(QNĐT)- Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn là nghi lễ truyền thống tồn tại hàng trăm năm qua và đã trở thành một sinh hoạt tinh thần tiêu biểu của cư dân vùng biển đảo Lý Sơn. Lễ không chỉ thể hiện tấm lòng tri ân của người dân Lý Sơn đối với những tiền nhân đã hy sinh vì Tổ quốc, mà đây còn là di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt giá trị, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo một số lão ngư trên huyện đảo Lý Sơn thì không ai còn nhớ Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa có từ bao giờ, chỉ biết nó tồn tại từ hàng trăm năm nay và cứ tới tháng 2, tháng 3 hằng năm, các tộc họ trên đảo lại tổ chức lễ tái hiện hình ảnh đội thuyền năm xưa ra đi bảo vệ vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.
Còn theo ghi chép trong gia phả của các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa thì trong dòng họ mình đã có rất nhiều người đi lính Hoàng Sa mãi không trở về. Do vậy, để tạo cho người lính yên tâm làm nhiệm vụ, triều đình đã tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa trước khi những người lính lên thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa.
Nghi thức lễ khao lề thế lính trên huyện đảo Lý Sơn. |
Ông Võ Hiển Đạt (83 tuổi), một nghệ nhân, ông đồ nổi tiếng ở Lý Sơn cũng là người trông giữ đền An Vĩnh (nơi diễn ra lễ khao lề thế lính), cho biết: Lễ khao lề là lễ hội độc đáo, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, văn hóa tâm linh của người dân huyện đảo. Tại Lễ khao lề không thể thiếu mô hình những chiếc thuyền nan, các vật dụng mà mỗi người lính trước khi ra Hoàng Sa phải chuẩn bị cho mình, gồm một đôi chiếu (là vật dùng để quấn xác nếu không may gục ngã) 7 đòn tre (là vật nẹp quanh thân); 7 sợi dây mây (được dùng để bó xác người). Tất cả tái hiện hình ảnh ra đi của những người lính từ hàng trăm năm trước.
Những người lính Hoàng Sa năm xưa, sau khi nhận nhiệm vụ ra Hoàng Sa để đo đạc thủy trình, dựng bia chủ quyền và khai thác sản vật nộp cho triều đình, nếu không may hy sinh, thi thể người lính sẽ được đồng đội thả xuống biển cả mênh mông. Chiếc thẻ bài bằng tre có ghi tên tuổi, làng quê, phiên hiệu được cài trong bó xác sẽ là thông điệp gửi lại cho gia đình và bản quán nếu thi thể đó trôi vào bờ... Dẫu biết có thể một đi không trở lại, nhưng những người lính Hoàng Sa năm xưa vẫn vì nước quên thân.
Cho đến nay, người dân đất đảo Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông. Người đi thì có mà không thấy về. Hoàng Sa mây nước bốn bề. Tháng hai (ba) khao lề thế lính Hoàng Sa”. Dẫu biết mấy ai đi mà trở về, thế nhưng nhiều người vẫn phải hy vọng, dù là hy vọng mỏng manh. Vì vậy, trước khi ra đi, cùng với việc tộc họ bàn soạn lễ vật sanh tươi, hương đăng tỏa rạng, thầy phù thủy sẽ nặn hình nhân thế mạng (hình nộm). Hình nhân thế mạng được đặt cạnh linh vị đã ghi tên tuổi người đi lính Hoàng Sa. Trong tộc họ có bao nhiêu người tử nạn khi ra Hoàng Sa thì có bấy nhiêu linh vị.
Sau tế lễ, những thuyền bằng giấy và hình nhân thế mạng, linh vị, cùng những vật dụng tượng trưng như gạo, muối, củi... được thả ra ngoài biển. |
Theo ông Phạm Thoại Tuyền- Hậu duệ đời thứ 5 của Cai đội trưởng Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật thì, ngày xưa, hình nhân được thầy pháp nặn bằng đất sét hoặc bằng bột gạo, lấy cây dâu làm xương, đất sét trộn lòng trắng trứng gà nặn hình người, lấy lòng đỏ trứng gà làm lục phủ ngũ tạng. Đất sét để nặn hình nhân thế mạng phải là loại đất lấy ở ngã ba đường. Người ta mang con gà đến thả ở ngã ba đường, gà mổ ở vị trí nào thì lấy đất sét ở đấy về nặn làm hình nhân. Sau khi nặn xong, thầy pháp sẽ hô thần chú, đọc tên tuổi của những người đi lính để soi hồn nhập cốt. Ngày nay, hình nhân thế mạng không còn được làm bằng bột gạo hay đất sét, tộc họ làm hình nộm bằng khung tre và dán giấy ngũ sắc để giả hình người, sau khi tế xong sẽ đem thả ra biển hoặc đốt đi cùng với văn tế.
Sau lễ, người Lý Sơn sẽ đặt các hình nhân và linh vị, cùng những thứ tượng trưng mà người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa thường mang theo, như gạo, muối, củi, nước ngọt, lưới… vào chiếc thuyền bằng giấy, tượng trưng cho thuyền đi Hoàng Sa-Trường Sa thuở trước, đem thả ra biển, kèm theo những lời nguyện cầu về sự bình yên.
Buổi lễ tế thế lính Hoàng Sa kết thúc, những hùng bình xem như đã được một lần chết và họ sẽ không còn ngại khi khi phải trải qua phong ba bão tố trên biển ròng rã nhiều tháng liền để vâng lệnh triều đình ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, khai thác sản vật, khẳng định chủ quyền.
Có thể nói, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ nhằm tri ân đến những người đi lính Hoàng Sa và góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc trên Biển Đông mà còn khơi dậy lòng yêu nước và giáo dục thế hệ trẻ về ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; đồng thời góp phần quảng bá về tiềm năng du lịch của huyện đảo Lý Sơn đến du khách trong nước và quốc tế.
Trong các ngày từ 25-29/4, sẽ diễn ra Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa và Tuần văn hóa biển đảo gắn với với nhiều hoạt động hướng về biển đảo và các nghi lễ tri ân các hùng binh Hải đội Hoàng Sa sẽ diễn ra tại thành phố Quảng Ngãi và huyện đảo Lý Sơn. Ngoài Lễ khai mạc diễn ra tối 27/4 tại Quảng trường Phạm Văn Đồng, sẽ có Lễ rước thần Tứ linh (bằng hành, tỏi), thuyền câu đi Hoàng Sa và ghe bầu (mô hình) đi biển của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải từ Bảo tàng tổng hợp tỉnh về trưng bày tại Quảng trường Phạm Văn Đồng. Tại thành phố Quảng Ngãi còn có các hoạt động Trại sáng tác, trưng bày và trao giải các tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh về biển đảo; Trưng bày-triển lãm tài liệu, hiện vật, sách về biển đảo; Tọa đàm liên quan đến chủ quyền lịch sử, pháp lý của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Điểm nhấn của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và Tuần văn hóa biển đảo Quảng Ngãi là tại huyện đảo Lý Sơn trong 2 ngày 27 và 28/4 với các hoạt động như: Lễ rước tứ linh từ các lân về đình làng; Lễ đua thuyền (hầu thần) tứ linh tại 2 xã An Vĩnh và An Hải; Cáo yết nghinh thần; Lễ cầu siêu cho các binh phu Hoàng Sa, Trường Sa và các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc; Lễ hoa đăng; Cung nghinh các binh phu Hoàng Sa và rước Bằng di tích Quốc gia. |
Bài, ảnh: M. Toàn
Kỳ cuối: Trên quê hương hải đội Hoàng Sa hôm nay