Mười hai thắng cảnh Quảng Ngãi:
Thiên Bút phê vân

02:03, 25/03/2012
.

(QNĐT)- Từ đỉnh Thiên Ấn, phóng tầm mắt vượt qua dòng sông Trà Khúc, xa về phía nam là núi Thiên Bút (núi Bút), tọa lạc tại địa phận phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN


Sách Quảng Ngãi nhất thống chí do ông Lê Ngãi (đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân năm Tân Sửu 1901) biên soạn, phần về các ngọn núi ở huyện Chương Nghĩa (nay là thành phố Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa) có đoạn: “Núi Thiên Bút ở phía đông bắc, cách huyện trị chừng 4 dặm [...] Phía tây mạn núi ấy có Đàn Sơn Xuyên, là cái nền để tế cáo thần núi, thần sông. Mười cảnh đẹp của tỉnh Quảng Ngãi có một cảnh là Bút trời phê vào mây tức là trái núi nầy”.

Núi Thiên Bút
Núi Thiên Bút


Chỉ cao hơn 60 mét so với mặt nước biển, nhưng Thiên Bút có hình dáng cân đối, đỉnh núi thoai thoải vươn lên trời cao, từ cánh đồng Ngọc Áng ở phía đông nhìn lên, tựa như ngòi bút của đấng vô biên. Có những hoàng hôn kỳ thú, sườn núi chầm chậm khuất dần trong sương chiều, mây lam vấn vương trên đỉnh núi, ánh hồi quang từ phía trời tây bịn rịn dấu ngày. Cảnh tượng đất trời phóng khoáng, sơn thủy liên tình gợi lên hình ảnh bút trời phê vào mây gió. Bởi vậy cổ nhân mới đặt cho mỹ tự Thiên Bút phê vân (Bút trời vẽ mây).

Từ đỉnh núi trông ra bốn hướng  mới thấy vị trí đắc địa của Thiên Bút trong tổng thể cảnh quan vùng hạ du sông Trà Khúc và sông Vệ. Phía bắc là dòng nước Trà Giang quanh co uốn lượn, núi  Sứa, núi Long Đầu, núi Thiên Ấn, núi Đầu Voi, núi Thiên Mã hình thành vòng cung núi đồi, nhấp nhô giữa bao la màu xanh ruộng đồng, làng mạc. Phía nam là sông Bàu Giang, sông Cây Bứa, sông Vệ hòa điệu cùng La Hà thạch trận, Cổ Lũy cô thôn. Ngút trời tây là Trường Sơn mây bạc, ngoảnh về đông là của Đại mênh mang.

Các bậc cao niên trong vùng kể rằng trên đỉnh núi trước đây còn lờ mờ dấu vết một phế tháp của người Chăm. Câu trả lời vẫn còn đợi từ các nhà khảo cổ, song đây là một gợi ý đáng được lưu tâm. Người Chăm thường chọn những ngọn đồi thoáng đãng, nổi lên giữa một vùng bình địa để xây linh tháp.

Các phế tích tháp Chăm trên đất Quảng Ngãi như Gò Phố, Khánh Vân (Sơn Tịnh), Hành Thịnh (Nghĩa Hành), An Tập (Tư Nghĩa)... đều được thiết dựng theo mô hình nầy. Núi Thiên Bút nổi lên giữa một vùng ruộng đồng thoáng đãng gợi bóng dáng đỉnh mênu huyền thoại, quả là nơi lý tưởng để xây ngọn tháp thờ thần Xiva, vị thần chủ trong tín ngưỡng của dân Chăm.

Thiên Bút tự.
Thiên Bút tự.


Bên phía sườn nam Thiên Bút là một quả đồi thấp, tựa hình nghiên mực nên được gọi hòn Nghiên. Ngày trước quan Thượng thư trí sỹ Nguyễn Hữu Chuyên có xây lên đó một ngôi chùa, đặt tên Quy Sơn tự, ý rằng nơi đây là chốn để con người tìm về với bản thể chân nguyên, hòa đồng cùng thiên nhiên trời đất. Quy Sơn tự đã bị hư hại và mất hết dấu tích từ lâu. Ngôi chùa hiện nay, nằm dưới chân núi phía tây bắc là Thiên Bút tự, thuộc hệ phái Phật giáo Cổ Sơn môn.

Cũng về phía tây, đường Thiên lý chạy gần chân núi, nơi đây ngày xưa có một quán nhỏ bên đường, tên gọi quán Đàng. Cô gái quê nào đó đã mượn núi Bút, quán Đàng tỏ tấc lòng với người mình thương rồi để lại câu ca dao đong đầy duyên nợ:



Ngó lên núi Bút, quán Đàng
Núi bao nhiêu đá dạ thương chàng bấy nhiêu.



Các nhà nho ngày trước quan niệm Thiên Bút là biểu tượng trưng cho học phong, văn mạch của vùng đất Quảng Ngãi. Đền Văn Thánh (Văn miếu Quảng Ngãi), dẫu nằm tận bên bờ bắc sông Trà Khúc vẫn chọn núi Thiên Bút làm tiền án.

Thiên Bút còn là ngọn núi gắn với nhiều truyền thuyết, giai thoại. Câu chuyện cảm động Cây quế thần và người phu xe nghèo nhắc đến cây quế bí ẩn đâu đó trên đỉnh Thiên Bút. Người dân quanh vùng kể rằng nhiều đêm thanh vắng, hốt nhiên mùi hương quế thoang thoảng lan ra giữa thinh không, nhưng khi ai nấy ra công đi tìm thì chẳng thấy đâu hình cây, bóng lá. Có người phu xe nghèo khó sống dưới chân núi được thần linh ban cho chiếc lá quế vàng đem về làm thuốc, chữa căn bệnh hiểm nghèo của bà mẹ già.

Chuyện ma Tây lại liên quan đến  một người Pháp. Số là, vào tháng chạp năm 1894, dân Quảng Ngãi nổi lên phá đồn thương chánh Cổ Lũy, giết chết viên quan thu thuế  Regnard. Xác ông Tây thực dân xấu số sau đó được chôn dưới chân núi Bút. Ít lâu sau, người dân quanh vùng kháo nhau về một con “ma Tây”  những đêm khoảnh vắng  thường bất ngờ hiện ra hù dọa phàm nhân.

Có người học trò, quê ở một huyện phía bắc tỉnh thành, trên đường vào Bình Định dự kỳ thi Hương, dừng chân bên quán Đàng uống bát nước chè xanh, vô tình nghe đầu đuôi câu chuyện. Chờ khi khách vãn, anh ta nhờ cô chủ quán mua giúp nậm rượu với mấy nén hương rồi mang ra mộ Regnard làm một lễ tế đơn sơ.

Lời bài văn tế ứng khẩu của người học trò khuyên hồn ma ông Tây mau tìm đường về xứ sở, đừng dằng dai thêm ở xứ An nam, vốn chẳng ưa gì bọn mắt xanh mũi lỏ quen thói hà hiếp dân lành. Nhược bằng chẳng chịu nghe lời, có ngày bị sơn thần, thổ địa quở phạt, đày xuống địa ngục chín tầng thì ăn năn đến mấy cũng không còn kịp. Quả nhiên từ đó, con “ma Tây” chẳng còn hiện ra dọa người lần nào nữa.

Dân gian còn truyền tụng, cứ mỗi dịp “bút trời vẽ mây” là một lần hóa công giáng điềm thiên khải, nhân thế rồi sẽ có chuyện cát tường. Lời qua cửa miệng chẳng ai làm chứng để rõ thực hư, nhưng lại khiến trí tưởng tượng phong phú của tao nhân mặc khách tha hồ mà dệt những vần thơ quyến rũ lòng người.

Cây mít nài cổ thụ trên đỉnh Thiên Bút.
Cây mít nài cổ thụ trên đỉnh Thiên Bút.


Kể cũng lạ, nằm giữa phố phường mà đỉnh Thiên Bút lại hoang vu, heo hút, gai góc phủ đầy những lối mòn.  Đàn Sơn Xuyên, Quy Sơn tự, tháp Chăm chẳng thấy đâu dấu vết. Cây mít nài cổ thụ đứng một mình trơ vơ với mây trời, gió núi chẳng biết đã có lần nào hội ngộ với bóng quế thần mầu nhiệm đầu non?

                       
                                                                          Lê Hồng Khánh


Đón đọc kỳ tới: An Hải sa bàn.

 


CÁC TIN KHÁC
.