(Báo Quảng Ngãi)- Xóm Vạn Chài nằm ở đầu làng Vạn Tượng nơi giáp với làng Ba La, nay là hai xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng của thành phố Quảng Ngãi. Sự hình thành và phát triển của xóm Vạn Chài gắn liền với biến động dòng sông Trà và sự hưng thịnh của hai làng Ba La, Vạn Tượng. Hoạt động chài lưới của cư dân xóm Vạn Chài đã để lại những nét văn hóa ngư nghiệp đường sông trong văn hóa làng quê xứ Quảng.
Ngày ấy khi rừng thượng nguồn sông Trà còn nguyên sơ, bạt ngàn màu xanh của cây cối thì nước sông Trà quanh năm đầy ắp. Mùa nắng dòng sông hiền hòa thơ mộng, còn mùa lũ lụt thì dòng sông hung dữ với sức mạnh ghê người, lúc xâm thực bờ nam, lúc xói mòn bờ bắc. Thế là quy luật muôn đời "sông bên bồi, bên lở", làm cho cuộc sống cư dân hai bờ có nhiều thay đổi. Cách đây khoảng hơn 150 năm là một thời kỳ hưng thịnh của hai làng Ba La, Vạn Tượng. Làng Ba La phát triển nông nghiệp đến cao độ, đã nảy sinh xu hướng tách thêm làng mới (Làng Cầu).
Còn làng Vạn Tượng cũng nông nghiệp nhưng phát triển mạnh nghề đường phèn, đường phổi, sản phẩm bán đi nhiều nơi trong nước. Xóm Vạn Chài nay thuộc thôn 2, xã Nghĩa Dũng ban đầu chỉ là khu bãi bồi ven sông với một số ít hộ ngư dân đường sông chọn làm nơi định cư.
Khu vực bãi bồi này không bị sạt lở, nguồn cá nhiều, mùa nắng có thể ngược dòng lên phía trên đánh bắt cá nước ngọt, hay xuôi dòng về phía cửa biển đánh bắt các loại thủy sản nước lợ. Mùa mưa lũ, khi ruộng đồng chưa đến vụ cấy tháng mười, ngư dân xóm chài vác thuyền nhỏ, mang các ngư cụ vào đồng ruộng, ao lạch đánh bắt cá đồng. Số thủy sản bắt được dân Vạn Chài đem bán ở chợ Vạn Tượng, chợ Mù U, ngã tư Ba La hay vào các xóm bán rong; ngoài ra họ còn đem bán ở chợ Quảng Ngãi. Nói chung đó là những nơi tiêu thụ hết số thủy sản mà ngư dân Vạn Chài đánh bắt hằng ngày.
Vãi chài trên sông. Ảnh: Internet |
Đổi lại họ mua các nhu yếu phẩm như gạo, mắm, đường, các vật dụng cần thiết khác. Lợi thế của xóm Vạn Chài là gần sát làng xóm nên giao lưu thân thiện với người đất liền. Cộng đồng văn hóa làng xã, đình chùa, miếu mạo được xác lập trong sự chung lòng, chung sức đóng góp vật chất, tinh thần. Trẻ con trong vùng đi học cùng trường. Trai gái dễ dàng kết bạn, làm thân. Chuyện cưới hỏi, tang lễ thể hiện theo cách đáp nghĩa, đáp tình nhau. Cuộc sống xóm Vạn Chài tuy không khá giả mấy nhưng cũng không đến nỗi bấp bênh.
Thêm vào đó tình quê ấm áp, nên ngư dân nhiều nơi hội tụ về đây, nhờ vậy mà xóm về sau trở nên đông người, có đến khoảng 40 hộ. Thiết chế xóm làng được hình thành, đứng đầu xóm Vạn Chài có trưởng vạn, là người hiểu biết, uy tín cộng đồng cao, được cư dân tôn trọng bầu chọn. Nhà trưởng vạn thường ở đầu nguồn lạch nước. Về nguồn gốc, cư dân xóm Vạn Chài xuất thân gốc ở nhiều nơi như: Vùng Cửa Lở (xã Nghĩa An), các xã Tịnh Ấn, Tịnh Hà, Tịnh Long... Họ hành nghề dưới nhiều dạng và theo mùa như: Vãi chài, buông câu, thả lưới, đánh lưới gõ, soi đèn, đánh rập, kéo trũ... Ngư cụ chủ yếu do ngư dân tự làm ra, một số ít mua nơi khác. Thời gian rỗi trong năm họ đan lưới, đan thuyền, đan chài, làm câu…
Còn rỗi trong ngày thì họ vá lưới và chuẩn bị cho việc đánh bắt sau đó. Ấn tượng còn lưu lại trong ký ức quê hương là đánh lưới gõ, vãi chài và những món ăn ngon được chế biến từ nguồn thủy sản ngư dân bắt được. Cách đánh lưới gõ, người ta thả lưới trên sông hay ruộng đồng, xong chèo thuyền ra xa, dập cây dầm xuống vành ghe phát ra âm thanh lớn "cộc, cộc, cộc,...” tạo chấn động mạnh truyền vào nước làm cá hoảng sợ chạy tán loạn, chui vào lưới. Còn vãi chài mang tính chuyên nghiệp hơn, một người khéo léo dùng lực vãi tấm chài xòe tròn như chiếc lồng bàn, đường kính đến 10m rơi xuống nước, sau đó họ từ từ nắm rốn chài kéo lên để bắt cá.
Âm thanh đánh lưới gõ vang xa trong sáng sớm hay chiều tà, có khi trong đêm để lại trong lòng người dân quê ấn tượng thanh bình của xứ sở. Về món ăn, mãi đến giờ người ta vẫn nhớ vị ngon của mỗi loại thủy sản đường sông như: Cá đối, cá cồi, tôm, cá bống, cá đồng lưới gõ... qua các cách chế biến như: Hấp, nấu canh chua, nướng, khó nghệ, kho lá gừng tươi...
Suốt thời gian dài, kể cả khi ác liệt thời chiến tranh chống Mỹ ngụy, dân xóm Vạn Chài vẫn gắn bó với nghề nghiệp nơi xóm nhỏ bên sông. Thế rồi cuộc sống đổi thay, nhất là từ ngày thống nhất đất nước 1975, xóm Vạn Chài phân nửa người chuyển nghề khác, số còn lại sống kết hợp nghề chính, nghề phụ nhưng vẫn gắn bó với ngư nghiệp truyền thống. Giờ đây xóm Vạn Chài đã đổi thay khá nhiều, nhà xây, đường ngõ bê tông, trẻ con đều được đi học.
Nguyện vọng của gần ba chục hộ dân ở đây mong muốn môi trường thiên nhiên đừng bị xâm hại, nguồn thủy sản sông Trà vẫn như xưa, xóm Vạn Chài được tồn tại trong quy hoạch của địa phương để lưu giữ dấu tích từ thời khai mở. Và chính họ đóng góp cho đời những món thủy sản ngon, đánh bắt kiểu truyền thống từ sông nước quê hương.
Bùi Văn Tạo