TRẦN ĐĂNG
(QNĐT)- Ông Nguyễn Xuân Viên, cựu tù chính trị, nguyên Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử Côn Đảo nói: “Những cây bàng cả trăm năm tuổi ở Côn Đảo là một phần lịch sử đấu tranh cách mạng của hàng nghìn người tù trong nhà lao đế quốc. Người dân Côn Đảo coi đó như những bức tượng sống, vì vậy, giữ những cây bàng nơi đây cũng là lưu lại trong lòng mình một thời đau thương và anh dũng của cả dân tộc”. Cùng với những cây bàng trăm tuổi, một vườn tượng cũng vừa mọc lên, thật ấn tượng.
* Cây
Đặt chân đến Côn Đảo, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt du khách là những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn phủ kín những ngọn núi điệp trùng dọc dài khắp đảo. Nhưng có lẽ, ấn tượng đầu tiên ấy sẽ bị xóa đi khi tận mắt nhìn những hàng cây bàng sù sì nằm dọc theo các tuyến phố cổ.
Hàng bàng bên hông nhà “chúa đảo”. Ảnh: T.Đ |
Có phải vì khí hậu nơi đây thích hợp với loài cây này để chúng trường tồn với thời gian hay vì những cây bàng ấy buộc phải vĩnh cửu để nói với hậu thế về những gì mà mình chứng kiến suốt 113 năm kể từ khi người Pháp đặt những viên gạch đầu tiên để hình thành “địa ngục trần gian” này? Có lẽ cả hai.
Ban Quản lý di tích lịch sử Côn Đảo tỏ ra thận trọng khi ứng xử với những “tàn dư” mà chính quyền thực dân và đế quốc để lại, đặc biệt là những ngôi nhà mang dấu ấn kiến trúc của Pháp. Các dãy nhà giam vẫn giữ nguyên hiện trạng là điều đương nhiên, một số ngôi nhà cổ, từ trụ sở làm việc của “chúa đảo” đến những ngôi nhà của đám “gia nhân” đều không thay đổi dù bây giờ, nhiều ngôi nhà trong số đó được cấp cho cán bộ.
Những hàng cây bàng trăm tuổi cũng thuộc diện được “bảo vệ” tuyệt đối như số nhà cổ. Có lẽ vì thế mà nhiều tuyến đường ở Côn Đảo được mở rộng nhưng tuyệt nhiên, không một ai dám đụng đến những cây bàng cổ thụ. Những hàng cây ấy từng “đón” những chiến sĩ cách mạng từ đất liền bị đày ra Côn Đảo và cũng từ những góc phố này từng diễn ra những cuộc chia ly đẫm máu để tiễn những người tù ra nghĩa trang Hàng Dương.
Và tượng
Từ ngày 15/3 đến 30/4/2010, Hội Mỹ thuật Việt Nam mở trại sáng tác tại Côn Đảo. Tham dự trại là những nhà điêu khắc từ khắp nơi trong cả nước. Sau khi gửi các phác thảo về ban tổ chức, 30 trại viên được chọn để có mặt tại Côn Đảo. Có thể nói, đây là một “sáng ý” của các nhà tổ chức, vì những tác phẩm mà các điêu khắc gia gửi lại Côn Đảo đã tôn thêm vẻ bi hùng cho mảnh đất này. Bây giờ đi đến đâu trên đất nước Việt Nam cũng dễ dàng bắt gặp những tượng đài “cầm súng, cầm gươm xông tới” nhưng ở Côn Đảo thì không!
“Bất khuất” của Dương Đình Chiến. Ảnh: T.Đ |
Ngay cả chủ đề “Bất khuất và phát triển” mà ban tổ chức đặt tên cho trại sáng tác này cũng được các nhà điều khắc làm “mềm mại” đi. Dọc tuyến đường ven biển, một loạt công viên đầy hoa giờ được tôn thêm vẻ đẹp vừa bi tráng nhưng cũng rất đỗi nên thơ nhờ vào 33 bức tượng bằng đá này.
Nhà điêu khắc Bùi Nam, thành viên của trại sáng tác cho biết: “Tôi từng đi dự khá nhiều trại sáng tác nhưng có thể nói được di dự trại sáng tác ở Côn Đảo như là một dịp may mắn cho các nhà điêu khắc. Vì vậy, hầu như ai cũng dồn hết tâm lực của mình vào tác phẩm”. Trong 33 bức tượng “Bất khuất và phát triển”, nhiều tên tuổi trong giới điêu khắc như Lê Liên, Phạm Hồng, Dương Đình Chiến, Ca Lê Thắng... cũng góp mặt và để dấu ấn tại đây.
“Tương lai” của Bùi Nam. Ảnh: T.Đ |
Người xem đã gặp lại một “vết thương” của Côn Đảo năm xưa nhưng cũng nhận ra một chân trời khoáng đạt của hôm nay khi dạo qua vườn tượng này.
Côn Đảo không chỉ lưu lại trong lòng du khách bằng những hình ảnh và hiện vật từ các trại giam người tù mà sẽ còn “níu chân” mọi người bằng những cây bàng trăm tuổi cùng một vườn tượng thật ấn tượng được chế tác từ 180 mét khối đá sau 45 ngày gò đẽo của 30 nhà điêu khắc từ khắp nơi trong nước.