(QNĐT)- La Hà được ông quan - thi sỹ Nguyễn Cư Trinh tặng cho mỹ tự La Hà thạch trận (Trận đá La Hà) và xem là một trong mười cảnh đẹp nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đá xây thành quách trận đồ
Đường quanh co chắn sông hồ địa dư
Chuyện xưa chưa rõ thực hư
La Hà thạch trận “Thái hư trận đồ”.
Phạm Cung – La Hà thạch trận
La Hà là tên một quần thể 4 ngọn núi nằm trên địa bàn thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, gồm núi Cao Cổ, núi Đá Chẻ, núi Voi và núi Hùm.
Núi Đá Chẻ |
Núi Cao Cổ cao chừng 40 mét so với mặt nước biển. Trên đỉnh núi có 4 tảng đá to, hao hao hình người, nhưng phần “cổ” lại cao hơn bình thường, nên gọi tên núi Cao Cổ. Thấp hơn núi Cao Cổ là núi Đá Chẻ với những tảng đá xanh chông chênh trên sườn núi phía đông. Ở đây có nhiều khối đá dựng đứng, sóng đôi. Nhìn gần, tựa như tạo hóa dùng chiếc rìu vạn năng chẻ đôi khối cự thạch thuở khai thiên lập địa. Nhìn xa, lại giống hai người khổng lồ trong thần thoại đang đối mặt bàn chuyện lấp bể vá trời. Khi gõ vào những tảng đá nầy, một dòng “âm thanh đá” sẽ phát ra, ngân nga, kỳ diệu.
Núi Voi (Tượng sơn), cao chừng 50 mét với những khối đá lớn tựa hình voi trận, hùng dũng, hiên ngang. Núi Hùm (Báo sơn) cao 30 mét, có một khối đá cao chừng 6 mét, người dân quanh vùng gọi tên là “Đá ông Hùm”. Trong quần thể 4 ngọn núi ấy, theo trục Nam Bắc, núi Đá Chẻ nằm ở phía Nam (cung Ly trong Bát quái đồ), chếch sang Đông (cung Chấn) là núi Cao Cổ, nghiêng bên Tây (cung Đoài) là núi Hùm, xa về hướng Bắc (cung Khảm) là núi Voi. Bởi thế mới có thơ:
Tượng quân lẫm liệt vây cung khảm
Hổ tướng oai phong trấn hướng đoài.
Chiêu Phương – Quảng Ngãi thập cảnh
Đứng trên ngọn núi Cao Cổ, nhìn một vòng quanh chân núi, rồi trải rộng tầm mắt từ La Hà đến Điện An, du khách sẽ thấy lớp lớp những khối đá lô nhô, cao thấp, dưới đồng ruộng, trên sườn đồi, tựa một đoàn quân đang xếp trận đồ theo binh pháp của người xưa. Có đội tượng binh hùng dũng từ phía núi Voi sẵn sàng nghênh chiến. Có ông Hổ ngồi ở núi Hùm toạ sơn quan chiêm thế trận. Khi có gió mạnh thổi lên, tiếng cây cối ầm ào lẫn trong tiếng gió rít luồn qua khe đá, ngỡ có ngàn quân reo ngựa hý, vừa hùng dũng, vừa bi tráng như thể đang diễn ra một trận thư hùng kinh thiên động địa giữa những kỳ nhân, thiên tướng trong thuyện Phong thần.
La Hà được ông quan - thi sỹ Nguyễn Cư Trinh tặng cho mỹ tự La Hà thạch trận (Trận đá La Hà) và xem là một trong mười cảnh đẹp nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi.
Sách Quảng Ngãi nhất thống chí của Tiến sỹ Lê Ngãi viết về ngọn núi nầy như sau: “Núi La Hà: ở phía đông bắc, cách huyện trị [Chương Nghĩa] 2 dặm, tục gọi núi Beo. Núi có 3 ngọn, một ngọn ở phía tây đường quan báo. Đá to rải rác, hoặc đứng hoặc ngã, hình như hùm ngồi, gọi là núi Hùm. Một ngọn ở phía đông đường, có những tảng đá cao và to, hình như voi phục nên gọi là núi Voi. Lại thêm một ngọn ở phía đông đường, đá to sừng sững, như hình hai người đứng đối nhau. Đá đứng chùm, từ La Hà đến Điện An đều như thế cả. Đá mọc rải rác dưới ruộng, chỗ vài ba tảng, chỗ có rất nhiều tảng, coi như ngàn binh vạn ngựa đứng tập họp. Mười cảnh đẹp ở tỉnh Quảng Ngãi, một là Trận đá La Hà, tức là núi nầy”.
Quảng Ngãi nhất thống chí (Lê Ngãi), Quảng Ngãi tỉnh chí (Nguyễn Bá Trác chủ trương), cũng như Non nước xứ Quảng (Phạm Trung Việt) và Địa chí tỉnh Quảng Ngãi sau nầy đều chép La Hà “có 3 ngọn núi” vì các tác giả gộp chung núi Cao Cổ và núi Đá Chẻ làm một, do sơn mạch liền nhau.
Trong 4 ngọn núi ấy, nay chỉ còn lại núi Hùm là tương đối nguyên vẹn. Nạn khai thác đá thiếu kiểm soát đã khiến 3 ngọn núi kia biến dạng rất nhiều. Hơn nữa, sự phát triển của thị trấn La Hà cũng làm cho cảnh quan chung khó lòng giữ được vẻ trầm hùng, u tịch.
Tái tạo La Hà thạch trận bằng bonsai của nghệ nhân Tô Hiển. |
Vẫn biết “Thương hải biến vi tang điền” là chuyện của máy tạo cơ trời, nhưng khi nhẩm lại mấy câu ca dân gian của người bình dân Tư Nghĩa, dẫu là dạ đá cũng thấy mủi lòng:
La Hà thạch trận là đây
Bốn phương tám hướng đá xây trận đồ
Ai vô Tư Nghĩa thì vô
Dừng chân ngắm cảnh trận đồ đá xây.
Lê Hồng Khánh
Đón đọc kỳ tới: Thạch Bích tà dương