(QNĐT)- Quần thể di tích cuộc khởi nghĩa Ba Tơ bao gồm nhiểu điểm di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ, phân bố chủ yếu trên địa bàn các xã Ba Vinh, Ba Động và thị trấn Ba Tơ, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi chừng 60 cây số về phía tây nam.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vào thời điểm trước tháng 3/1945, Ba Tơ là một châu ở miền núi phía tây tỉnh Quảng Ngãi, nổi tiếng rừng thiêng nước độc, nhiều sơn lam chướng khí. Song đây cũng là nơi có nhiều tuyến giao thông thủy bộ liên lạc với vùng núi Sơn Hà, Minh Long; vùng trung châu và đồng bằng Quảng Ngãi; miền núi rừng phía bắc Bình Định và phía đông cao nguyên Kon Tum. Ba Tơ cũng là địa bàn cư trú lâu đời của người Hre, một tộc người gan dạ, bất khuất, có sự kình định dai dẳng với bộ máy cai trị thực dân – phong kiến.
Đội du kích Ba Tơ tuyên thệ “Hy sinh vì Tổ quốc!” |
Cuối năm 1940, đầu năm 1941, thực dân Pháp chuyển các nhà tù ở Ba Tơ, Di Lăng (Sơn Hà) thành “căng an trí” để đày ải, câu lưu tù chính trị đã mãn hạn. Người tù khi bị đưa đến căng an trí Ba Tơ phải tự làm lụng nuôi thân, nhưng không được đi xa đồn kiểm soát quá 500m, mỗi ngày phải đến trình diện 2 lần.
Âm mưu của bọn thực dân là đánh gục ý chí và giết lần giết mòn thể xác các chiến sĩ cách mạng bằng đói khổ và bệnh tật. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược với ý muốn của chúng. Đến khoảng cuối năm 1941, tại Căng an trí Ba Tơ, một số đảng viên cộng sản (trong đó có ông Nguyễn Đôn) bí mật lập ra Ủy ban vận động cách mạng.
Đến đầu năm 1942, tại đây hình thành một chi bộ Đảng gồm 5 đảng viên do ông Huỳnh Tấu làm Bí thư. Chi bộ làm nhiệm vụ Tỉnh ủy lâm thời, tìm cách liên lạc với cơ sở, các tỉnh bạn và cấp trên. Ủy ban Vận động Cách mạng tỉnh Quảng Ngãi cũng được thành lập (đến giữa năm 1943, đổi thành Ủy ban Vận động Cứu quốc) để lãnh đạo phong trào cứu quốc trong tỉnh.
Từ cuối năm 1943 đến đầu năm 1944, lần lượt các ông Phạm Kiệt, Trương Quang Giao, Trần Quý Hai, Trần Lương bị địch đưa từ các nhà tù khác về an trí tại Căng an trí Ba Tơ. Tháng 12/1944, tại một địa điểm trên suối Nước Năng, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập, ông Trương Quang Giao làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời và lãnh đạo Ủy ban Vận động Cứu quốc tỉnh; ông Phạm Kiệt chịu trách nhiệm về quân sự.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính, lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Ngày 10/3/1945, Tỉnh uỷ lâm thời Quảng Ngãi quyết định khởi nghĩa.
Đêm 11/3/1945, đội quân khởi nghĩa do Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Nguyễn Khoách chỉ huy được sự hưởng ứng của đông đảo đồng bào Kinh, Thượng chiếm Nha Kiểm lý và đồn Ba Tơ. Sáng ngày 12/3/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động Ba Tơ, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng (Ủy ban nhân dân cách mạng Ba Tơ). Đội Du kích Ba Tơ chính thức ra mắt, là một trong những đội vũ trang tập trung thoát ly đầu tiên ở miền Nam Trung Bộ.
Ủy ban nhân dân cách mạng Ba Tơ ban hành các quyền tự do dân chủ, xóa bỏ sưu, thuế, các khoản nợ vay nặng lãi. Đội quân khởi nghĩa cùng với đồng bào làm "Lễ ăn thề", đoàn kết đánh Pháp, đuổi Nhật và tay sai. Từ Ba Tơ, làn sóng khởi nghĩa lan nhanh đến các vùng lân cận ở Đức Phổ, Nghĩa Hành.
Tượng đài khởi nghĩa Ba Tơ. |
Lịch sử Việt Nam hiện đại ghi nhận Khởi nghĩa Ba Tơ là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên trong cả nước nổ ra và giành thắng lợi. Cuộc khởi nghĩa tạo đà cho phong trào cách mạng Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh và có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng ở các tỉnh Nam Trung bộ, Thừa Thiên – Huế.
Từ sau những ngày tháng 3/1945, một số địa danh ở Ba Tơ đã đi vào lịch sử, tô thắm thêm truyền thống cách mạng của nhân dân Quảng Ngãi:
- Núi Cao Muôn (xã Ba Vinh), một trong những nơi đội du kích Ba Tơ đặt căn cứ trong những ngày đầu khởi nghĩa, xây dựng lực lượng, vun đắp tình đoàn kết Kinh - Thượng.
- Khúc sông Liêng phía sau đồn Ba Tơ, nơi các chiến sĩ cách mạng giả bệnh lao, đòi sống cách ly dưới thuyền, che mắt địch để in ấn truyền đơn, tài liệu tuyên truyền vận động cách mạng. Cũng tại khúc sông này, đêm 11/3/1945, du kích địa phương dùng thuyền chở vũ khí và chiến lợi phẩm ở đồn Ba Tơ về căn cứ.
- Hang Én (xã Ba Vinh), dưới chân núi Cao Muôn, là nơi vào đêm 14/3/1945, đội du kích Ba Tơ tổ chức tuyên thệ “Hy sinh vì Tổ quốc!”.
- Khu căn cứ Giá Vụt, nơi các chiến sĩ cách mạng đặt trạm liên lạc, cải trang làm người buôn cau để tập hợp lực lượng, kết nối các cơ sở cách mạng miền tây Quảng Ngãi, tích trử vũ khí, lương thực, quần áo, thuốc men, chờ ngày thoát ly ra khỏi “căng an trí”.
- Nhà ông Trần Quý Hai (thị trấn Ba Tơ), nơi Tỉnh ủy lâm thời tổ chức cuộc họp (10/3/1945) quyết định khởi nghĩa cướp chính quyền.
- Nha kiểm lý (thị trấn Ba Tơ) là nơi vào đêm 11/3/1945 các lực lượng nổi dậy vây bắt viên kiểm lý Bùi Danh Ngũ, thu toàn bộ hồ sơ, tài liệu, vũ khí.
- Đồn Ba Tơ, nơi trú đóng của đội lính do tên đồn trưởng người Phápchỉ huy, kiểm soát châu Ba Tơ, bị quân khởi nghĩa đánh chiếm trong đêm 11/3/1945
- Chòi canh Suối Loa (xã Ba Động), một địa điểm bị các lực lượng nổi dậy đánh chiếm trong đêm 11/3/1945.
- Sân vận động (thị trấn Ba Tơ) , nơi sáng ngày 12/3/1945 Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa tổ chức cuộc mittinh lớn, tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng.
Ngoài ra còn có các địa điểm, Dốc ông Tài (thị trấn Ba Tơ), hang Voọt Rệp (xã Ba Vinh)...
Đề cập đến các di tích về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ còn phải kể đến 2 chiến khu của đội du kích Ba Tơ, đó là chiến khu núi Lớn (nơi đóng quân của đại đội Hoàng Hoa Thám) ở vùng tây Mộ Đức và chiến khu Vĩnh Tuy (hay Vĩnh Sơn, nơi đóng quân của đại đội Phan Đình Phùng) ở vùng tây Sơn Tịnh. Hai chiến khu nầy có ý nghĩa rất quan trọng trong thời kỳ trưởng thành, lớn mạnh của Đội du kích giai đoạn sau cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền toàn tỉnh.
Quá trình xây dựng và củng cố chiến khu đã có tác động tích cực đến việc phát triển lực lượng du kích Ba Tơ và lực lượng vũ trang ở các địa phương trong tỉnh. Đội du lích Ba Tơ trở thành lực lượng nòng cốt của quần chúng cách mạng ở Quảng Ngãi trong những ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Nhiều thành viên của đội du kích Ba Tơ về sau trở thành tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, như các ông Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Trần Quý Hai, Võ Thứ...
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là một trang ngời sáng trong lịch sử Quảng Ngãi và lịch sử Việt Nam.
Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ |
Từ năm 1985, tượng đài kỷ niệm và nhà Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ đã được xây dựng bên cạnh địa điểm trước đây là sân vận động và đồn Ba Tơ. Các điểm di tích đều có bia bảng chỉ dẫn. Nhà ông Trần Quý Hai, nơi diễn ra cuộc họp của Tỉnh ủy mở rộng quyết định khởi nghĩa, đã được phục dựng.
Về Ba Tơ, thăm nhà Bảo tàng và quần thể di tích khởi nghĩa Ba Tơ, khách tham quan còn được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên ngoạn mục của một huyện vùng cao với núi Cao Muôn ngạo nghễ vươn lên trời thẳm, đèo Vi ô lăk quanh co trong lãng đãng sương mờ, dòng sông Liêng lửng lờ như dãi lụa thả về xuôi...
Dệt thổ cẩm – một nghề truyền thống của người Hre ở Ba Tơ |
Ba Tơ còn có plây Teng với những cô gái Hre dệt thổ cẩm mắt đen lay láy, điệu ta lêu ngọt lịm gọi mời, tiếng chiêng Ba Nam chập chờn đêm rừng lặng. Men rượu cà rỏ mềm môi, con cá niêng thơm lựng trên bếp than hồng, vòng tay ấm áp đêm hội ăn trâu là lời hẹn hò những trải nghiệm dân tộc học thú vị từ mảnh đất Ba Tơ hiền hòa, hiếu khách, thăm thẳm chiều sâu văn hóa.
Quần thể các di tích về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận, xếp hạng và cấp Bằng di tích lịch sử- văn hóa quốc gia tại Quyết định số 92-VHTT/QĐ ngày 10/7/1980.
Bàu Ấu xứ, 9/6/2012
Lê Hồng Khánh
Đón đọc kỳ tới: Di tích Chiến thắng Vạn Tường.