(Báo Quảng Ngãi)- Cuối năm 1949, đầu 1950, từ chiến trường Nam Trung Bộ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 31 là Phạm Kiệt được điều ra Việt Bắc để sang Trung Quốc bồi dưỡng kiến thức quân sự. Tuy vậy, khi đến Việt Bắc, nhận thấy yêu cầu của chiến trường, ông xin ở lại chiến đấu, tham gia các chiến dịch Biên Giới (1950), Hòa Bình (tháng 12.1951- tháng 2.1952) và có công lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sau chiến dịch Biên Giới, có đồng chí tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh khẩu súng cacbin chiến lợi phẩm mang số 585440 . Một hôm, Bác gọi ông Kiệt lên làm việc, sau đó trao cho ông khẩu cacbin và nói: “…Chú là người xông pha trận mạc, cần thứ này hơn Bác, Bác tặng chú đấy”. Hiện nay, khẩu Cacbin 585440 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (Hà Nội).
Tướng Phạm Kiệt |
Đầu năm 1954, vợ và ba con của ông từ khu 5 được đưa ra Việt Bắc, Bác Hồ lại tặng bà Trần Thị Ngộ- phu nhân ông Phạm Kiệt, một khẩu súng lục hiệu mô-de (mauser) 6,35mm số 707271 và dặn: “Cô dùng nó để tự vệ và bảo vệ các cháu cho chú yên tâm nơi chiến trường nhé!…”.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ - 1954, cùng với nhiệm vụ phụ trách công tác bảo vệ, Phạm Kiệt đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía Đông Bắc. Ông đã đến tận nơi, kiểm tra trận địa pháo binh, phát hiện sự nguy hiểm vì bố trí pháo binh dã chiến tại một địa bàn tương đối bằng phẳng. Vì vậy, qua điện thoại đề nghị Đại tướng Tổng tư lệnh thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc". Quan điểm này vốn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nung nấu trong đầu, nhận được sự đóng góp của Phạm Kiệt, khiến ông hết sức tâm đắc và đã quyết định thay đổi cách đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần quyết định mang lại chiến thắng lịch sử cho dân tộc ta.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trung tuần tháng 5.1954, Bác Hồ gọi Phạm Kiệt lên và tặng ông một chiếc radio. Bác vui vẻ nói: “Đây là chiếc đài mà Đờ Cát dùng suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chú Vương Thừa Vũ tặng Bác, nay Bác tặng lại chú vì đã có công đặc biệt xuất sắc góp phần thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ!”. Cũng như khẩu súng carbin, chiếc đài này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Tướng Phạm Kiệt (tên thật là Phạm Quang Khanh, bí danh Tê Đơ) sinh năm 1910 tại xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh. Ông tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1929, đến năm 1931 gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông là một trong những người tham gia thành lập Chi bộ Đảng tại Căng an trí Ba Tơ năm 1944, làm nhiệm vụ Tỉnh ủy lâm thời. Ông là Tỉnh ủy viên trực tiếp chịu trách nhiệm về quân sự. Đêm 11.3.1945, đội quân khởi nghĩa do Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Nguyễn Khoách chỉ huy được sự hưởng ứng của đông đảo đồng bào Kinh, Hrê chiếm Nha Kiểm lý và đồn Ba Tơ. Sáng ngày 12.3.1945, chính quyền cách mạng (Ủy ban nhân dân cách mạng Ba Tơ) tuyên bố thành lập.
Tháng 8.1945, ông là Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa và lãnh đạo giành chính quyền ở tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1946, ông là đại đoàn trưởng Đại đoàn 31 thuộc khu 5.
Ông được phong quân hàm Đại tá năm 1958. Đầu năm 1960, Đại tá Phạm Kiệt sang nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Công an. Tháng 4.1961, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng và nhận nhiệm vụ Tư lệnh, kiêm Chính ủy lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là lực lượng Biên phòng). Tháng 4.1974, ông được thăng quân hàm Trung tướng.
Tướng Phạm Kiệt qua đời ngày 23 tháng 11 năm 1975, an táng tại Hà Nội.
Ông được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh ngay trong ngày ông từ trần và truy phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 25.7.2012.
Lê Hồng Khánh