(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chị Ngô Thị Tuyết, nguyên cán bộ Công đoàn Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung) - nữ dũng sĩ diệt Mỹ của trung đội Bình Đông (Bình Sơn) năm xưa. Cả trung đội gồm 32 người giờ chỉ còn lại hai người: Anh hùng Ngô Thanh Trang và chị Tuyết, còn tất cả đã vĩnh viễn nằm xuống. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng trên đường Duy Tân (TP.Đà Nẵng), bao ký ức lại hiện về trong chị như một cuốn phim sống động.
Một chiều mùa hè năm 1961, sau một ngày vất vả mò cua, bắt ốc ngoài đồng vừa trở về nhà chị đã phải chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng: Cha và hai anh trai bị một toán lính lê dương sát hại. Khi đứa em út của chị vừa tròn một tuổi thì người mẹ của chị cũng bị địch giết hại trong một cuộc lùng sục, để lại chị và em trai nhỏ mồ côi. Căm thù giặc, năm 1964 chị tham gia đội du kích bí mật của xã với nhiệm vụ: Thăm dò tin tức, tiếp tế lương thực, thuốc men cho bộ đội nằm vùng.
Chị Ngô Thị Tuyết hướng dẫn em trai sử dụng vũ khí để diệt lính Mỹ (tháng 7 năm 1967). |
Năm 1965 chị chính thức gia nhập trung đội du kích hợp pháp Bình Đông – một trung đội “thép” mà chỉ nhắc đến tên cũng làm kẻ thù khiếp sợ. Một lần lính Mỹ đổ bộ càn quét dữ dội nhằm xóa sổ căn cứ Bình Đông, Trung đội của chị phải gồng mình lên đánh trả suốt ba ngày liền. Với cách bắn tỉa thông minh, nhanh nhẹn chị đã lần lượt hạ gục 4 lính Mỹ. Ngô Thị Tuyết trở thành dũng sĩ diệt Mỹ khi chưa tròn 12 tuổi.
Một ngày cuối đông năm 1965, trong một lần giả dân thường đi đánh cá để đưa ba cán bộ cốt cán của huyện Bình Sơn vượt khỏi vòng vây địch, chị cùng hai đồng đội bị địch phát hiện và dùng đạn cối nã vào xuồng làm xuồng vỡ tan. Hai đồng đội hy sinh, riêng chị bị thương nặng. Bọn địch vớt chị lên đưa về một bệnh viện quân sự ở căn cứ Chu Lai, sau đó chúng chuyển về bệnh xá Quảng Ngãi. Nhận được tin báo, lực lượng của ta đã nhanh chóng đột nhập bệnh xá, bí mật đưa chị lên “cứ” trên một chuyến xe chở đầy cá. Đó là đêm Giáng sinh giá rét 25.12.1965…
Tháng 9.1967, nữ dũng sĩ diệt Mỹ Ngô Thị Tuyết với thương tật 3/4 được lệnh chuyển gấp ra Bắc. Những tháng ròng rã trên đường Trường Sơn ra Bắc chị gặp các đoàn quân bộ đội hối hả vào Nam với lời nhắn gửi: “Em ra ngoài đó gặp Bác Hồ nhớ báo cáo với Bác rằng: Các anh bộ đội quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giải phóng miền Nam, đón Bác vào thăm ”.
Ngày 15.2.1968 chị ra đến Hà Nội. Được tin, Bác Hồ cho đón chị vào thăm. Ấn tượng sâu sắc nhất của chị lần đầu tiên gặp Bác đó là một cụ già trán cao, mắt sáng, râu tóc bạc phơ, hiền từ, gần gũi như người cha trong gia đình, Bác ân cần hỏi chuyện, hỏi thăm tình hình đồng bào miền Nam. Chị kể cho Bác nghe những trận đánh càn, phá đồn địch, những cuộc đấu tranh của nhân dân Quảng Ngãi đòi tự do, độc lập. Chị cũng kể cho Bác nghe lời nhắn gửi chân tình của những người lính trẻ đang hối hả vào Nam. Nghe xong Bác lặng im, rơm rớm nước mắt. Hôm ấy chị vinh dự được ăn cơm với Bác.
Sau lần gặp đó, chị được tổ chức cho đi học ở Hưng Yên. Chị còn được chọn là đại biểu đại diện đồng bào miền Nam đến một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Cu Ba, Pháp để tố cáo tội ác đế quốc Mỹ. Mỗi lần đi về như vậy chị đều được Bác gọi vào hỏi thăm sức khỏe, công việc…Một sáng đầu thu năm 1969, Bác gọi chị vào thăm. Lúc này Bác đã yếu hơn so với trước. Nắm tay chị, Bác căn dặn: “Cháu phải cố gắng học tập để sau này về quê nhà công tác, nữ giới không làm được việc lớn thì làm việc nhỏ”. Chị đâu có ngờ đó là lần cuối chị được gặp Bác bởi khoảng hai tháng sau Người đã đi vào cõi vĩnh hằng…
Theo lời Bác dặn, chị đăng ký vào học Trường Công đoàn Trung ương. Đến năm 1976 chị về công tác tại Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) rồi lập gia đình. Sau một thời gian, chị xin chuyển về công tác tại văn phòng Công đoàn Công ty Điện lực 3 và công tác tại đây cho đến năm 2004 chị nghỉ hưu theo chế độ.
Giờ đây chị đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe giảm sút bởi vết thương cũ tái phát. Nhưng khi được gợi chuyện về những lần gặp Bác Hồ chị dường như khỏe ra và năng động hẳn lên. Chị nói với chúng tôi rằng: Bảy lần được gặp Bác Hồ, đó là niềm vinh dự và hạnh phúc lớn lao đi theo suốt cả cuộc đời mình.
Nguyễn Xuân Tư