(QNg)- Sông Re là một trong những thượng nguồn quan trọng của sông Trà Khúc, chảy qua các xã miền tây huyện Ba Tơ rồi vào huyện Sơn Hà. Suốt chiều dài hơn 70 cây số sông làm nên những nét văn hoá riêng của vùng đất một thời nổi tiếng rừng thiêng.
Khu tam giác giữa ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Gia Lai sở hữu một một vùng núi rộng lớn, rừng nguyên sinh đa thực vật với nhiều gỗ và thú quí hiếm. Trong ấy có hang Dơi, nơi hàng vạn con dơi sinh sống với một trữ lượng phân rất lớn chưa được khai thác. Vùng núi này tạo nguồn nước, một đổ về sông Côn, Bình Định, một chảy về xã Ba Xa (Ba Tơ) tạo nên thác Đăklay.
Thác Đăklay là đầu nguồn của sông Re, thuộc thôn Gọi Re. Thác ở độ cao khoảng ba trăm mét đổ nước theo vách đứng giống như rót ra từ miệng chai. Thác cách thị tứ Ba Vì khoảng 25 km, những ngày trời trong từ khá xa người ta vẫn quan sát được dòng thác dài như dải lụa mềm mại trắng xoá. Từ đây sông chảy qua các xã Ba Xa, Ba Vì, Ba Tiêu, Ba Ngạc (Ba Tơ); Sơn Ba, Sơn Kỳ, Sơn Thuỷ, Sơn Hải (Sơn Hà). Trong địa phận Ba Tơ, sông Re dài khoảng 40 km, chảy theo hướng nam bắc. Sông Re đẹp bởi địa hình quanh co, ghềnh thác. Từ trên cao nhìn xuống, sông Re gấp khúc mà mềm mại đến sinh động. Sông ôm ấp núi đồi, lượn qua những thung lũng có bóng dáng của lúa vàng, len vào vực sâu, rồi lại thoát ra để gặp gỡ bản làng. Sông có nhiều bãi đá đẹp, có những bãi toàn đá tròn, có những bãi toàn đá tảng do nước bào mòn xâm thực tạo nên hang hóc đủ hình đủ dạng, đẹp mắt. Mùa nắng, khi nước sông trong veo chảy dưới lòng là lúc những bãi đá hai bờ có dịp phơi mình khoe cảnh.
Đến với sông Re ngày nay, suốt chiều dài sông chảy qua một số xã của hai huyện Ba Tơ và Sơn Hà đây đó những buôn làng đông vui. Nhà sàn của đồng bào Hrê được xây cất kiên cố, mái đa phần lợp ngói. Hai bờ sông Re không còn nhiều rừng nguyên sinh, mà là rừng trồng, rừng thứ sinh. Dựa vào thế núi quanh co, đồng bào dân tộc thiểu số đã đắp những bờ đá ngăn dòng, đưa nước về những cánh đồng nhỏ giúp nghề trồng lúa nước vùng cao phát triển. Tuy địa hình dốc, nhưng đôi bờ sông cũng có nhiều bãi bồi, nơi đây người ta trồng mía, dưa, đậu là nguồn kinh tế góp phần phát triển đời sống miền ngược khu vực ven sông. Sông Re còn nổi tiếng có cá niên sống nơi ghềnh thác nước, một món ăn đặc sản được nhiều nơi biết đến.
Nay hoang vắng thời xa xưa của sông Re không còn nữa, thay vào đó nhiều chiếc cầu treo, cầu tràn, cầu vượt lũ tạo lưu thông thuận lợi đôi bờ. Mùa lũ lụt trẻ con vẫn có thể đến trường học được. Sông gắn bó với đời sống đồng bào dân tộc Hrê, với tiếng chiêng, điệu múa hội mùa, với làn điệu Ta-lêu, Ca-choi, với những cuộc tình đẹp bên bờ suối trong... Trong tình cảm và nỗi nhớ, sông Re luôn là câu hát gọi người về!
Bùi Văn Tạo