(QNĐT)- Vu Sơn, tục gọi là núi Hòn Dầu, cao hơn 400m, nằm trên vùng đất giáp giới các xã Tịnh Bắc, Tịnh Đông, Tịnh Hiệp, cách thành phố Quảng Ngãi chừng 25 km về phía tây bắc. Nhìn từ xa, Vu Sơn cao vút lên giữa chập chùng núi đồi như điểm phát mạch cho các dãy núi thấp hơn, trùng điệp chạy về đồng bằng theo nhiều ngã.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngày trước bên sườn núi nầy có trảng cỏ non, hươu nai thường kéo về tụ tập thành bầy nên gọi là Vu Sơn lộc trường 蕪 山 鹿 場 (Bãi nai núi Vu, Trường nai núi Vu).
Núi Vu Sơn, nhìn hướng đông. |
Chữ “Vu” ở đây có nghĩa là hoang vu, bỏ hoang; ý nói ngọn núi hoang vu, rậm rạp, um tùm cây cối. Vu Sơn lộc trường cũng chẳng liên quan gì đến hai đỉnh núi Vu Sơn, Vu Giáp và giấc mộng Dương Đài ngớ ngẩn của ông vua Sở Tương vương thời Chiến quốc bên Tàu.
Sách Đại Nam nhất thống chí viết:
“ Núi Vu ở phía tây bắc huyện Sơn Tịnh, đứng cao vút trên không trung làm tổ sơn cho huyện nầy. Phía sau núi cây cối sầm uất, hươu nai tụ tập cả bầy. Sau đời ông Nguyễn Cư Trinh có người tục vịnh là “Vu Sơn lộc trường” (Trường nai núi Vu) làm thắng cảnh thứ 11 của Quảng Ngãi”. (Quốc sử quán triều Nguyễn; 1909; bản dịch Tu Trai Nguyễn Tạo; Nha Văn hóa – Bộ QGGD VNCH; 1964).
Sở dĩ nói rằng “có người tục vịnh” vì tương truyền khi Đạm Am Nguyễn Cư Trinh làm tuần vũ Quảng Ngãi có thơ đề vịnh 10 cảnh đẹp ở đây, gọi chung là “Quảng Ngãi thập cảnh”. Người đời sau nối theo (tục) ông, làm thơ vịnh thêm 2 cảnh đẹp nữa là Vu Sơn lộc trường (thứ 11) và Thạch Cơ điếu tẩu (thứ 12) để thành “Quảng Ngãi thập nhị cảnh”.
Đại Nam nhất thống chí, Q.VIII (tỉnh Quảng Ngãi), trang 25, phần viết về núi Vu Sơn |
Cũng xin được lưu ý rằng, nếu bạn đọc tiếp cận bản dịch Đại Nam nhất thống chí của Viện Sử học Việt Nam (Người dịch: Phạm Trọng Điềm; Người hiệu đính: Đào Duy Anh; Viện Sử học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam xuất bản - 2006) thì sẽ thấy có những khác biệt (với bản dịch đã trích ở trên) mà rõ nhất là việc xác định vị trí của ngọn Vu Sơn. Trong khi bản dịch của Phạm Trọng Điềm là “Ở cách huyện Bình Sơn 10 dặm về phía tây”, thì bản dịch Tu Trai Nguyễn Tạo lại “ở phía tây bắc huyện Sơn Tịnh”.
Chính Tu Trai Nguyễn Tạo đã có lưu ý ở những trang đầu tiên bản dịch của mình bằng những dòng sau đây: “Dịch giả nguyên quán ở Quảng Ngãi [...] có nhiều chỗ sau khi sách nầy xuất bản rồi, thì những làng tổng ở địa hạt huyện nầy lại di dịch, tháp nhập vào huyện khác, nên trong khi dịch tôi có sửa chữa lại những chỗ nào mà tôi biết rõ, để cho đúng theo địa điểm hiện tại”.
Tiện đây nói thêm, cụ Tu Trai Nguyễn Tạo là người làng Xuân Phổ, huyện Chương Nghĩa, nay thuộc xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, đỗ cử nhân khoa Mậu Ngọ, niên hiệu Khải Định thứ 3 (1918) - khoa thi Hương cuối cùng của nền nho học Việt Nam. Cụ Nguyễn Tạo học vấn uyên thâm và rất có uy tín trong giới văn bút miền Nam, là dịch giả hoặc đồng dịch giả các bộ sách Đại Nam nhất thống chí, Gia Định thành thông chí... xuất bản từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước.
Huyện Bình Sơn thời nhà Nguyễn (trước 1899) là huyện Trì Bình thời nhà Hồ, Bình Dương thời nhà Lê. Năm Thành Thái thứ 11 (1899) huyện Sơn Tịnh được thành lập từ 54 xã phía nam huyện Bình Sơn (cũ) tiếp giáp mạn bắc sông Trà Khúc và một số làng ở vùng thấp châu Sơn Tịnh. Địa giới, địa danh 2 huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh từ năm 1899 đến nay không thay đổi nhiều.
Từ Vu Sơn nhìn về Viên Sơn. |
Sách Đại Nam nhất thống chí cơ bản hoàn thành năm 1882 (thời vua Tự Đức), đến năm 1889, thời vua Thành Thái, thì được Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xán thác mệnh vua trùng san, rồi khắc in đầu thế kỷ XX, dưới triều Duy Tân. Vào thời kỳ trùng san bộ sách, núi Vu Sơn còn nằm trong huyện Bình Sơn, nhưng sau đó đã thuộc huyện Sơn Tịnh, khi huyện nầy được thành lập. Khác biệt khiến người đời sau có thể hiểu lầm là vì vậy.
Quả thật, Vu sơn là núi chủ, “Tổ sơn” của đất Sơn Tịnh. Từ đây, chạy về đông, nằm dọc theo bờ bắc sông Trà Khúc là núi Tròn (Viên sơn), núi Nhàn, núi Khỉ (núi Bìn Nin). Xa hơn là núi Sứa, núi Đầu Rồng (Long Đầu), núi Hó (Thiên Ấn), núi Đầu Voi (Tượng Sơn), núi Thiên Mã... Hơi chếch sang phía bắc, theo hướng Ba Làng An là núi Nón, núi Ngang, núi Đất, núi Võ, núi Trà Sơn... Ngoảnh về phía trời tây là trùng điệp núi non, lô nhô mây trắng với Hà Neng, Vá Rẫy, AZin, Măng Xinh, Trà Rút, Cà Đăm, Răng Cưa... Phía bên kia dòng nước quanh co, uốn lượn của con sông Trà Khúc là núi Chúa, núi Đình Cương, núi Giàng, núi Đá Vách, núi Cao Muôn...
Núi Hòn Dầu, vốn là nơi cây rừng rậm rạp, muông thú làm chỗ náu mình. Sườn phía tây bắc có trảng cỏ khá rộng, phía dưới là khe nước nhỏ. Các loài móng guốc như hươu, nai, cheo kết thành bầy ăn cỏ và lộc non. Những đêm trăng sáng, đàn nai quần tụ nô đùa, dưới chân núi thấp thoáng mấy bóng tiều phu về muộn. Cảnh trí nên thơ tựa như bức tranh sơn thủy mà sứ thần Bùi Quỹ (1795 -1861) phóng bút trên đường đi sứ sang Yên Kinh (Trung Quốc) năm Mậu Thân – 1848, về sau khắc in trong sách Yên Đài anh thoại:
Này hươu nai nhởn nhơ bên suối
Này tiều phu dưới núi mấy người...
Bây giờ mà đi khắp núi rừng Quảng Ngãi chắc chi đã tìm thấy được vài con nai ngơ ngác, nói gì đến một đỉnh núi Hòn Dầu. Vu Sơn lộc trường chỉ còn nghe kể trong sách vở. Như chuyện đời xưa; như “giấc mơ trưa”...
Bến Đá, tháng 5/2012
Lê Hồng Khánh
Đón đọc kỳ tới: Thạch Ky điếu tẩu.