Chú Tượng làng đúc

11:08, 11/08/2013
.

(QNg)- Địa danh Chú Tượng truy nguyên chữ Hán đơn giản có nghĩa là làng đúc. Tên làng mang tên nghề. Làng không nằm trên trục Quốc lộ 1 mà ở phía tây nam núi Vom, tây ga xe lửa Lam Điền, giữa một đồng quê có phần im ắng phủ bóng tre xanh, nay chính là một thôn của xã Đức Hiệp (Mộ Đức).

TIN LIÊN QUAN

Địa danh một làng thường sinh thành ngay từ hồi mới lập làng, cho thấy nghề đúc ở Chú Tượng đã có từ thuở người làng mới đến đây sinh cơ lập nghiệp nhiều thế kỷ trước. Phía đông làng có Bàu Ngáy, gắn với câu chuyện tương truyền rằng có hai anh em vào đây mở đất, một người thức khuya dậy sớm để khai phá ruộng đồng, một người như kẻ lười biếng ngủ ngày ngủ đêm, “ngáy” mãi không thôi.

 

 Vài đồ đồng cho thấy nghề đúc đồng Chú Tượng xưa rất tinh xảo
Vài đồ đồng cho thấy nghề đúc đồng Chú Tượng xưa rất tinh xảo


Nhưng người ấy lại có nghề đúc và đã làm nên cơ nghiệp. “Đúc một cái ngoáy trầu hơn làm một sào ruộng”. Ngạn ngữ nơi đây lưu truyền lại như niềm tự hào của người làng. Quả có vậy. Trong toàn tỉnh Quảng Ngãi thuở xưa ngoài Chú Tượng chỉ có một nơi có thợ đúc nữa là Long Giang (Bình Sơn). Đúc đồng đòi hỏi kỹ thuật và nghệ thuật cao, chính thế nên sự xuất hiện của làng Chú Tượng quả là một hiện tượng hiếm có và quý giá. Khác với bây giờ, thuở xưa “ăn chắc mặc bền”, sản phẩm đúc đồng gần như là chủ lực trong sản xuất đồ dùng, không chỉ là đồ thờ như bộ tam, lư, chuông, mà còn gồm các đồ dùng như nồi, ống nhổ trầu, khuy tủ, nhạc cụ như cồng chiêng…

Làng đúc Chú Tượng còn được biết đến qua sản phẩm quả chuông Thần trên chùa Thiên Ấn còn lưu truyền đến ngày nay với một nghệ thuật tạo dáng tuyệt vời và trình độ đúc tinh xảo. Làng có những người thợ, cũng là những nghệ nhân nổi tiếng như các ông thợ Kinh, thợ Hiệt, đã từng được mời ra kinh đô Huế để đúc tượng cho vua Khải Định và Khâm sứ Pháp Pasquier. Làng qua nhiều thế kỷ làm ăn thịnh đạt, đến thời kháng chiến chống Pháp thì tham gia đúc lựu đạn phục vụ chiến đấu. Thời chống Mỹ làng nơi đây tan hoang, người thợ đúc dạt đi nhiều nơi. Sau khi hòa bình thống nhất, người làng tụ lại và tiếp tục nghề đúc đồng, một thời không thể nói là không thịnh đạt.

Tôi nhớ trong những năm chống Mỹ ở làng An Ba giải phóng kế bên, đêm đêm nằm ngủ trong hầm tránh pháo đầy muỗi và mùi đất ẩm mốc, nhiều kiến lửa, ông nội tôi thường “vái ông kiến đừng cắn tui” rồi đọc vè, đọc ca dao để dỗ chị em tôi ngủ, trong đó có bài vè thợ đúc như vầy: “Thợ đúc thợ đúc/Trong nhà phú túc/Anh em lại đông/Rủ nhau ra đồng/Mà đào đất sét/Đem về mà quết/Với trấu với than/Quết cho kỹ càng/Quết cho nó nhuyễn/Mới nắn đặng khuôn/Mới nắn đặng nồi/Nắn khuôn vừa rồi/Đào lò dựng bể/Làm gà thợ lễ/Thợ mới nấu đồng/Thợ đúc có công/Nấu đồng ra nước/Thợ mới đúc được/Nồi bảy nồi ba/Thợ mới đúc ra/Đồng loa ống nhổ/Nấu đồng thợ đổ/Đổ cái mâm thau/ Đúc cối đúc mau/Chân hương nồi lửa/Thợ nào khéo nữa/Đúc hộp đúc ve/Lẳng lặng mà nghe/Đúc chuông đúc Phật…”.

Bài vè rất dài, còn kể các sản phẩm đúc khác như sư tử, kỳ lân, quả cân, đạn súng… Nghe ở vùng giải phóng vắng bóng người, đạn bom đe dọa ngày đêm, vẫn hình dung được một bức hoạt cảnh sinh động về thợ đúc. Nó như một bản tổng kết về nghề đúc Chú Tượng, với mức sống (phú túc – đầy đủ), quy trình đúc (từ đào đất sét quết đất tới nắn khuôn, đào lò dựng bể và đúc), sản phẩm đúc được liệt kê sinh động và đầy đủ, từ sản phẩm nhỏ đến sản phẩm lớn lao, tinh xảo: Đúc những hồng y/Cùng là đại bác. Hồng y là cái gì? Mấy mươi năm trời không hiểu nổi, cho đến khi tôi đọc sách Thực lục của triều Nguyễn mới hiểu ra đó cũng là một loại súng đại bác (Hồng y cương pháo).

Có lần về thăm làng Chú Tượng để tìm hiểu nghề đúc ở đây, nhân tiện hỏi dò luôn để chỉnh lý bài vè, tôi hơi thất vọng vì cả làng đúc “phú túc” trước kia chỉ còn mấy gia đình còn duy trì nghề, còn hỏi bài vè thì không còn ai biết. Quả vậy, đã có những dự án này nọ hỗ trợ làng đúc, nhưng bây giờ Chú Tượng lại không so nổi với Phước Kiều ở tỉnh Quảng Nam nơi nghề truyền thống nghề đúc đồng vẫn đem lại cả cơ nghiệp cho những người thợ. Chắc chắn có cả những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, nhưng dù gì thì thực trạng ấy chẳng lấy gì làm vui. Rồi đây còn lưu lại chỉ mỗi cái tên Chú Tượng – làng đúc?
             

Bài, ảnh: CAO CHƯ
 


CÁC TIN KHÁC
.