Trương Quang Đản (1833- 1914)

04:02, 23/02/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Trương Quang Đản tự là Tử Minh, hiệu Cúc Khê, Cúc Viên; sinh năm Quý Tỵ -1833 tại kinh đô Huế; nguyên quán làng Mỹ Khê Tây, phủ Bình Sơn, (nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh), tỉnh Quảng Ngãi.

Ông là con trai của Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế (1793- 1865) và Quận chúa Ngọc Lê (con chú ruột vua Gia Long), tên ban đầu là Trương Đăng Đản, đến năm 1884 cải thành Trương Quang Đản vì kỵ húy tên vua Kiến Phúc (Ưng Đăng).

 

Từ đường họ Trương Mỹ Khê
Từ đường họ Trương Mỹ Khê

 

Niên hiệu Tự Đức thứ 8 (Ất Mão- 1825), Trương Quang Đản đỗ tú tài tại Trường thi Hương Thừa Thiên, sau đó vì lý do riêng của gia đình, ông và các em đều không ra ứng thí khi thân phụ còn tại chức. Năm Tự Đức thứ 16 (Quý Tỵ- 1863), ông được đề bạt cho tập sự Hậu bổ chờ sung chức về các phủ, huyện. Năm 1865 thân phụ qua đời tại quê nhà (làng Mỹ Khê Tây), Trương Quang Đản lui về chịu tang trong 3 năm.

Năm Tự Đức thứ 22 (1869), mãn tang cha, ông cùng người em ruột là Viên Ngoại lang Trương Văn Đễ tình nguyện mộ quân dẹp loạn ở vùng Sơn Tây, Bắc Ninh. Nhờ công tích trong việc tiểu trừ phiến binh, ông lần lượt được giao các chức vụ: Hàn lâm viện Điển tịch - Quyền lãnh Tri phủ Từ Sơn (1869), Hàn lâm viện Kiểm thảo rồi Hàn lâm viện Tu soạn - Thực thụ Tri phủ (1871).

Năm Tự Đức thứ 26 (Quý Dậu- 1873) quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội và một số tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trương Quang Đản được sung chức Tán tương Quân vụ, cùng với Hoàng Kế Viêm bố trí binh lực phòng ngự Bắc Ninh. Lập được chiến công trong một số cuộc đối đầu với quân Pháp, ông được thăng thưởng hàm Thị giảng học sĩ (tòng tứ phẩm).

Năm Tự Đức thứ 28 (Ất Hợi - 1875), Trương Quang Đản được giao chức Quyền Án sát rồi Án sát kiêm Sơn phòng sứ Thanh Hóa; năm sau (Bính Tý- 1876) thăng Bố Chánh sứ vẫn kiêm chức Sơn phòng Tiểu phủ sứ.

Năm Tự Đức thứ 33 (Canh Thìn-1880), ông  được chuẩn thăng Thụ Tham Tri (tùng nhị phẩm) sung Tĩnh Biên phó sứ đạo Lạng Giang, sau thăng Tổng đốc Ninh Thái (Bắc Ninh, Thái Nguyên) kiêm sung quân vụ Lạng- Bằng- Ninh- Thái (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh, Thái Nguyên), hiệp binh với quân nhà Thanh (Trung Quốc) chống ngăn quân Pháp.

Thời gian này, Trương Quang Đản là một trong những người giữ vai trò quan trọng trong việc đối phó quân Pháp mở rộng xâm lăng Bắc Kỳ, theo dõi và  ứng phó với quân binh nhà Thanh đang có mặt ở nước ta, tiểu trừ các nhóm tạo phản, các nhóm thổ phỉ vùng biên giới Việt - Trung lợi dụng tình hình biến động để gây rối.

Năm Tự Đức thứ 36 (Quý Mùi -1883), tình hình Bắc Kỳ vô cùng phức tạp. Quân Pháp tăng cường gây hấn ở các tỉnh chung quanh Hà Nội; nhà Thanh  đưa quân vào nước ta dưới danh nghĩa viện binh, nhưng thực chất là tranh giành ảnh hưởng với quân Pháp, tạo vùng đệm an toàn ở địa bàn lân quốc phía Nam Trung Hoa.

Trương Quang Đản trong vai trò là Tổng đốc Ninh Thái kiêm Lạng -Bằng -Ninh -Thái Quân vụ, một mặt dâng sớ về triều nêu rõ âm mưu của ngoại bang, đồng thời đề xuất triều đình chủ động triển khai kế hoạch đối phó. Trong thời buổi nước nhà tao loạn, ông cùng Hoàng Tá Viêm, Lưu Vĩnh Phúc, Lương Tuấn Tú, Nguyễn Chính, Bùi Niên, Lương Quy Chính, Nguyễn Cao, Trần Xuân Soạn… là những quan lại đứng nơi đầu sóng ngọn gió ở Bắc Kỳ.

Cũng trong năm này, triều đình Huế ký thỏa ước với quân Pháp (Hòa ước Quý Mùi - 1883), gây cho nhiều quan lại, tướng lĩnh và lê dân những nghi hoặc, ngỡ ngàng. Nghe tin Trương Quang Đản và Hoàng Kế Viêm không chịu rút quân theo điều ước, gây cho quân Pháp nhiều khó khăn trên đất Bắc Kỳ, viên Khâm sứ Pháp ở Huế đã gây sức ép buộc triều đình truyền dụ cho hai ông lập tức hồi triều.

Về đến kinh đô, Trương Quang Đản bị giáng làm Tuần phủ Quảng Trị. Tại đây, sau khi phe chủ chiến thất bại trong trận tấn công quân Pháp vào tháng 7 năm 1885 tại kinh thành, ông cùng em ruột là Trương Văn Đễ tham gia đoàn tùy tùng đưa vua Hàm Nghi ra căn cứ Tân Sở (Quảng Trị), phát dụ Cần Vương, sau đó lại đưa xa giá Tam cung về lại Huế.

Xong việc, khi trở ra Quảng Trị, Tuần phủ Trương Quang Đản lại vướng vào sự cố quan tình làm ngơ để “thân hào” đưa vũ khi, lương thực trong kho của tỉnh thành ra ngoài (thực chất là thông đồng với quân Cần Vương) nên bị triều đình triệt chức, rút về kinh đô.

Đồng Khánh lên ngôi, Trương Quang Đản được thăng Thái tử thiếu phó. Khoảng cuối năm 1886 (Đồng Khánh nguyên niên), thế lực tùng theo Pháp ở Quảng Ngãi rơi vào thế bất lợi, quân Cần Vương tại chỗ liên kết với quân Cần Vương Quảng Nam, Bình Định tấn công từ hai phía Bắc, Nam, trong khi ở mạn ngược, người Thượng liên tục quấy nhiễu, áp sát Sơn phòng.

 

Mộ ông Trương Quang Đản
Mộ Trương Quang Đản

 

Để có người cộng lực giải cứu tình thế bức bách, Tiểu phủ sứ Sơn phòng Nghĩa Định (Quảng Ngãi- Bình Định) là Nguyễn Thân dâng sớ tâu xin triều đình chuẩn bổ Trương Quang Đản chức Bố Chánh sứ Quảng Ngãi, nhưng ông cáo ốm ở lại triều, một thời gian sau thì được giao chức Thị lang bộ Hình rồi Phủ doãn Thừa Thiên.

Vua Thành Thái lên ngôi (1889), Trương Quang Đản cùng Nguyễn Trọng Hợp được cử làm Phụ chính đại thần. Ông  lãnh chức Thượng thư Bộ Binh kiêm quản Bộ Lại, kiêm sung Phó Tổng tài Quốc sử quán, tham gia biên soạn bộ Đại Nam thực lục chính biên- đệ tứ kỷ.

Năm 1890, Trương Quang Đản  lần lượt được thăng Thự Hiệp biện Đại học sỹ, lãnh Thượng thư Bộ Lễ (1890), Thực thụ Hiệp biện Đại học sỹ, lãnh Thượng thư Bộ Công (1891 ) Thự Đông các Đại học sỹ, hàm Chánh nhất phẩm (1892), Chuẩn Kinh diên giảng quan (1894).

Năm Thành Thái thứ 8 (Bính Thân -1896), Trương Quang Đản xin thôi các chức vụ ở Phủ Phụ chính và Cơ mật viện, để chuyên tâm làm nhiệm vụ Kinh diên giảng quan và kiêm quản Quốc tử giám. Cũng trong năm này ông được cử làm Tổng tài Quốc sử quán, đứng đầu biên soạn Đại Nam thực lục, đệ ngũ kỷ.

Năm Thành Thái thứ 12 (Canh Tý – 1900), Trương Quang Đản lui về trí sĩ ở quê nhà (làng Mỹ Khê Tây), đến năm Duy Tân thứ 8 (Giáp Dần- 1914) tạ thế, thọ 82 tuổi. Triều đình, lê thứ đều tỏ lòng thương tiếc. Nhà vua ban chiếu gia hàm Thái phó và cho phép làm tế lễ trọng vọng để xứng đáng với công lao của một bậc huân thần.

Trương Quang Đản là người tham gia biên soạn nhiều bộ sách quan trọng: Đại Nam chính biên liệt truyện- Sơ tập (Toản tu), Đại Nam thực lục chính biên- Đệ tứ kỳ (Phó Tổng tài Quốc sử quán), Đại Nam thực lục chính biên- Đệ ngủ kỳ (Tổng tài Quốc sử quán), Minh Mạng chính yếu, Thánh chế thi tam tạp (Tổng phụ kiểm)…

Ông cũng là tác giả Thủ thuyết lục, Trương Cúc Khê liễn đối thi văn tập, nhưng rất tiếc những tác phẩm này chưa được biết nhiều lắm ở đời.

                                                                               
                                           Lê Hồng Khánh



Đón đọc kỳ tới: Hoàng Công Thiệu (1518- 1611)

 


CÁC TIN KHÁC
.