*Trương Minh Tuấn- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(QNg)- Ngày xuân ở đảo Lý Sơn kết thúc vào lúc những rẫy tỏi ngả màu vàng mơ. Đó là thời điểm thuận lợi nhất trong năm để đàn ông Lý Sơn đi biển, đàn bà ở nhà chuẩn bị mùa thu hoạch và người già rậm rịch cho Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Hàng ngày, trên con đường lớn nhất xuyên qua huyện đảo, mọi người thường ngang qua tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải mà lòng nôn nao nhớ mãi một thời cha ông mình vượt trùng khơi bám biển giữ đảo quê hương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những người đi cắm mốc
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được người ta liên hệ tới hai vị cai đội Phạm Quang Ảnh và Phạm Hữu Nhật, và nhiều cai đội tộc Võ, tộc Phạm, tộc Đặng, tộc Nguyễn… ở Lý Sơn. Phạm Quang Ảnh người thôn Đông, xã An Vĩnh ngày nay, giỏi võ nghệ, dũng cảm và từng trải nghề đi biển. Dưới thời vua Gia Long, cai đội Phạm Quang Ảnh cùng 70 suất lính được giao nhiệm vụ canh giữ vùng biển, tìm kiếm khai thác những sản vật và đo đạc thủy trình. Sách Đại Nam thực lục chính biên chép: Năm Ất Hợi (1815), sai Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình. Những chuyến đi bảo vệ biên cương hải đảo hằng năm của đội Hoàng Sa ngày xưa thường bắt đầu từ tháng hai âm lịch và kết thúc vào tháng tám âm lịch. Dưới triều Minh Mạng, cai đội Phạm Hữu Nhật cũng người tộc Phạm ở thôn Đông, sau này được sử sách ghi khắc là người đầu tiên xác lập chủ quyền Việt Nam trên đảo Hoàng Sa.
Núi Thới Lới nhìn từ biển. Ảnh: T.M.T |
Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), tấu trình của Bộ công về việc cử người ra Hoàng Sa đo thủy trình, vẽ bản đồ, cắm cột mốc, dựng bia được vua phê chuẩn. Sách Đại Nam thực lục chính biên ghi: "Sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm dấu mốc. Một bài gỗ dài 5 thước, rộng 6 tấc và dày 1 tấc; mặt bài gỗ khắc: "Minh Mạng Mạng thập thất niên Bính Thân thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương đồ chí thử, hữu chí đẳng tư". Chuyến đi Hoàng Sa cuối cùng vào năm 1854, cai đội Phạm Hữu Nhật vĩnh viễn không trở về nữa. Cuộc đời sóng gió lẫy lừng của ông được nhân dân tôn vinh và truyền tụng. Năm 2005, tộc Phạm ở thôn Đông đã dựng bia trên mộ gió của Chánh đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật. Linh vị "Phục vì vong Cao Bình Quận Phạm Hữu Nhật thần hồn chi linh vị" của ông được thờ trong các miếu thờ lính Hoàng Sa.
Trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn cũng có chép lại lịch sử "khai khẩn" biển Đông của người dân Lý Sơn từ thời chúa Nguyễn: "Ngày 15 tháng Giêng niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (1776), thần là Hà Liễu, Cai hợp phường Cù Lao Ré xã An Vĩnh về kho nội thuộc Hà Bạc, huyện Bình Sơn, phủ Hoà Nghĩa.
Mong đội ơn trên: Nguyên xã chúng tôi từ xưa đã có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Vào năm Tân Mùi (1631) Đốc chiến là Võ Hệ đã đệ đơn tâu xin, được cho lập hai đội nữa là đội Đại mạo hải ba và Quế hương hàm với nhân số 30 người. Hàng năm thường nạp thuế bằng 10 (thạch) đồi mồi, hải ba, 5 lượng quế hương. Đến năm Quý Mão (1723) vâng lệnh truyền rằng: Dân trong thuộc Hà Bạc ai có bằng son, đơn son thì nạp thuế biệt nạp và mang theo sổ sách.
Thế là dân số phải bổ sung dân binh cũng bắt đầu. Đến đó quân nhân xã chúng tôi còn 23 người phải bổ sung người và phải chi tiền đi đường như trước, nên cai đội mới đốc suất được công việc từ đó đến nay. Bây giờ chúng tôi lập 2 đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu xin dâng nạp. Nếu như có tờ truyền báo xảy chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm báu vật cùng thuế quan đem phụng nạp. Xin dốc lòng theo sở nguyện chẳng dám kêu ca. Chúng tôi cúi đầu mong ơn".
Hoàng Sa, chỉ bước chân ra là tới
Lý Sơn nằm cách đất liền 15 hải lý, diện tích chưa đầy 10km2 nhưng dân số đến hơn 2 vạn người, bao gồm các đảo Lớn, đảo Bé và hòn Mù Cu. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết văn hóa Sa Huỳnh khoảng 200 năm trước Công nguyên ở đây. Núi Thới Lới nằm trên đảo Lớn là ngọn núi lửa được hình thành cách đây từ 23-25 triệu năm. Dấu vết của những miệng núi lửa ở Lý Sơn ngày nay trở thành một trong những điểm tham quan du lịch độc đáo. Sống ở hòn đảo tiền tiêu nhìn ra biển Đông, cộng đồng cư dân Lý Sơn chính là cộng đồng người Việt có tư duy về biển lâu đời và mãnh liệt nhất. Ở Lý Sơn, ru con người ta hay hát câu này: "Hoàng Sa trời nước mênh mông. Người đi thì có mà không thấy về" hay buồn hơn nữa là: "Hoàng Sa lắm bể nhiều cồn. Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây".
Cụ Võ Hiển Đạt, một nghệ nhân nổi tiếng ở Lý Sơn nói, ngày xưa hành trang của đội hùng binh Hoàng Sa ngoài lương thực thường có mấy chiếc chiếu và vài sợi dây mây. Người ra đi tương lai mờ mịt và nhiều bất trắc, rủi ro số phận hẩm hiu họ sẽ được những người còn sống sót bó xác vào chiếc chiếu bằng sợi dây mây và cột thẻ bài vào đó với hy vọng thân thể họ sẽ trôi dạt về đến quê hương. Nhưng tiếc thay, "người không thấy về" ở Lý Sơn trải qua bao đời nhiều vô kể và những nấm mộ gió lại mọc lên càng nhiều. Bên dưới lớp cát đó là hình hài của những hùng binh ngày xưa và những ngư dân ngày nay được nặn bằng đất sét với xương cốt cây dâu đã được chiêu hồn tử sĩ.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ngày trước được từng tộc họ ở Lý Sơn tổ chức riêng vào cuối tháng 3 âm lịch. Đó là thời điểm những rẫy tỏi ngả màu vàng mơ, những người đàn bà sắp vào mùa thu hoạch và đàn ông chuẩn bị thẳng tiến biển Đông làm ăn trong ngư trường truyền thống. Ông Võ Hiển Đạt, người trông coi Âm Linh Tự trong đó có thờ các binh phu Hoàng Sa, nói: "Đối với bà con Lý Sơn, Hoàng Sa y như cái đảo Bé ở đây. Chỉ bước chân ra là tới. Đó là nhà của dân Lý Sơn từ bao đời nay…"./.