Từ sông ra biển

08:11, 06/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ sông ra biển, từ ven bờ ra lộng, từ lộng đến khơi, cư dân ven biển, hải đảo Quảng Ngãi cũng như khắp vùng duyên hải miền Trung đã tiến những bước dài trong cuộc hành trình gian nan chinh phục sóng to, biển cả.

TIN LIÊN QUAN

Dọc theo bờ biển Quảng Ngãi, từ Tổng Binh đến Sa Kỳ, từ Thu Xà đến Kỳ Tân, An Chuẩn, từ Mỹ Á đến Sa Huỳnh đã hình thành nhiều làng nghề đánh cá, tấp nập ghe thuyền.

 

Thắng cảnh Ba Làng An.
Thắng cảnh Ba Làng An.


Từ đời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, các hạng mục đánh thuế áp vào ngư nghiệp bắt đầu được xác lập. Tùy theo vùng nước đánh bắt mà nhà nước phong kiến đặt ra các mức thuế khác nhau. Ở phủ Quảng Ngãi, đầm Cẩm Khê (An Khê) hàng năm tiền thuế là 272 quan 8 tiền. Tiền thuế thu từ thuyền bè qua lại buôn bán, hành nghề đánh cá tại cửa Sa Kỳ là 560 quan 3 tiền.

Cũng cần biết thêm rằng, ngư dân Quảng Ngãi thời phong kiến không chỉ phải đối diện với hiểm họa từ thiên tai, mà còn thường xuyên phải đối mặt với địch họa. Bọn cướp biển Tàu Ô thường đột nhập vào vùng ven biển để cướp phá. Đơn cử như vụ thuyền cướp đột nhập cửa Sa Kỳ năm 1836; ở Sa Huỳnh, Lý Sơn năm 1837, vụ ở Sa Kỳ có đến 22 thuyền cướp với 300 tên hải tặc đổ bộ cả lên đất liền vào năm 1866… Ở đảo Bé (cù lao Bờ Bãi, huyện đảo Lý Sơn) có hang đá mang tên hang Kẻ Cướp, là nơi bọn cướp biển thường xuyên ẩn náu, chờ dịp cướp bóc thuyền buôn, thuyền đánh cá của ngư dân. Dinh Bà Roi ở huyện đảo Lý Sơn tương truyền là nơi thờ phụng một người con gái đã dũng cảm hy sinh khi chống trả lại bọn giặc Tàu Ô.

Từ cuối thế kỷ XIX bước qua mấy thập kỷ đầu thế kỷ XX, ngư nghiệp Quảng Ngãi có sự phát triển đáng kể. Số lao động đánh cá và làm các nghề có liên quan trực tiếp đến ngư nghiệp như chế biến nước mắm, muối cá vào năm 1899 có khoảng vài ngàn người. Đầu thế kỷ trước, Quảng Ngãi cùng với Quảng Bình, Hà Tĩnh là 3 tỉnh miền Trung có nghề cá vừa cung cấp đủ thực phẩm cho địa phương, vừa có thể bán ra một phần nhỏ trên thương trường. Nghề đánh cá bằng lưới kéo (lưới giã cào) của ngư dân Quảng Ngãi cũng trở nên nổi tiếng trong giới ngư phủ cả nước.

Sự phát triển của nghề đánh bắt trên biển kích thích sự phát triển của nghề chế biến hải sản truyền thống. Mắm ruốc, mắm dảnh, mắm mực, mắm nhum, mắm khô cùng các loại thuỷ sản khác như tôm hùm, cua huỳnh đế, mực khô đã trở thành những sản phẩm được biết nhiều trong cả nước.

Kinh nghiệm và sự dạn dày trên biển, khả năng phán đoán về thời tiết cũng là một thế mạnh của ngư dân Quảng Ngãi. Đến nay, ở vùng ven biển huyện Bình Sơn vẫn còn có một số ngư dân nhìn màu mây, màu nước biển, hướng gió... phán đoán khá chính xác hướng di chuyển và khu vực tập trung của các loài cá, mực, ruốc trong lộng và cả ngoài khơi.

Chỉ với những chiếc thuyền câu gắn buồm, không phải là lớn lắm, ngư dân khu vực Ba Làng An, Sa Kỳ (phía đông các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh) và về sau là đảo Lý Sơn (cù lao Ré) đã có thể ra tận vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác nguồn lợi từ biển và thực hiện những nhiệm vụ do triều đình giao phó liên quan đến việc xác lập, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Sự phát triển của nghề cá, dẫn đến sự thay đổi cơ cấu dân cư, hình thành những vạn chài vừa đánh bắt, vừa chế biến hải sản ở vùng ven sông và các cửa biển Sa Cần, Sa Kỳ, Cửa Đại, Cửa Lở, Mỹ Á, Sa Huỳnh…Chính từ việc hình thành các cộng đồng cư dân ngư nghiệp như vậy, dần theo thời gian đã xuất hiện những nét riêng về phong tục, tập quán, lối sống, tín ngưỡng và cả tính cách của con người. Tục thờ cúng cá ông, lễ cầu ngư, lễ khao lề, các trò hát múa bả trạo, dồi bòng, lắc thúng... đã trở thành những sinh hoạt văn hoá mang đậm dấu ấn biển đảo.

Có bài ca dân dã ở chốn ruộng đồng, thôn trang thì cũng có câu hát tình tứ của những con người quen cuộc sống “ăn sóng nói gió”. Đặc biệt, tục thờ cúng cá ông và trò hát múa bả trạo, vốn có nguồn gốc từ cư dân Chăm đã được người Việt tiếp thu và trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng - văn hoá độc đáo của người Việt vùng Nam Trung Bộ. Các động tác múa cùng lời ca trong trò diễn xướng bả trạo của các vạn chài Quảng Ngãi cho thấy ngư dân ở đây có truyền thống đánh bắt khơi xa từ lâu đời, giàu kinh nghiệm đi biển.

Từ  ruộng đồng lội xuống con suối, con khe, đi dần ra sông lớn. Thả lờ, đặt ống nhử con cá nước ngọt rồi dựng rớ, quăng chài bắt con cá nước lợ. Ăn hến, ăn don rồi quen dần con ốc biển. Từ một chiếc thuyền câu quẩn quanh trong lộng đến chiếc ghe câu giong buồm, vượt sóng ra khơi… Cuộc hành trình kéo dài suốt mấy trăm năm của những ngư dân vùng biển Quảng Ngãi là một bản tráng ca viết trong sóng gió biển khơi, có câu hò khoan thai mà cũng có giông bão thét gào.


Bài, ảnh: Lê Hồng Khánh

 


CÁC TIN KHÁC
.