(QNĐT)- Lê Trung Đình hiệu là Long Cang, sinh năm Đinh Tỵ - 1857, người làng Phú Nhơn, nay là thôn Trường Thọ Đông, thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh. Ông là chí sĩ yêu nước, kháng Pháp, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Cần Vương đầu tiên trong cả nước.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thân sinh Lê Trung Đình là cử nhân Lê Trung Lượng (? - 1880), một danh sĩ dưới triều Tự Đức, được nhà vua ban lời khen "Thanh như Lượng" và ân trí cho chữ "Trung" làm phụ tính (tên lót).
Lê Trung Đình |
Con nhà dòng dõi khoa bảng, học giỏi nổi tiếng cả một vùng, năm 26 tuổi Lê Trung Đình thi đỗ cử nhân (khoa Giáp Thân -1884) ở trường thi Hương Bình Định. Gặp buổi vận nước lao đao, bên ngoài thực dân Pháp âm mưu xâm chiếm đất đai, bên trong triều đình rối ren, chia bè rẽ phái, ông cùng các chí sĩ Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Bá Loan, Nguyễn Tấn Kỳ... vừa dốc sức tổ chức lực lượng hương binh, vừa xây dựng chiến khu ở Tuyền Tung (nay thuộc xã Bình An, huyện Bình Sơn), sẵn sàng đối phó với quân xâm lược.
Phái chủ chiến ở triều đình cử ông làm Chánh quản hương binh, sau đó được Nguyễn Duy Cung - lúc bấy giờ đang giữ chức Tham biện sơn phòng Nghĩa Định, bí mật cử ra kinh đô yết kiến người cầm đầu phe chủ chiến là đại thần Tôn Thất Thuyết để nhận lệnh tổ chức lực lượng và xây dựng kế hoạch chuẩn bị chống Pháp.
Ngày 5/7/1885, sau vụ âm mưu đánh úp quân Pháp ở Huế không thành, kinh đô thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn và sau đó hạ chiếu Cần Vương.
Ngày 13/7/1885 (1/6 năm Ất Dậu), Lê Trung Đình cùng các thủ lĩnh hương binh kéo quân về tỉnh thành, đòi các quan lại đầu tỉnh cấp vũ khí, lương thực để chống Pháp, nhưng quyền Bố chánh Lê Duy Thụy và quyền Án Sát Nguyễn Văn Dụ hèn nhát từ chối.
Nhà thờ dòng tộc Lê Trung ở thị trấn Sơn Tịnh, nơi thờ tự Lê Trung Đình. |
Ngay trong đêm ấy, 3.000 hương binh theo lệnh Chánh tướng Lê Trung Đình và Phó tướng Nguyễn Tự Tân từ chiến khu Tuyền Tung và các nơi khác tập kết về khu vực bãi sông Trà Khúc, phía tả ngạn, trước đền Văn Thánh (Văn miếu Quảng Ngãi) làm lễ tế cờ rồi vượt sông, tấn công tỉnh thành Quảng Ngãi.
Được sự hỗ trợ của lực lượng nội ứng, nghĩa quân nhanh chóng đánh chiếm tỉnh thành, bắt giữ bọn quan lại, tịch thu ấn triện, vũ khí, triển khai tổ chức phòng thủ và phát động phong trào Cần Vương trong cả tỉnh, sẵn sàng ứng phó với quân xâm lược Pháp.
Nghĩa quân làm chủ tỉnh thành được 4 ngày thì bị tên phản bội Nguyễn Thân (vốn là một thành viên Nghĩa hội, trở giáo), đưa lực lượng từ sơn phòng về, đánh lừa nghĩa quân mở cửa thành, rồi bất ngờ tấn công dữ dội. Nguyễn Tự Tân hy sinh giữa trận tiền, Lê Trung Đình bị bắt. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Nguyễn Thân tìm mọi cách dụ dỗ, lôi kéo Lê Trung Đình đầu hàng, nhưng không thể nào lay chuyển được ý chí của người thủ lĩnh yêu nước khẳng khái, trung trinh.
Mộ Lê Trung Đình |
Ngày 23/7/1885 (1/6 năm Ất Dậu) Lê Trung Đình bị xử chém ở phía Bắc thành Quảng Ngãi. Trên đường ra pháp trường ông ứng tác bài thơ tuyệt mệnh, người đời sau quen gọi là Lâm hình thời tác:
Kim nhật lung trung điểu
Minh triêu trở thượng ngư
Thử thân hà túc tích
Xã tắc ai kỳ khu
Nay là chim trong lồng
Mai đã cá trên thớt
Thân này tiếc gì đâu
Gian nan tình đất nước
Bản dịch Hoàng Tạo
Lê Hồng Khánh
* Đón đọc kỳ sau: Nguyễn Tự Tân