Trường Khánh đốt phá, bắn chết và làm bị thương nhiều người dân vô tội. Sáng ngày 18.4, chúng tiếp tục lùng sục áp giải tất cả phụ nữ và trẻ em tập trung vào bãi đất gò Đập Đá, rồi đốt cháy hết nhà cửa của bà con. Đến trưa chúng lạnh lùng xả súng giết những  thường dân vô tội.

Bà Phạm Thị Niêm, thôn Trường Lệ - người sống sót trong vụ thảm sát kể lại: “Lúc đó, tôi chỉ mới lên 8 tuổi. Giặc đến, tôi bám riết chân mẹ. Đến khoảng trưa, bất ngờ chúng đến xả súng bắn vào đám đông, từng người ngã xuống, tôi ngã trong lòng mẹ rồi ngất đi. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình bê bết máu. Không phải máu mình mà là máu mẹ ướt đẫm thân tôi. Nhìn xung quanh, chỉ thấy một màu máu đỏ tươi, tôi hoảng loạn chạy về phía núi cho đến khi gặp được các chú du kích...”.

Gầy dựng cuộc sống mới

Vết thương chiến tranh xưa vẫn còn ám ảnh. Song người dân Khánh Giang - Trường Lệ, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đã đồng lòng vượt lên để gầy dựng cuộc sống mới. Ngồi trong ngôi nhà mát rượi giữa tháng tư này, ông Lương Ngọc Linh, thôn Trường Lệ rót ly nước chè tươi vàng ươm phấn khởi nói: “Nước này để cả ngày vẫn không ngả màu đỏ. Nước ngon, ngọt lắm, cháu uống đi. Có nước sạch là nhờ Nhà nước xây dựng công trình nước sinh hoạt trên núi, rồi đưa về cho dân sử dụng. Trước đây, vùng này nước phèn lắm. Nước đựng đâu ngả màu ố vàng đến đó”.

Phía trước nhà ông Linh là những thửa ruộng lúa đã chín vàng trĩu hạt, bông lúa dài, chắc, hứa hẹn một mùa no đủ. Theo người dân nơi đây, nhờ Nhà nước xây dựng công trình thủy lợi nước đưa về đồng, bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên luôn cho năng suất cao. Bà Phạm Thị Niêm, thôn Trường Lệ - có 3 người thân mất trong vụ thảm sát năm xưa, nay cũng đã gạt qua nỗi đau hòa vào cuộc sống mới. Trên vùng đất này, bà đã làm ruộng, làm mía, trồng rừng để nuôi 7 người con khôn lớn. Nói như nhiều người dân Khánh Giang -Trường Lệ thì, “sống ở vùng đất này, nếu biết cách dựa vào đồi núi để phát triển sản xuất thì cuộc sống sẽ khá hơn nhiều”.

Là thế hệ sinh ra sau ngày giải phóng, nghe kể nhiều về câu chuyện đau thương trong vụ thảm sát, nghe vùng đất quê mình bị tàn phá quá nhiều, anh Huỳnh Tấn Phát học xong 12 ấp ủ trong mình giấc mơ lớn: “Phải làm giàu trên chính mảnh đất này”. Những buổi chiều tha thẩn hết chân núi, đến những cánh đồng, bãi bồi thấy đâu đâu cũng có dấu chân của người canh tác đi trước, anh Phát quyết định tận dụng đất vườn để chăn nuôi heo thịt. Anh tự học khóa kỹ thuật chăm sóc heo, từ cách cho ăn, tiêm phòng đến lo khâu đầu ra. Nhờ mua thức ăn  tận gốc và chăn nuôi kỹ càng nên heo của anh đảm bảo yêu cầu và được bán ở KKT Dung Quất.

Bên cạnh nỗ lực của người dân, năm 2006, dự án KFW6 của Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ cho bà con thôn Khánh Giang, Trường Lệ bảo vệ trên 1.000ha rừng bền vững, đồng thời khoanh nuôi, trồng mới hơn 400ha. Từ những cánh rừng được bảo vệ này đã gìn giữ môi sinh, đem lại nguồn thu nhập cho bà con từ việc khai thác dầu rái, củi gỗ.

46 năm trôi qua, vết thương chiến tranh vẫn còn đó. Nhưng thay cho cảnh hoang tàn bi thương của non nửa thế kỷ trước, giờ đây cơ sở hạ tầng trường học, đường nội vùng, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt được xây dựng khá đồng bộ, nhằm cải thiện cuộc sống bà con nơi đây. Màu xanh của sự sống, ấm no, yên bình đã và đang trải đều trên vùng đất Khánh Giang, Trường Lệ…

 

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


CÁC TIN KHÁC
.