Chuyện Nghĩa và Ngãi

06:08, 04/08/2013
.

(QNg)-  Năm 1579, Đoan quận công Nguyễn Hoàng (Trấn thủ Thuận Hóa) nhận nhiệm vụ kiêm trấn Quảng Nam. Đất Thuận Quảng được củng cố để Nguyễn Hoàng gây dựng thế lực, dần dần tách khỏi sự ràng buộc của Chúa Trịnh, lúc bấy giờ đã lấn át vua Lê, nắm thực quyền lực Đàng Ngoài.

TIN LIÊN QUAN

Năm 1602, Nguyễn Hoàng tiến hành cải tổ các đơn vị lãnh thổ-hành chính ở 2 trấn Thuận-Quảng: Trấn Quảng Nam đổi thành dinh Quảng Nam, phủ Tư Nghĩa (thuộc dinh Quảng Nam) đổi thành phủ Quảng Nghĩa. Danh xưng Quảng Nghĩa bắt đầu xuất hiện từ đây.

 

Một góc thành phố Quảng Ngãi hôm nay.
Một góc thành phố Quảng Ngãi hôm nay.


Một nghi vấn vẫn thường xuất hiện: Tại sao Quảng Nghĩa lại trở thành Quảng Ngãi trong cách đọc cũng như trong ghi chép bằng quốc ngữ? Nghĩa và Ngãi khác nhau như thế nào?

Thực ra Nghĩa và Ngãi là hai cách đọc (phát âm)  theo lối Hán Việt của cùng một con chữ. Sở dĩ Nghĩa biến thành Ngãi là do kiêng âm tên thuỵ Nguyễn Phúc Thái (Hoằng Nghĩa Vương hay Nghĩa Vương), con trai Dũng Triết Vương Nguyễn Phúc Tần.

Khi nghiên cứu về kỵ huý trong lịch sử nước ta, thấy có một hiện tượng khá đặc biệt, đó là Lệ kiêng âm tên huý và tên thuỵ của các chúa theo đường truyền khẩu mà không ban chính lệnh. Sở dĩ như vậy là vì mặc dù tìm mọi cách thoát khỏi chính quyền trung ương (do họ Trịnh thao túng, vua Lê chỉ làm vì), nhưng các chúa Nguyễn chưa bao giờ chối bỏ vai trò chính thống của họ Lê, kể cả khi Nguyễn Phúc Khoát đã xưng vương (1744). Đã thừa nhận vua Lê (dù chỉ trên danh nghĩa) thì việc ban chính lệnh để kỵ huý cho dòng họ mình là điều không hợp lý. Nhưng mặt khác, các chúa Nguyễn lại có quá trình lập nghiệp lâu đời ở Đàng trong và là người thực tế giữ quyền uy cao nhất của vùng này. Dù thế nào, họ cũng có công đáng kể trong việc khai phá phương Nam. Uy tín và ân nghĩa của chúa Nguyễn trong dân chúng Đàng trong là một thực tế không thể phủ nhận.

 

Thung lũng Bãi Mầu (Sơn Tây)
Thung lũng Bãi Mầu (Sơn Tây)


Lệ kiêng âm tên huý và tên thụy, một biểu hiện của sự tôn kính, bắt đầu từ trong phủ chúa, lan dần ra giới quan lại, rồi trở nên phổ biến trong dân gian, bám chặt vào ngôn ngữ đời thường và cùng những nét riêng khác về ngữ âm, từ vựng,... tạo nên sắc thái riêng của ngôn ngữ phương Nam. Quảng Nghĩa đọc thành Quảng Ngãi; nhân nghĩa đọc thành nhơn ngãi... là vì vậy.

Một vài ý kiến khác thì cho rằng Nghĩa viết thành Ngãi là do người Pháp đọc chệch mà ra.


Sự thực là suốt 87 năm đô hộ nước ta (1858 – 1945) đặc biệt là sau hiệp ước Patenotre (Giáp Thân-1884) người Pháp chẳng hề cải tên một tỉnh nào ở Trung kỳ, vùng đất trên danh nghĩa thuộc vua nước Đại Nam. Quảng Ngãi không nằm ngoài sự thật đó. Còn như nói rằng cải tên như thế cho dễ đọc thì lại càng lầm! Cả Nghĩa lẫn Ngãi đều rất khó phát âm đối với người Pháp; thậm chí tự dạng “AI” của chữ Ngãi  trong Việt ngữ rất dễ khiến họ đọc nhầm thành âm [E], vì hiện tượng tạm gọi “trùng hình dị âm” giữa chữ Việt ngữ và Pháp ngữ, vốn dùng chung hệ ký âm La tinh.

Để làm rõ hơn, chúng ta thử xem người phương Tây ký âm chữ Ngãi như thế nào trong ngôn ngữ của họ. Điều nầy quả thật khó khăn, nhưng rất may là trong cuốn sách du ký, có tên là “Xứ Đàng Trong năm 1621” nhà truyền giáo người Bồ Đào Nhà Cristopho Borri (1583 – 1632), đã kể ra 5 đơn vị hành chính – quản lý lãnh thổ của xứ Đàng Trong, theo thứ tự từ bắc vào nam mà ông ta đã đến là: Thuận Hóa, Cacciam (Quảng Nam), Quamguia (Quảng Ngãi) và Quingnim (Qui Nhơn). Cristophoro Borri Xứ Đàng Trong năm 1821. Hồng Duệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Đình Nghi dịch và chú thích; NXB TP HCM 1998; trang 13.  Vậy là rõ, sự biến đổi từ Nghĩa sang Ngãi là chuyện của người Việt Nam, chẳng liên quan gì đến mấy ông Tây!


Lê Hồng Khánh 


CÁC TIN KHÁC
.