Cụ Huỳnh trong lòng người Quảng Ngãi

09:04, 27/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Cụ Huỳnh” là cách mà người dân Quảng Ngãi thường gọi để thể hiện sự yêu mến và lòng tôn kính đối với chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Dẫu ông không sinh ra ở Quảng Ngãi, nhưng trong lòng dân thì ông vẫn là người con của mảnh đất này, nơi ông đã từng gắn bó và chọn để yên giấc nghìn thu.

TIN LIÊN QUAN

Son sắt lòng yêu nước  

Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng ở núi Thiên Ấn ngày nào cũng có người đến viếng. Đến tháng tư, người dân đến viếng mộ cụ Huỳnh càng đông hơn. Nhân dân trong cả nước, nhất là người dân Quảng Nam-nơi cụ chôn nhau cắt rốn, Quảng Ngãi-quê hương cụ chọn để yên giấc nghìn thu, nhớ mãi ngày 21.4, ngày cụ Huỳnh về với thế giới người hiền trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân (21.4.1947). Trong lòng người dân Quảng Ngãi luôn tôn kính và ngưỡng mộ đức độ, tài cao, một lòng son sắt với nước non của cụ Huỳnh.

Di tích Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ, nơi cụ Huỳnh sống, làm việc và trút hơi thở cuối cùng.                                                                                                                                                       Ảnh: P.L
Di tích Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ, nơi cụ Huỳnh sống, làm việc và trút hơi thở cuối cùng. Ảnh: P.L


Mỗi khi lên núi viếng mộ cụ Huỳnh, người ta vẫn thường thấy một cụ ông đã hơn 80 tuổi luôn ở bên cạnh chăm sóc ngôi mộ. Ông tên là Trần Tạo (quê xã Tịnh Ấn Tây, TP.Quảng Ngãi). Đã nhiều năm nay, bất kể trời nắng hay mưa, ông Tạo vẫn quét dọn, hương khói ở mộ cụ Huỳnh. “Cụ Huỳnh có lòng yêu nước, thương dân vô hạn. Mỗi khi ở bên cạnh mộ của cụ, tôi cảm thấy lòng mình vui hơn. Ở đây không khí rất trong lành”, ông Tạo nói. Khách đến viếng mộ cụ Huỳnh đều được ông Tạo thuyết minh để người dân hiểu hơn về vị Quyền Chủ tịch nước đáng kính.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng học rộng, tài cao nhưng quyết không làm quan cho giặc, là một trong những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ, sau đó lan nhanh ra cả nước với chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Cụ bị thực dân Pháp bắt tù đày 13 năm ở Côn Đảo. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ông vẫn một lòng son sắt tình yêu đối với dân, với nước. Cụ đã sáng lập tờ báo Tiếng Dân để nói lên tiếng nói của người dân cùng khổ và giáo dục truyền thống yêu nước.

Cụ Huỳnh luôn là người được Bác Hồ quý trọng, tin tưởng. Trước lúc sang Pháp dự Hội nghị Fông-ten-nơ-blô (1946) Bác Hồ đã trao Quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng và nhắn nhủ với cụ: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bác Hồ từng nói: “Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

Ở Quảng Ngãi ngày nay, nhớ đến cụ Huỳnh người dân vẫn thường hay lui tới thắp hương ở mộ cụ trên núi Thiên Ấn và về thăm di tích Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ (ở thôn Phú Bình, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành). Tại di tích Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ, điểm nhà bà Võ Thị Tuyết, từ tháng 12.1946 đến tháng 4.1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã sống, làm việc và trút hơi thở cuối cùng.  

Dưới mái trường Huỳnh Thúc Kháng  

Ở Quảng Ngãi hiện có hai ngôi trường mang tên Huỳnh Thúc Kháng, đó là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP.Quảng Ngãi) và Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành). Hàng nghìn giáo viên, học sinh tự hào khi được dạy và học ở mái trường mang tên Cụ Huỳnh Thúc Kháng và không ngừng thi đua dạy tốt-học tốt. Thầy Bạch Ngọc Lâm- Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết, trường được thành lập từ năm 1992. Lúc bấy giờ trường có tên gọi là Trường THPT bán công cấp 2, 3 Sơn Tịnh. Đến năm 1995, trường đổi tên thành Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. “Việc lấy tên Cụ đặt tên cho ngôi trường là nguồn động lực to lớn giúp tập thể giáo viên, học sinh của trường không ngừng vươn lên dạy tốt, học tốt để rèn luyện lớp học sinh giàu bản lĩnh, tri thức mai này phục vụ đất nước”, hiệu trưởng Bạch Ngọc Lâm nói.

Thầy Bạch Ngọc Lâm cho biết thêm, đây là trường thuộc hệ bán công. Đến tháng 9.2011, trường chính thức được chuyển sang công lập. Mặc dù chất lượng đầu vào không cao, nhưng với sự cố gắng của cả thầy và trò nên nhà trường đã đạt nhiều thành tích đáng mừng. Hằng năm, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp đạt trên 90%, trong đó có trên 20% học sinh đậu vào các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Hằng năm, trường tổ chức cho học sinh viếng mộ, tham quan nơi cụ Huỳnh sống và làm việc… Qua đó giúp các em hiểu hơn về người chí sĩ tài ba để các em thêm tự hào về ngôi trường của mình. Em Phạm Ngọc Viên (lớp 12C10, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) chia sẻ: “Em rất tự hào khi được học ở ngôi trường mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng. Bản thân em sẽ phấn đấu học tập tốt để mai này giúp ích cho quê hương”.

Thầy và trò Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng cũng đã vươn lên đạt nhiều thành tích trong giảng dạy và học tập. Trong 5 năm (2011- 2015), trường có 536 HS giỏi cấp huyện, 137 HS giỏi cấp tỉnh; 65 em đạt giải HS giỏi cấp huyện trong cuộc thi máy tính cầm tay, 14 em đạt HS giỏi máy tính cầm tay cấp tỉnh; 56 em HS giỏi cấp tỉnh trong kỳ thi Olympic tiếng Anh… Tấm gương giàu lòng yêu nước, thương dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng mãi soi sáng con đường để thế hệ trẻ học tập, lao động, sống và cống hiến vì sự phát triển của quê hương, đất nước.
 

P.LÝ-T.PHƯƠNG
 


CÁC TIN KHÁC
.