Ngôi nhà cổ của ông Tú Tiên

10:12, 29/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tọa lạc trong khu vườn rộng hơn 4ha nên căn nhà cổ hơn 90 năm tuổi của ông Tú Tiên (tức Nguyễn Gia Tiên) – một trí thức yêu nước ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) thoạt nhìn trông thật nhỏ bé. Nhưng ẩn sau sự nhỏ bé ấy là không gian kiến trúc đặc biệt…

Con đường đất vào nhà ông Tú Tiên tuy dài ngoằn ngoèo, nhỏ bé nhưng nhờ được các loại hoa giăng phủ nên cũng không kém phần bắt mắt, thú vị. Đi theo con đường đầy hoa này khoảng 100m, du khách sẽ gặp cổng chính được xây theo lối kiến trúc cổ mái vòm, phần mái được lợp ngói vi cá, hai bên là hai trụ biểu có gắn con nghê ở phía trên. Phía bên trong cổng, ngoài bức bình phong khắc hình “Quyển” còn có hai con đường dẫn vào nhà và được điểm xuyết bằng ao sen, vườn cây ăn quả xanh tốt.

 

Quả Đại hồng chung tại ngôi nhà cổ của ông Tú Tiên hiện vẫn chưa xác định được niên đại.
Quả Đại hồng chung tại ngôi nhà cổ của ông Tú Tiên hiện vẫn chưa xác định được niên đại.


Nhà ông Tú Tiên thoạt nhìn không có gì lạ ngoài mái hình vòm và quá… thấp so với những ngôi nhà hiện đại. Thế nhưng, khi vào bên trong du khách sẽ choáng ngợp bởi độ hoành tráng cũng như sự uy nghiêm của nó. Trước hết là gian thờ rất rộng. Toàn bộ giàn kèo và 16 cây cột được làm bằng gỗ lim thiết liên kiềng kiềng với những nét chạm trổ hoa, rồng tinh xảo; xung quanh có nhiều bức hoành phi, liễn cổ được viết bằng chữ Hán. Bên phải gian thờ còn có một quả Đại hồng chung (quả chuông) được đặt trang trọng. Theo lời con trai ông Tú Tiên – ông Nguyễn Gia Minh, người đang ở và trông nom ngôi nhà thì không ai biết chính xác quả chuông này được bao nhiêu tuổi. Vì “nghe ba tôi nói quả chuông này có từ trước khi ngôi nhà được xây dựng”, ông Minh cho hay.

Ngôi nhà cổ của ông Tú Tiên.
Ngôi nhà cổ của ông Tú Tiên.


Phía sau và hai bên hông gian thờ là các phòng ngủ và khu sinh hoạt được bố trí liên hoàn với nhau. Cái hay của ngôi nhà cổ này là nhìn bên ngoài, trông nó nhỏ bé, chật chội nhưng thực ra không gian bên trong lại rất rộng rãi, thoáng đãng. Đã thế không chỉ vách tường, gian thờ, mà nhiều vật dụng trong các phòng như bàn ghế, giường sơn, tủ, kiếng… hiện vẫn còn nguyên vẹn cả về hình dáng lẫn các nét chạm trổ dù tuổi thọ của chúng đều đã ngoài 90.

Sự tồn tại này, theo lý giải của ông Nguyễn Gia Minh và người dân nơi đây là ngoài việc chúng được làm bằng chất liệu tốt như gạch thẻ nung, gỗ lim; rồi ngôi nhà thông thoáng, ấm mùa đông, mát mùa hè… thì nó còn phảng phất yếu tố tâm linh. Liên quan đến điều này, ông Minh kể rằng, cách đây mấy năm, tủ thờ bằng gỗ lim và quả Đại hồng chung bị bọn trộm “cuỗm” đi nhưng chẳng hiểu sao vài ngày sau, cả hai vật trên lại được trả về đúng vị trí cũ! Chuyện này đã trở thành giai thoại và được mọi người truyền tai nhau. Và hẳn nhiên từ đó đến nay, tình trạng mất trộm đồ cũng chưa bao giờ tái diễn tại ngôi nhà cổ này.  

Ngoài những yếu tố mang tính văn hóa, lịch sử, thì ngôi nhà còn được nhiều người ngưỡng mộ và biết đến bởi sự thành đạt của các con, cháu, chắt ông Tú Tiên trên nhiều lĩnh vực, từ nghề giáo đến doanh nhân. Kết quả này có lẽ nhờ ông Tú Tiên vốn là một nhà trí thức nổi tiếng trong những năm kháng chiến chống Pháp đã dày công giáo dưỡng.

Với những gì đang sở hữu, ngôi nhà của ông Tú Tiên xứng đáng là địa chỉ được mọi người tìm đến nghiên cứu và học hỏi, nhất là sự đặc sắc và tinh tế trong thiết kế nhà Việt cổ xưa.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


CÁC TIN KHÁC
.