(Báo Quảng Ngãi)- Với hàng chục ngôi nhà rường cổ có tuổi đời 100 đến 150 năm và nghề gốm tồn tại hơn 500 năm tuổi, làng cổ Phước Tích ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) còn lưu giữ khá nguyên vẹn những nét văn hóa cổ kính đặc trưng của xứ Huế và miền Trung.
Nơi giao hòa của thiên-địa-nhân
Điều thú vị đầu tiên và cũng là đặc sắc nhất theo cảm nhận của tôi khi bước chân vào làng cổ Phước Tích là không gian kiến trúc với tổ hợp các nhà vườn truyền thống, bố cục theo ba xóm gắn bó với nhau. Hệ thống đường sá thoáng đãng, cây xanh hai bên nối liền một cách tự nhiên, sinh động hình thành nên một vùng sinh thái độc đáo, kết hợp hài hòa giữa trời, đất và con người. Ở đây hầu như vườn nhà ai cũng có trồng cây vả, trái phủ chi chít dày sát gốc. Còn khuôn viên nhà ở đây không ngăn cách bằng hàng rào kín mà bằng các hàng rào hở, được che chắn bởi những hàng cây chè tàu uốn lượn theo trục đường làng, ngõ xóm và lối đi vào từng nhà.
Nghề gốm ở làng cổ Phước Tích. ảnh: N.T |
Theo thuyết minh của hướng dẫn viên (Ban quản lý di tích, kiến trúc, nghệ thuật làng cổ Phước Tích), làng cổ được xây dựng từ thế kỷ XV. Trước kia làng có tên gọi là Cồn Dương Phước Tích, nằm bên dòng sông Ô Lâu hiền hòa thơ mộng (chảy từ tỉnh Quảng Trị về huyện Phong Điền và qua xã Phong Hòa). Làng cổ này hình thành từ thời vua Lê Thánh Tông và thủy tổ của làng là võ tướng Hoàng Minh Hùng, quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An). Cả làng hiện còn lưu giữ gần 50 ngôi nhà rường cổ, nhà thờ họ cổ có tuổi đời từ 100-150 năm. Nội thất của từng ngôi nhà được các chủ nhân bày biện bàn ghế, tràng kỷ, bộ phản, bàn thờ, hoành phi, câu đối... như một bảo tàng thu nhỏ của từng gia đình, dòng họ.
Bảo tồn làng cổ
Làng cổ Phước Tích là ngôi làng cổ thứ hai được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (sau làng Việt cổ ở Đường Lâm, Hà Nội). Trải qua bao biến cố của thời gian, chiến tranh và ý thức bảo tồn của con người, những nét cổ kính mang bản sắc văn hóa, lịch sử ở Phước Tích vẫn còn nguyên vẹn và hoàn chỉnh trong một tổng thể thống nhất.
Để bảo vệ cho ngôi làng cổ này không bị mai một, xuống cấp, cũng như giữ hồn cho làng cổ Phước Tích, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập Ban quản lý di tích kiến trúc, nghệ thuật làng cổ Phước Tích. Du khách đến đây sẽ được đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, là chủ nhân của các ngôi nhà cổ trực tiếp thuyết minh, chuyển tải những nét độc đáo nhất của làng cổ Phước Tích đến với du khách.
Tại ngôi làng cổ này còn có nghề gốm tồn tại đã trên 500 năm tuổi. Sản phẩm gốm của làng từng được vua chúa triều Nguyễn bài trí trong hoàng cung. Nhờ biết phát huy giá trị của làng nghề, thương hiệu gốm Phước Tích đến nay đã lan tỏa rộng rãi, sản phẩm làm ra phục vụ trang trí, xuất khẩu và mang lại thu nhập khá cho cư dân của làng nghề.
Về với xứ Huế mộng mơ, đến thăm ngôi làng cổ Phước Tích bên dòng sông Ô Lâu hiền hòa thơ mộng, tôi càng “cảm” được cái đẹp truyền thống, cái hồn của đất cố đô. Một nét đặc trưng rất riêng của xứ Huế nữa là có nhiều con sông đẹp và thơ mộng, như sông Hương (đã được khai thác trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Huế), sông Ngự Hà, Đông Ba, Kẻ Vạn, Ô Lâu… Có lẽ những con sông ấy đã làm cho đất Huế thêm sâu lắng, trữ tình, như hai câu trong bài thơ “Tạm biệt” của Thu Bồn:
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu…
PHẠM DANH