Cây đa "kiên trì"

01:04, 22/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để những chiếc rễ của một cây đa không bị vướng lối đi mà vẫn  phát triển vững chắc, tạo nên dáng vẻ thú vị, những người làm vườn trong Phủ Chủ tịch phải mất nhiều năm để làm việc ấy theo hướng dẫn của Bác Hồ. Để rồi ngày hôm nay, chúng ta lại được thấy cây đa rất lạ mắt trong vườn Bác cùng một bài học về lòng kiên trì.

Theo lối chính, trên con đường từ Phủ Chủ tịch (nay là tòa nhà làm việc của Văn phòng Chủ tịch nước) tới nhà sàn của Bác Hồ, khách tham quan sẽ được “tắm” mát trong vườn cây cổ thụ. Trong hàng vạn cây cỏ muôn màu ấy, mọi người không khó nhận ra điều đặc biệt từ cây cổ thụ. Đó là cây đa nằm tại một ngã ba có thân và rễ tạo ra hai cái cổng vòm ôm lấy lối đi, giống như cái cổng vào nhà sàn của Bác được tạo từ hàng rào giâm bụt vậy.  Người ta gọi cây đa ấy là cây đa “kiên trì”. Đến thăm vườn Bác mỗi người lại học thêm được một bài học về đức tính kiên trì mà Bác Hồ muốn gửi gắm cho thế hệ hôm nay.

 

Cây đa với những chiếc rễ được kéo từ trên cao xuống đất theo cách làm của Bác Hồ trong khu di tích Phủ Chủ tịch hiện nay.
Cây đa với những chiếc rễ được kéo từ trên cao xuống đất theo cách làm của Bác Hồ trong khu di tích Phủ Chủ tịch hiện nay.


Chị hướng dẫn viên của Khu di tích Phủ Chủ tịch kể lại rằng, vào khoảng tháng 9.1965, anh em làm vườn trong Phủ Chủ tịch thấy những rễ đa nhỏ từ trên cành buông xuống lơ lửng giữa lối đi. Vì sợ những rễ cây này lớn dần làm vướng lối đi của Bác, nên anh em phục vụ định cắt bỏ. Biết được ý định đó, Bác không tán thành và gợi ý nên tìm cách kéo rễ đa xuống đất, nhưng làm sao cho không vướng lối đi, đồng thời tạo thêm cho cây có một thế vững chắc và đẹp. Hiểu được ý Bác, nhưng anh em phục vụ không nghĩ ra được cách nào để thực hiện yêu cầu ấy. Thế rồi Bác lại bày cho mọi người cách làm.

Đầu tiên là chọn một cây bương (giống như cây nứa) có chiều dài hơp lý, đục rỗng các đốt bên trong, sau đó cho đất xốp vào lòng cây bương, ốp rễ đa vào giữa rồi dùng dây buộc chặt cây bương đó lại. Một đầu ốp chặt xuống đất theo vị trí cần thiết, đầu kia ôm lấy rễ đa. Tuy nhiên, để rễ đa có thể theo thân cây bương phát triển kéo dài xuống đất thì phải cần độ ẩm. Để không mất thời gian cho việc tưới nước thường xuyên lại ở vị trí khó khăn từ trên cao xuống, Bác lại gợi ý cho anh em chế tạo một bể nước tự động thiết kế cho tưới nhỏ giọt theo thân cây bương để nuôi rễ đa từ trên xuống.

Mọi người thực hiện theo gợi ý của Bác, ngày tháng trôi đi, rễ đa đã bám chặt xuống đất tại vị trí bên kia đường, cách gốc chừng 3 mét, cùng với gốc ôm lấy lối đi. Khi “công trình” được hoàn thành, mọi người vui mừng báo cho Bác biết. Lúc này là vào năm 1968 (tức là 3 năm sau). Lúc ấy Bác Hồ vui vẻ nói với mọi người đại ý rằng, con người hoàn toàn có khả năng chinh phục và cải tạo được thiên nhiên. Đưa rễ đa xuống đất tuy là việc nhỏ nhưng để thực hiện được cũng không dễ dàng mà cần phải có lòng kiên trì và quyết tâm. Mọi công việc khác cũng vậy, khi đã có mục đích, có quyết tâm và kiên trì phấn đấu thì ắt sẽ thành công. Từ đó, mọi người trong Phủ Chủ tịch gọi cây đa ấy là cây đa kiên trì cho đến ngày nay.

Về sau, cũng chính cây đa ấy lại có thêm hai rễ phụ nữa xõa xuống lối đi, các đồng chí phục vụ lại làm theo cách của Bác tạo dáng cho bộ rễ của cây thêm vững chắc. Không giống như những cây đa bình thường với từng chùm rễ xõa xuống theo hướng thẳng đứng, cây đa kiên trì có 2 cái rễ rất to từ trên ngọn đâm xuyên xuống đất chếch xa khỏi gốc theo hình chữ V ngược, cùng với gốc tạo nên thế 3 chân vững chắc. Tính từ nơi rễ đa bám vào thân cây xuống mặt đất có chiều cao hơn chục mét, tạo nên cái vòm cổng vào nhà thanh thoát và rất thú vị. Ngày ấy, Bác Hồ vẫn thường qua lại cái cổng gốc đa này làm việc, đến hôm nay hàng triệu cháu con về thăm vườn Bác cũng lại được đi ngang qua cái cổng nhân tạo này.

Sinh thời Bác Hồ là người rất yêu thiên nhiên, xem cây cỏ, hoa lá là bầu bạn. Vì thế mà Bác luôn muốn cây cối phát triển tốt tươi theo quy luật vốn có. Như cây đa muốn phát triển bình thường thì cần phải có bộ rễ trên thân như vốn có của nó. Không chỉ vì vướng lối đi mà phải cắt bỏ một phần sự sống của cây, mà cần phải tìm ra phương pháp để vừa cho cây phát triển khỏe mạnh, vững chãi, vừa tạo dáng cho cây. Từ việc “nuôi” một chiếc rễ đa, không chỉ cho chúng ta hiểu được Bác Hồ là một người có tình cảm đặc biệt với thiên nhiên, mà Bác còn là một nghệ nhân đầy sáng tạo. Đặc biệt hơn cả là, chúng ta đã học được từ Bác lòng kiên trì, một đức tính cần thiết để đi đến mọi thành công.

 

Bài, ảnh XUÂN THIÊN
 


CÁC TIN KHÁC
.