(Báo Quảng Ngãi)- Chợ Chùa cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi chỉ mươi cây số, nhưng lúc nhỏ, tôi thấy xa vời vợi, vì hồi đó làm gì có xe cộ, lại nghe gần chợ phiên Tam Bảo, có người dân tộc thiểu số ở tận Minh Long cũng xuống đó mua bán vui lắm, tôi càng thêm ức. Cứ ước sao đi một chuyến cho biết, nhưng mẹ tôi không cho. Mẹ tôi nói: Con trai đi chợ, dị lắm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kháng chiến được vài năm, tôi có dịp được đến ở gần đó, nhưng chợ không còn nữa, người ta luôn chuyển chỗ và chỉ họp chớp nhoáng vào đêm để tránh máy bay địch. Tuy vậy, lều quán hai bên đường dẫu thưa thớt, vẫn còn dáng nét của một thị trấn yên tĩnh.
Cơ quan, bộ đội đến ở ngày một nhiều, làm cho vùng quê ấy trở nên vui hẳn, không khác thị xã trước lúc pháo hạm địch bắn vào. Người ta gọi vùng Chợ Chùa (nay là trung tâm huyện lỵ Nghĩa Hành) là thủ phủ của miền Nam Trung bộ, bởi nó đã tụ hội được khá đông các nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, các học giả, văn nghệ sĩ từ nhiều nơi trên đất nước như các cụ: Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, tướng Nguyễn Sơn, các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ: Nguyễn Vĩ, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Nam Trân, Khương Hữu Dụng, Nguyên Hồng, Nguyễn Đỗ Cung, Phan Huỳnh Điểu, Tế Hanh, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Viết Lãm, Tô Ngọc Vân, Sĩ Ngọc, Dương Minh Ninh, Đào Thế, Quách Tấn, Yến Lan, Lê Trọng Nguyễn…
Một góc thị trấn Chợ Chùa, trung tâm của huyện Nghĩa Hành hôm nay. Ảnh: P.Thái |
Sau gần 50 năm, tôi mới có dịp trở về thăm lại Chợ Chùa. Cảnh cũ không dễ nhận ra, những người dân thuở ấy đi tứ tản hoặc đã mất. Nhờ một người quen, đưa tôi đến thôn Phú Bình, cách thị trấn Chợ Chùa vài trăm mét, may gặp lại được hai chị em dâu bà Võ Thị Nam (88 tuổi) và bà Bùi Thị Lý (86 tuổi), dâu ông Nguyễn Nhương, cách nhà ông Nguyễn Tương, đi tắt hơn 50 thước. Đây là nơi Cụ Huỳnh Thúc Kháng thường ở và khi qua đời, ngày 21.4.1947, tại nhà ông Nguyễn Tương – cơ quan đại diện của Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ. Tuy sức yếu, nhưng các bà còn minh mẫn, đã kể lại khá nhiều chuyện về tình cảm, đức độ với nhân dân của các đồng chí Phạm Văn Đồng, Huỳnh Thúc Kháng, đặc biệt là với Cụ Huỳnh Thúc Kháng vì các bà thường giúp bưng cơm nước, đôi khi đi chợ và những việc vặt khác.
Các bà kể: Hồi đó bí mật ghê lắm, không ai dám hó hé. Các ông đi hay ở bao lâu, làm gì là việc của các ông, còn với tui thì chỉ lo sao cho tròn bổn phận của người dân, các ông nhờ việc gì thì lo việc nấy, xong là mừng.
Các bà nói tuy không mạch lạc, nhưng cơ bản về thân thế, sự nghiệp nhất là đức tính trung thực, thanh liêm của cụ Huỳnh thì đúng như tôi đã được nhà cách mạng, thuộc bậc túc nho, đã quá cố, Lê Hồng Phong, người có thời gian được sống gần Cụ Huỳnh giúp tôi biết một phần nhỏ về Cụ. Tôi xin ghi lại một ít điều được biết đó, nhằm góp chút tư liệu về một nhân cách lớn của vị chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng, quê huyện Tiên Phước, Quảng Nam, đỗ giải nguyên (thủ khoa) khoa Canh Tý (1900), và đỗ tam giáp tiến sĩ Hội nguyên, khoa Giáp Thìn (1904), tức là đỗ Hương Hội song nguyên, nhưng không ra làm quan mà tham gia phong trào yêu nước, bị thực dân Pháp đày đi Côn Lôn 13 năm. Mãn tù, khâm sứ Trung kỳ Pasquies lại chiêu dụ Cụ Huỳnh ra làm quan. Cụ Huỳnh mỉm cười và dứt khoát.
Tôi chỉ có một cái tội là đậu tiến sĩ mà không đi làm quan cho nên mới bị tù, trước đã thế, huống chi bây giờ, xin ngài miễn nói đến việc ấy.
Sau đó, Cụ lập tờ báo Tiếng Dân và làm chủ bút. Chế độ kiểm duyệt thời đó bắt buộc mọi bài vở phải dịch sang tiếng Pháp ba bản, gửi Tòa Khâm sứ trước khi in và những bài bị kiểm duyệt nhất thiết không để giấy trắng. Cụ Huỳnh luôn giữ nguyên tắc, cũng là sự thể hiện đức tính trung thực của người cầm bút chân chính: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, ít ra cũng giữ lấy cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Toàn quyền Đơ-cu không thể chấp nhận thái độ “khó bảo” đó của Cụ Huỳnh, ngày 21.4.1943, đã ra quyết định đình bản báo Tiếng Dân.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Cụ Hồ có thư mời Cụ Huỳnh tham gia Chính phủ. Trước khi lên đường, Cụ Huỳnh có nói: “Tôi muốn ra để gặp Cụ Hồ bày tỏ một vài ý kiến. Còn việc gì khác thì tôi không thể nhận”.
Có lẽ, đó cũng là sự biểu hiện đức thanh liêm của kẻ sĩ. Nhưng khi gặp Cụ Hồ, Cụ Huỳnh đã không cưỡng nổi sức thuyết phục quá lớn của Người mà Cụ Huỳnh đã thầm yêu kính từ những năm 20 của thế kỷ, dẫu có dần dà đến phút cuối, trước giờ khai mạc Quốc hội, Cụ Huỳnh mới chịu nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Hai cụ rất quý và tin nhau như ruột thịt. Chính phủ mới, công việc mới, vận mệnh của chính thể “nghìn cân treo sợi tóc”, Cụ Hồ lại phải đi dự Hội nghị Fông-ten-blô. Cử Cụ Huỳnh quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ quả là một gánh nặng quá sức đối với Cụ Huỳnh. Biết Cụ Huỳnh lo lắng, Cụ Hồ nói với Cụ Huỳnh, rất ngắn gọn, chỉ sáu chữ: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Hình như các thiên tài bao giờ cũng ít nói và thường nói ít, nhưng họ lại nhận ra những điều rất lớn lao.
Mọi trọng trách được giao từ đó đến trước phút về cõi vĩnh hằng, nhà chí sĩ yêu nước, quyền Chủ tịch nước Việt Nam mới Huỳnh Thúc Kháng luôn thanh thản và đã sống trọn cuộc đời thanh bạch, dân tộc Việt Nam tôn vinh và mãi mãi noi gương Người.
Theo di chúc, thi hài Cụ Huỳnh Thúc Kháng được đặt trên đỉnh Thiên Ấn, phía bắc sông Trà Khúc, một trong mười hai cảnh đẹp nổi tiếng của Quảng Ngãi (Thiên Ấn niên hà), cũng là nơi thi sĩ Cao Bá Quát đã sáng tác bài “Thu nguyệt ca” nổi tiếng.
Nguyễn Trung Hiếu