(Báo Quảng Ngãi)- Ở xóm nhỏ gần dốc Bà Tùng, xã Diên Toàn (Diên Khánh, Khánh Hòa) có hai vợ chồng đều là những người nổi tiếng. Ông là đại tá Vũ Đình Nã, nguyên Hiệu phó Trường Sĩ quan Lục quân 3, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, người đã đi qua 3 cuộc kháng chiến. Bà là bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, từng cứu sống hàng trăm thương binh, một “Đặng Thùy Trâm” ở Quảng Nam, đang được đề nghị tuyên dương anh hùng LLVTND. Vào tuổi “xưa nay hiếm” cả hai vẫn gọi nhau nhỏ nhẹ, dịu dàng. Tiếng “em, anh” luôn vang lên ngọt ngào như mối tình sâu đậm của họ trong chiến tranh.
Ông Đại tá “mạng lớn”
Đại tá Vũ Đình Nã là người con của đất Bình Dương (Bình Sơn). Chàng trai cao lớn đẹp trai khiến nhiều cô gái mê ngày nào bây giờ đã hơi nặng nề bởi căn bệnh tiểu đường biến chứng. Bước chân ông không còn vững chãi nữa mà chỉ loanh quanh trong căn nhà nhỏ chừng 30m2. Ít ai nghĩ rằng đây là nhà của một sư đoàn trưởng có tên tuổi. Nó cũ kỹ tuềnh toàng đến mức không thể nào sửa được, ngoại trừ phải phá đi làm lại.
Vợ chồng đại tá Vũ Đình Nã. |
Không phải quân đội không quan tâm đến ông. Sau khi rời Đà Nẵng về Nha Trang, ông được cấp căn nhà trên 80m2 đường Biệt Thự, ngay trung tâm thành phố, bây giờ giá trị hàng mấy trăm cây vàng. Nhưng ông không nhận với lý do nhường cho người khác cần hơn, còn ông về một vùng quê cách 20km an dưỡng tuổi già. Nhà xuống cấp, sức khỏe ông giảm sút, vợ lâu nay không có lương, muốn sửa cũng đành chịu. Trung tướng Lê Chiêm - Tư lệnh Quân khu thông báo sẽ làm nhà cho ông như đã từng làm cho Sư đoàn trưởng Mai Tiến Mỹ. Tư lệnh còn cử cán bộ đến xem xét vị trí để vẽ thiết kế, nhưng ông không chịu, lại bảo rằng, nhiều bộ đội không có nhà, ông có nơi để vào ra vậy là tốt rồi. Đó là ông nói vậy, chứ làm sao nỡ nhìn ông sống tạm bợ như thế trong những năm tháng cuối đời.
Đại tá Vũ Đình Nã kể rằng, khi còn đầu trần, chân đất, tóc tai đỏ quạch vì phơi nắng dưới sông, ông thợ cắt tóc đã nói: “Tướng này mộc tinh, trung thực với bạn bè, gặp vận thì làm nên nghiệp lớn, nhưng cũng lắm trắc trở trên đường đời”. Quả như vậy. Vào Vệ quốc đoàn khi chưa đủ tuổi, từ chối một cuộc hôn nhân gia đình dạm sẵn để bước chân vào cách mạng, ông gặp nạn đầu tiên. Đó là khi được phân công đi tìm dược liệu ở vùng tự do Tây Quảng Ngãi, ông lạc suốt đêm trong rừng và 3 lần suýt chết khi gặp thú dữ.
Ở trận Đồi Tranh Quang Thạnh (2.1967), khi là tham mưu trưởng tiểu đoàn trong đội hình của Sư đoàn 2, mũi 5 người của ông chiến đấu quyết liệt trong thế địch rất mạnh. Bốn đồng chí lần lượt hy sinh. Ông ngất đi khi một viên đạn của địch gây thủng màng nhĩ. Sau này ông điếc một bên. Quân y cũng bó tay không hiểu sao ông lại sống sót diệu kỳ. 5 năm làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, chỉ huy đơn vị đánh Pôn-pốt, ông có hai lần suýt chết trong chuyến xuyên rừng bị ve đốt đến mức xuất huyết, phải đưa máy bay chở khẩn cấp từ Campuchia về Bệnh viện 175. Rồi ông bị mìn chống tăng của Pôn-pốt cài lại trên đường công tác từ điểm cao về, chấn thương sọ não, mất hết trí nhớ, may mà một thời gian sau thì hồi phục. Đại tá Trương Hồng Anh , người kế nhiệm ông làm Sư đoàn trưởng sau này cũng bị như thế và đã hy sinh…
“Nhưng có những sự sống sót diệu kỳ không bằng may mắn mà phải đổi bằng tính mạng người chị gái Quảng Nam”, ông bùi ngùi, mắt rớm lệ bảo. 46 năm qua ông vẫn nhớ như in trận Mậu Thân khốc liệt, đi địa hình, khảo sát chiến trường, sốt rét và được gửi nhà chị Tám, một cơ sở cách mạng. Không ngờ bọn thám báo ập vào. Chị Tám giấu ông xuống một căn hầm, vần cối đá che chắn, dặn ông nằm im để chị đối phó. Ông bình yên còn chị đã hy sinh ngay trên miệng hầm, thân thể bầm tím bởi mũi lê địch.
Nỗi niềm của người lính già
Nhiều đồng đội kể rằng, cứ nhìn “quả đầu” của Vũ Đình Nã là biết ông “mưu mẹo” thế nào rồi. Khi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31 (Sư đoàn 2) chỉ huy đơn vị đánh cao điểm Bằng Thùng (7.1972), ông phát hiện “gót chân A-sin” của địch là cứ điểm Rừng Xanh và tập trung hỏa lực, dứt điểm đúng như kế hoạch trên giao. Trận Hiệp Đức (12.1972), nhờ tài địch vận ông thuyết phục tên tiểu đoàn trưởng ngụy rút khỏi dãy núi Châu Sơn, ta giữ vững được quận lỵ Hiệp Đức mà không tốn quá nhiều xương máu. Rồi trận Nông Sơn, Trung Phước (1974), Trung đoàn 31 là chủ công… Sau này ông kể rằng, những trận đánh để đời ấy, bộ đội phải dùng “mưu”, còn “mẹo” thì để ra oai cho vui thôi.
Tôi hỏi: “Ông thợ cắt tóc bảo bác trắc trở trên đường đời là sao?”. Vị đại tá trận mạc đăm chiêu: “Rời Campuchia, Quân khu muốn giữ tôi lại công tác ở Đà Nẵng. Vợ tôi bao năm gian khổ ở chiến trường, vừa chuyển vị trí từ Ban giám đốc Bệnh viện Tam Kỳ (Quảng Nam) về làm chủ nhiệm khoa ở Bệnh viện Đà Nẵng chưa ấm chỗ. Chinh chiến liên miên, vợ chồng chưa mấy ngày đoàn tụ, thì tôi lại được điều vào Khánh Hòa làm Hiệu phó Trường Sĩ quan Lục quân 3. Vợ buộc phải bán tháo căn nhà rất lớn ở 103 Lê Duẩn (Đà Nẵng) mà ông nội cô ấy để lại chỉ với 11 cây vàng (sau đó nhà lên giá hàng trăm lần) để theo tôi vào Lam Sơn, Dục Mỹ. Hai đứa con nheo nhóc, không bà con để gửi gắm. Mua căn nhà nhỏ ở đây hết 5 cây, trang trải một ít, còn lại 2 cây gửi tiết kiệm, sau đó đổi tiền, còn 2 chỉ… Rồi tôi về hưu, lại chuyển nhà. Mình đàn ông, chỉ quan tâm đại sự, nhưng thương vợ quá…”.
Vợ ông, Nguyễn Thị Thu Hà, cô bác sĩ Trường Y Hà Nội, cùng khóa với liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, tự nguyện vào tuyến lửa Quảng Nam từ năm 1966, gắn bó với bệnh xá Quế Sơn suốt thời tuổi trẻ. Những ai đã từng chứng kiến bệnh xá trưởng Thu Hà gục trên bàn mổ vì quá sức, dùng cơ thể mình làm mẫu huấn luyện cho các y tá tiêm, chích; bàn tay cầm dao kéo cũng là bàn tay cầm súng chiến đấu bảo vệ thương binh mới thấy chị xứng đáng là anh hùng.
Tình yêu “sét đánh” trong một lần gặp đã làm cho Trung đoàn trưởng Vũ Đình Nã (lúc này tuổi đã 40), quyết không cô đơn thêm nữa. Một đám cưới tưng bừng, lớn chưa từng có ở thời ấy diễn ra trong niềm vui và yêu thương của hai bên đơn vị. Năm 1974 bà ra Bắc chữa bệnh, mang theo cái thai trong bụng. Ông lưu luyến tiễn bà đến trạm Trao rồi trở lại chuẩn bị đánh trận Nông Sơn.
Khó có thể tưởng tượng tình yêu lớn lao trong vóc dáng bé nhỏ của bác sĩ Thu Hà. Không chịu hưởng cuộc sống an nhàn ở miền Bắc, nơi bà có cha là một kiến trúc sư tài ba, từng tham gia xây lăng Bác Hồ, mẹ làm ở Trường Bách khoa Hà Nội, 5 anh chị em đều thành đạt. Ngay sau giải phóng, bà ẵm con trai Vũ Bình Quang còn bé xíu vào lại Nam tìm chồng. Năm 1978, chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra. Vì bí mật quân sự ông không tiết lộ nơi làm việc. Nỗi lo lắng giục giã bà dắt con bắt xe vào Sài Gòn mà bà nghe phong phanh ông đang ở quanh đây. Mẹ con bà được đưa đến Bến Sỏi, Châu Thành, Tây Ninh và đêm đó ông cũng từ biên giới về. Cả nhà chứng kiến những trận pháo kinh hoàng từ bên kia bắn qua. May không ai hề gì.
Theo chồng vào Ninh Hòa, bà chấp nhận làm ở bệnh viện cấp huyện để tiện chăm sóc gia đình. Ông về hưu, bà cùng về Diên Khánh. Lúc này bà đã có 26 năm, 5 tháng công tác, trong đó có 8 năm chiến trường nhưng vẫn chưa “đến tuổi” và được cho nghỉ hưởng chế độ một lần với 11 triệu đồng. Thế là từ năm 1992 đến nay bà sống không lương. Nhưng bà không để hoàn cảnh quật ngã, làm bí thư chi bộ ở xã 5 năm, kèm cặp nuôi hai con trưởng thành. Con trai bà học giỏi có tiếng, hiện đang làm việc ở Hà Nội. Con gái là giáo viên ở trong xã, còn bà là bác sĩ riêng của ông.
“Không có bà ấy, chắc tôi không sống đến hôm nay. Bà ấy chỉ chăm tôi thôi còn bản thân gầy quắt mà có lo cho mình đâu. Chẳng bao giờ mặc đồ đẹp, cứ đơn giản thế. Thời trẻ đã khổ, giờ cũng không sướng hơn vì cái tính chịu thương, chịu khó”, đại tá Vũ Đình Nã than, khi nhìn theo bóng người vợ hiền, tuổi đã 73 vẫn tất tả xách làn ra ngôi chợ bên hông nhà.
Bài, ảnh: HỒNG VÂN