Hồi sinh thổ cẩm làng Teng

10:03, 14/03/2011
.

Làng Teng, xã Ba Thành, Ba Tơ, Quảng Ngãi có khoảng 200 hộ. Từ bao đời nay, ngôi làng này nổi tiếng về dệt thổ cẩm. Sản phẩm của làng bán sang cả Kon Tum, Bình Định.
 
Già Phạm Thị Nhĩ (75 tuổi), nghệ nhân của làng, kể: “Khi tao còn nhỏ, cứ sau khi những đám lúa trên nương được mang về nhà thì đàn bà, con gái trong làng lại bắt tay vào dệt váy (katu) (váy), khố (kapen), khăn đội đầu (mul), tấm địu con (katănh), dây đeo (sipăh) và cả mền để đắp (veixan)...”.
 
Hồi đó nguyên liệu để dệt thổ cẩm là vỏ cây, hoặc cây bông kéo thành sợi, chứ không phải bằng các loại chỉ, sợi bán sẵn ở chợ như bây giờ. Đối với người H’re thì màu được thể hiện nhiều nhất trên thổ cẩm là đỏ và đen.
 
Ngày càng nhiều gia đình ở làng Teng tham gia vào dệt thổ cẩm.
Ngày càng nhiều gia đình ở làng Teng tham gia vào dệt thổ cẩm. Ảnh: Internet
 
Các họa tiết hoa văn của người H’re bình dị, không phô trương rực rỡ, tuy nhiên đa dạng và phong phú. Hình ảnh trên các sản phẩm thổ cẩm là cảnh núi rừng, sông suối, trời mây, nương rẫy... Những hoa văn đó được thể hiện ở dạng hình quả trám, hình chữ nhật, hình thoi… tiếp nối nhau, tạo nên đường thẳng, hay lượn sóng.
 
Sự độc đáo của hoa văn trên thổ cẩm làng Teng còn ở chỗ nó được dệt cài, chứ không phải là những đường thêu bằng chỉ màu trên nền vải như vẫn thường thấy. Để dệt một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh, tuỳ theo từng loại và kích thước mà thời gian một tuần, hoặc cả tháng mới xong.
 
Một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân làm nghề dệt của làng Teng mai một. Trước nguy cơ làng nghề truyền thống có thể bị “xoá sổ”, năm 2009, Trung tâm Dạy nghề thanh niên (Tỉnh đoàn Quảng Ngãi) đã tổ chức lớp dạy nghề tại làng, do 30 nghệ nhân trong làng giảng dạy, với sự tham gia của 150 thiếu nữ H’re ở 5 xã (Ba Thành, Ba Liên, Ba Tô, Ba Ngạc và Ba Trang). Sau 3 tháng học nghề, đến nay các học viên đã là những người thợ thành thạo và đang dệt tại nhà.
 
Bà Phạm Thị Ngọc Kim- Giám đốc Trung tâm, nhận xét: “Lớp trẻ có nhiều sáng tạo, biết phối hợp nhiều gam màu để sản phẩm trở nên rực rỡ, phong phú và đa dạng hơn”. Chị Phạm Thị Chi, một trong số học viên đợt đầu tiên, khoe: “Tranh thủ những lúc không đi lên nương, tôi ở nhà dệt, mỗi tháng cũng được 800.000-1.000.000 đồng.
 
Chị Phạm Thị Gam (24 tuổi) không giấu giếm: Ngoài việc vừa dệt, vừa dạy lại cho các thiếu nữ khác trong làng, mình còn mua sản phẩm của bà con bán lại cho các cửa hàng ở Đà Nẵng, Hà Nội...
 
Nhờ vậy cũng kiếm được 3-4 triệu đồng/tháng. Thổ cẩm làng Teng hồi sinh, không chỉ giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập, mà còn góp phần giữ gìn làng nghề truyền thống.
 
Theo Dân Việt

CÁC TIN KHÁC
.