Cua đá- món quà của núi rừng

02:10, 22/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Khi nói đến các đặc sản vùng cao Quảng Ngãi, nhiều người thường nghĩ ngay đến đặc sản cá niên, ốc đá, rau ranh, ớt sim… song ít ai biết rằng cua đá cũng là một loại đặc sản của bà con nơi miền sơn cước.

TIN LIÊN QUAN

Với đồng bào vùng cao, cua đá là một đặc sản được thiên nhiên núi rừng ban tặng cho người dân nơi đây. Cua đá có mặt ở hầu hết các huyện vùng cao trong tỉnh. Khác với các loại cua sống ở biển, ở đầm và ở đồng ruộng, cua đá ở vùng cao thường sống trong các hốc đá trên suối.  Hình dạng cua đá bình thường như các loài cua sống ở đồng ruộng nhưng về kích thước thì lớn hơn rất nhiều. Cua đá thường bằng nắm tay, con lớn có khi bằng cái chén với hai càng to khoẻ.

Theo người dân địa phương, cua đá ẩn mình ở các hốc đá để tránh ánh nắng mặt trời. Chỉ khi trời mưa, chúng mới bò ra khỏi nơi trú ẩn đến hai bên bờ suối để kiếm thức ăn. Người dân địa phương thường đi bắt cua vào những ngày mưa đem về nhà làm món ăn cho gia đình và đem bán ở chợ phiên.

 

Cua đá- một trong những loại đặc sản riêng của người dân vùng cao
Cua đá- một trong những loại đặc sản của người dân vùng cao

Anh Hồ Văn Luôn-một trong những người có kinh ngiệm bắt cua đá ở xã Trà Lãnh (Trà Bồng) chia sẻ: Thời điểm thích hợp nhất để bắt chúng là vào ban đêm, vì loại cua này  thường đi ăn vào ban đêm. Ban ngày, chúng rất khôn, chỉ cần có tiếng động là chúng bỏ chạy vào các hốc đá không tài nào bắt được.

“Ban đêm, người bắt chỉ cần pha ánh đèn pin vào là nó như bị thôi miên. Người bắt chỉ cần nhanh tay chộp cua bỏ vào giỏ mang theo”- anh Luôn cho hay. Song, theo anh Luôn, thấy đơn giản vậy, nhưng khi bắt cũng phải hết sức cẩn thận trước cặp càng to khỏe của nó. Bởi chỉ cần sơ sẩy là người bắt “dính đòn” ngay. Một khi đã bị nó kẹp rồi thì "trời gầm” cũng không nhả.

Sống trên núi cao, chạy nhanh, bò khỏe và thường ăn các loại côn trùng và lá rừng nên thịt cua đá rất chắc, ngọt, thơm và có vị hấp dẫn rất riêng.. Nhiều người dân vùng cao bảo càng lên vùng núi cao, cua càng ngon, thịt càng chắc và ngọt. Tuy nhiên, với việc thường bắt cua ban đêm, lại phải lội suối rất nguy hiểm, dễ bị trượt chân té ngã nên cũng ít người đi.

 

Cua đá khi bắt về được bà cao vùng cao chế biến bằng nhiều cách khác nhau
Cua đá khi bắt về được bà cao vùng cao chế biến bằng nhiều cách khác nhau.

Cua  đá khi bắt mang về được người dân vùng cao chế biến thành nhiều món khác nhau như nướng,  kho, rang muối, nấu bún riêu… Đơn giản nhất là món canh cua đá nấu với các loại rau rừng.

Cua đá đem về lựa những con cỡ vừa, rửa sạch thân ngoài, bóc vỏ và có thể giã cho con cua giập sơ đem nấu canh với các loại rau rừng. Khi chín, vị thơm của thịt cua kết hợp với vị ngọt của rau rừng và vị nồng cay của ớt sim làm ấm lòng người thưởng thức, xua đi cái lạnh của những cơn mưa triền miên ở miền núi.

Có thể nói, cua đá là nguồn thực phẩm quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho bà con vùng cao. Nếu ai đó đã từng đặt chân lên vùng núi cao xứ Quảng, được một lần thưởng thức các món ngon từ cua đá  chắc chắn sẽ nhớ mãi không bao giờ quên hương vị rất riêng của núi rừng.

PV


CÁC TIN KHÁC
.