(Baoquangngai.vn)- Đến hẹn lại lên, hằng năm cứ vào ngày 15-17.4 âm lịch, UBND huyện Trà Bồng lại tổ chức lễ hội Điện Trường Bà. Trong 3 ngày tổ chức lễ hội Điện Trường Bà, các hoạt động chính của lễ hội được tổ chức vào ngày 16.4 âm lịch. Đây được gọi là lễ Lệ xuân Trường Bà-một trong hai lễ hội được tổ chức tại Điện Trường Bà hàng năm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ bao đời nay, lễ hội Điện Trường Bà đã trở thành ngày lễ thiêng liêng trong tâm khảm của mỗi người con đất quế Trà Bồng và nhiều vùng lân cận. Dù ở đâu, làm gì, trong ngày lễ hội tất cả đều hướng về tham dự lễ với lòng thành kính tri ân.
Ngay từ sáng sớm ngày 16.4 âm lịch hàng chục ngàn người dân và du khách thập phương đã tụ họp về Điện Trường Bà để cùng tham dự các nghi lễ chính trong lễ hội và cùng dâng lễ vật bày tỏ lòng thành kính đối với Thánh mẫu Thiên Y A Na và các vị thần khác.
Từ rạng sáng, Ban Tổ chức lễ hội Điện Trường Bà đã tổ chức Lễ Mộc Dục (tắm tượng, đây có thể được coi là nghi lễ quan trọng nhất), lễ Tế ngoại đàn, lễ đâm trâu, lễ Chánh tế, lễ dâng hương Bà Thánh mẫu Thiên Y A Na...
Đại biểu và du khách thập phương cùng dân hương Thánh mẫu Thiên Y A Na |
Đại biểu tham dự buổi lễ và lãnh đạo huyện Trà Bồng thả chim bồ câu cầu an |
Gắn phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động văn hoá dân gian mang đặc trưng của các dân tộc anh em như: múa cồng chiêng, múa Cadháu (Cà đáo), học trò lễ, học trò gươm, múa lân do các đội văn nghệ của Tây Sơn (Bình Định) đồng bào Cor...biểu diễn.
Lễ hội Điện Trường Bà chính là sự dung hợp nhiều lớp văn hóa của các dân tộc Chăm, Cor, Việt… được thể hiện qua từng phần lễ và hội. Nếu như lễ tế ngoại đàn, chánh tế thể hiện văn hóa của người Việt, thì lễ hiến trâu, múa cồng chiêng… mang nét đặc trưng của đồng bào Cor. Bên cạnh đó, phần nghi thức được thực thi trong lễ hội và các vật phẩm cống lễ cũng mang âm hưởng văn hóa của một số dân tộc anh em khác.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở VH TT& Du lịch Quảng Ngãi cho biết: Đến với Lễ hội Điện Trường Bà năm nay, ngoài người Kinh, Cor còn có người Hoa, Hre, Chămpa và các dân tộc khác ở Nam Bộ, Quảng Nam- Đà Nẵng. Đây là điều hết sức đặc biệt so với những lễ hội khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Cùng với đó, Điện Trường Bà Trà Bồng tích hợp nhiều lớp văn hóa khác nhau, thu hút rất đông các cộng đồng dân tộc, các tôn giáo đến với lễ hội này. Do đó nó có ý nghĩa chính trị xã hội hết sức sâu sắc, tạo sự gắn kết cộng đồng các dân tộc.
Hòa trong dòng người về tham gia lễ hội, ông Huỳnh Thanh Long (50 tuổi) - một người con của quê hương Trà Bồng hiện đang sinh sống ở tỉnh Kom Tum bày tỏ: Hầu như năm nào năm nay vào dịp lễ này, tôi cũng cùng gia đình về dự lễ. Phải nói là, qua mỗi năm lễ được tổ chức ngày càng quy mô hơn, năm nay Điện Trường Bà được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia nên lễ được tổ chức lớn hơn những năm trước nhiều và khách về dự cũng đông hơn mọi năm.
Theo ước tính của Ban Tổ chức, lễ hội Điện Trường Bà năm nay thu hút khoảng trên 3.000 lượt khách từ khắp nơi về tham gia lễ hội.
Ông Nguyễn Xuân Bắc- Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: Lễ hội Điện Trường Bà không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, sinh hoạt lễ hội truyền thống... của nhân dân địa phương cùng đông đảo du khách thập phương mà còn góp phần ổn định chính trị, an ninh trật tự, tăng cường tình đoàn kết giữa đồng bào miền xuôi và miền ngược, các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn huyện.
Theo Ban Tổ chức, lễ hội Điện Trường Bà năm nay, ngoài phần lễ, trong suốt thời gian tổ chức lễ hội cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao sôi động như: Tổ chức các động hội trại, thi đấu bóng chuyền, giao lưu nghệ thuật các dân tộc anh em trong và ngoài tỉnh, hát bộ, hát bài chòi, thi "Người đẹp hương Quế"...
Có thể nói, lễ hội Điện Trường Bà được tổ chức hàng năm đã trở thành một trong những địa chỉ quan trọng của du khách thập phương trong những hành trình tâm linh, đồng thời, là một trong những điểm nhấn trong phát triển du lịch của miền đất quế.
Bảo Ngọc