Sông Kinh êm đềm

02:01, 06/01/2012
.

(QNg)- Sông Kinh hay Kinh Giang dài khoảng hơn bảy cây số, chảy qua xã Tịnh Khê đến vùng giáp ranh Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh), nối thông cửa Đại Cổ Lũy với cửa Sa Kỳ. Địa hình sông nước, xóm làng đã tạo cho dòng sông một vẻ đẹp trữ tình.

TIN LIÊN QUAN


Sông Kinh được tô đẹp bởi dừa nước mọc thành rừng, rồi dừa ăn trái cao vút của nhiều khu vườn ven sông thả xuống dòng nước những bóng lá yên bình. Vô số thực vật vùng nước lợ xanh tốt um tùm trải dọc hai bờ, nhiều chỗ phát triển thành đám rộng. Từ trên cao nhìn xuống, sông Kinh như dải lụa xanh mềm mại hợp với hai cửa biển chia mảnh đất ven biển thành một rẻo phía đông. Đó là cồn bãi dọc theo biển, một phần của xã Tịnh Khê và cả xã Tịnh Kỳ. Che phủ bãi cát bởi rừng dương liễu dài đến mấy cây số, bốn mùa xanh ngắt. Phía tây dải lụa sông ấy, những xóm làng trù phú của hai thôn Trường Định và Mỹ Lại.

Sông Kinh.
Sông Kinh.


Chạy về cuối thôn Mỹ Lại hiển hiện lên bóng dáng ruộng đồng và ao đầm nhỏ với một số loại cây sống vùng nước mặn. Hệ sinh thái ven sông nay vẫn còn đẹp vẻ nguyên sơ. Sông Kinh ra biển qua cửa Lở và cửa Sa Kỳ. Ngày trước, cửa Lở có chế độ đóng mở tự nhiên. Vào mùa nắng do tác động của gió nồm, thủy lưu và sóng đẩy cát lấp cạn cửa. Gặp năm lụt to, nước lũ tràn về tạo áp lực lớn làm mở toang cửa biển, rồi sau đó tự lấp kín nhiều năm. Chuyện trời mở cửa biển để rút nước lũ cứu xóm làng từng lưu truyền nhiều đời trong dân gian là thế đó. Nay cửa Lở hầu như không còn nữa, cát đã bồi lấp thành dải đất liền xuống xã Tịnh Kỳ. Mặc cho bao đổi thay năm tháng, sông Kinh vẫn cần mẫn chia nước Trà Giang về cửa Sa Kỳ làm thành mối giao thông thân thiện.


Tuy không dài lắm nhưng sông Kinh từ xưa đã có vai trò huyết mạch đối với cuộc sống quanh vùng. Mùa biển động, cửa Đại sóng to gió lớn dễ gây nguy hiểm, sông Kinh giúp tàu thuyền cập bến neo đậu trú bão hay lưu thông từ cửa Sa Kỳ qua phía sông Trà. Sông từng giúp cư dân ven biển Sơn Tịnh giáp Bình Sơn dong thuyền vào sông Trà, rồi ngược dòng đến  thượng nguồn để giao thương kinh tế, "mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên". Kinh Giang ngày ấy còn là tuyến đường thủy buôn bán, trao đổi nông, ngư sản, thương phẩm từ Vạn Thu Xà, Phú Thọ đến cửa Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn hay nhiều nơi xa hơn nữa. Cả một vùng quê ngay trong mùa biển động vẫn có thể khai thác đường thủy, là giá trị tiện ích của sông Kinh từ xưa cho đến bây giờ.  

Sông Kinh đẹp nhất có lẽ vào độ hoàng hôn hay đêm trăng. Khi ánh nắng cuối ngày phủ lên cây cối hai bờ một màu vàng lụa tươi, cũng là lúc những chiếc thuyền nổ máy khoan thai xuôi về phía cửa Sa Kỳ. Thuyền mỗi lúc một đi xa để lại người đứng trên cầu lòng miên man nghĩ về sông nước. Sông Kinh đem lại cho khu du lịch Mỹ Khê một nét chấm phá độc đáo mà không nhiều nơi có được. Sông còn là nơi cung cấp những món ăn ngon vùng nước lợ như cá đối, cua, lịch, don,… Nếu có dịp vào những đêm trăng, du khách ngồi trên thuyền chạy chầm chậm nhìn ánh vàng loang vỡ rồi quyện vào đôi bờ tĩnh mịch, chính là lúc dòng sông đẹp lung linh!


Bùi Văn Tạo

 


CÁC TIN KHÁC
.