(QNg)- Nằm giữa lòng xóm chài, trong một khu đất hẹp, với diện tích 342 m2 , Lăng Vạn Cù Lao, Bình Chánh (Bình Sơn) ẩn mình dưới những tán lá đỏ sẫm, sum suê của cây bàng cổ. Cũng giống như những lăng Vạn khác ở ven biển miền Trung nói chung và xứ Quảng nói riêng, Lăng Vạn Cù Lao trông cổ kính với mái cong hình rồng, những hàng ngói âm dương bạc màu và bức tường vôi loang lổ. Người dân địa phương từ trẻ đến già, ai cũng biết Lăng được xây là để thờ thần Nam Hải, và được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hoá, nhưng không mấy ai biết Lăng được xây dựng từ bao giờ?
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo lời các bậc cao tuổi trong làng, thì Lăng được xây dựng vào thời nhà Lê, gắn liền với quá trình mở đất, lập làng định cư xây dựng cuộc sống của làng chài.
Lễ cầu ngư tại làng chài Mỹ Tân (Bình Chánh). |
Thời đó, xóm Cù Lao là một bãi cồn nổi lên giữa biển, chưa có người ở, chỉ có vài ba hộ gia đình họ Ngô là người dân bản địa sinh sống. Lúc bấy giờ, tại Bãi Rạng, Núi Thành (Quảng Nam), có ba ông lớn dòng họ Nguyễn, vì cuộc sống khó khăn nên mới di cư vào đây để sinh cơ, lập nghiệp. Họ đắp đất dựng nhà, đóng thuyền đi biển làm ăn, rồi sinh con, đẻ cái, con cháu mới đông đúc sau này, xóm Cù Lao cũng vì thế mà bồi đắp thêm ra. Cứ mỗi lần ra khơi đánh bắt cá, thuyền thường gặp sóng to, gió lớn, có người không may nằm ở biển khơi, số còn lại bình an trở về, nhờ thần Nam Hải - một loài cá Ông – cứu vớt. Bởi vậy, để tỏ lòng thành kính, lòng biết ơn đối với công lao của các vị thần, người dân Cù Lao mới xây dựng lăng miếu để thờ phụng. Thế rồi thỉnh thoảng, cá Ông lại chết trôi dạt vào bờ vì cứu ngư dân gặp nạn trên biển nên kiệt sức (theo tín ngưỡng, thần Nam Hải đi tu) được những người dân chài hiền lành, chất phác, chôn cất theo nghi lễ rất trang nghiêm và hương khói thờ cúng.
Ban đầu, Lăng được dựng trên nền đất với chất liệu đơn sơ là tranh, tre, nứa, lá. Đến năm 1781 – thời Tây Sơn, nhờ các vị tiền bối dày công đóng góp, Lăng được xây dựng lại khang trang, theo kiến trúc chữ nhất với vật liệu bằng gỗ, kiểu nhà rường ( 4 cột cái, 2 kèo, 2 trính, 2 xiên) do thợ địa phương thiết kế và thi công để thờ cá Ông – loại cá lớn nhất ở biển, nhưng rất hiền lành – được coi là vị thần Nam Hải giúp dân làm ăn, đánh bắt hải sản.Việc thờ cúng, lúc đầu là một nhu cầu mong ước điều lành, về sau trở thành một tín ngưỡng dân gian tồn tại mãi đến ngày nay.
Mỗi năm, có hai lần cúng thần là vào ngày 10 tháng giêng và ngày 25/6 âm lịch. Lễ vật gồm hương đèn, giấy bạc, hoa quả, trà rượu. Đặc biệt là làm riêng một con heo cúng sống, trên đầu heo có trải miếng mỡ chài. Chủ Vạn là người chủ trì buổi lễ. Trong lễ cúng có múa gươm, có đội chèo hát những điệu hò như: Hò kéo neo, kéo lưới, hò tát nước thể hiện niềm vui, niềm lạc quan của người dân trong lao động. Lễ cúng diễn ra trong không khí vừa sôi nổi, vui tươi, vừa trang trọng, uy nghi, bởi sự nhộn nhịp, tưng bừng của phần hội và sự tôn nghiêm của phần nghi lễ.
Lễ hội còn vui nhộn bởi âm thanh tiếng kèn, tiếng trống, tiếng hát, tiếng hò của đội chèo đưa đoàn thuyền ra khơi. Không những thế, buổi lễ còn hấp dẫn người xem với những đường gươm vừa nhẹ nhàng, uyển chuyển mềm mại, vừa dứt khoát, mạnh mẽ, nhịp nhàng. Lễ hội được tổ chức không chỉ để tế thần đầu năm, không chỉ vì mục đích sinh hoạt văn hoá mà còn là lời động viên tinh thần ngư dân Bình Chánh vươn ra khơi xa đánh bắt xa bờ, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
NGUYỄN TẤN CHỨC