“Người thuyết minh” ở mộ cụ Huỳnh

09:02, 17/02/2011
.

(QNĐT)- 3 tháng nay, nhiều người đến viếng mộ cụ Huỳnh trên núi Thiên Ấn (Sơn Tịnh) không khỏi ngạc nhiên khi gặp một cụ già râu tóc bạc phơ vừa nhổ cỏ, quét dọn khuôn viên mộ cụ Huỳnh, miệng vừa ngân nga những câu hát bài chòi. Khi có khách đến viếng mộ, ông lại đảm nhiệm việc “thuyết minh” về cuộc đời và sự nghiệp của chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.

Tên ông Nguyễn Tạo (77 tuổi) ở thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh). Dù đã bước vào tuổi gần đất xa trời nhưng với tấm lòng “hiếu nghĩa” dành cho chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, hằng ngày ông tình nguyện đến phụ giúp người quản mộ quét dọn, hương khói, hơn nữa là làm nhiệm vụ “thuyết minh” mỗi khi có khách đến thăm viếng.

Ông Nguyễn Tạo sinh ra và lớn lên tại thôn Thống Nhất trong một gia đình bần nông. Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, những khó khăn, vất vả của thời kì đất nước đổi mới, vợ chồng ông luôn thấu hiểu giá trị của hạnh phúc. Bởi vậy, dù sống trong cảnh nghèo khó nhưng ông bà vẫn chăm lo cho con cái được học hành tử tế. Hiện bốn trong số năm người con của ông bà đã yên bề gia thất, trong số đó có ba người đang công tác trong các cơ quan nhà nước.
 
Ông Tạo thuyết minh cho những đứa trẻ
Mỗi khi có du khách đến viếng, là lúc ông Tạo vui nhất vì được thuyết minh cho mọi người biết được cuộc đời và sự nghiệp của cụ Huỳnh.

Những tưởng cuộc đời cụ đã qua bao năm lăn lộn vất vả, giờ con cháu đã đề huề, cụ sẽ nghỉ ngơi lo cho tuổi già nhưng vẫn tình nguyện làm việc này bằng tấm lòng “hiếu nghĩa”,  lòng nhiệt tình và sự ngưỡng mộ đối với cụ Huỳnh. “Tôi chỉ mong muốn tuổi già của mình còn có ích cho xã hội. Các con tôi về sau cũng hiểu được ý nguyện của tôi. Đấy mới là những điều khiến tôi tình nguyện đến trông nom và thuyết minh tại mộ cụ Huỳnh” - ông Tạo tâm sự

Thế là, hằng ngày, cứ tầm 7giờ 30 phút sáng, sau khi ăn sáng, ông Tạo lại mặc chiếc áo bộ đội sờn cũ, đầu đội mũ cối. Hành trang ông mang theo là chiếc túi màu xanh đậm bên trong đựng chiếc võng, chai nước lọc dung tích 1,5 lít, vài chiếc bánh ngọt, cây bút bi cùng những bài thơ viết về cụ Huỳnh. Chiếc xe đạp cà tàng đưa ông từ từ rời nhà để lên mộ cụ Huỳnh.

Ông Tạo bộc bạch: “Già rồi ở nhà biết làm gì đâu? Nhiều đạo hữu chọn cửa Phật là nơi đến giúp việc vào những thời gian rảnh rỗi, nhưng tôi nghĩ cụ Huỳnh là biểu tượng của truyền thống anh hùng trong công cuộc giữ nước, mộ cụ là di tích lịch sử của nước nhà nên mình bỏ tí công lao ít ỏi để chăm sóc cho mộ cụ thì có  đáng gì đâu. Nhờ những con người như cụ, chúng ta mới có được độc lập, tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay”.
 
gg
Khi hết khách, ông lại đong đưa trên chiếc võng.

Những ngày đầu năm mới, cùng với cảnh chen lấn đi lễ Phật tại chùa Thiên Ấn, thì mộ cụ Huỳnh cũng có rất đông khách thập phương đến viếng. Đây cũng là thời điểm ông Tạo vui nhất vì được mang những hiểu biết về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Huỳnh “thuyết minh” cho nhiều người nghe. Dưới cái nắng gắt của những ngày đầu xuân, ấy vậy mà mỗi khi có khách đến viếng ông vẫn say sưa thực hiện công việc thầm lặng của mình.

Ông chia sẻ: “Nhiều người cho tôi là dở hơi nhưng tôi nghĩ mình đã làm được một việc ý nghĩa. Cụ đã cống hiến cả đời cho quê hương, cho đồng bào mình. Tấm gương sáng của cụ đáng để cho thế hệ hậu sinh noi theo. Dân ta phải biết sử ta. Tôi rất vui khi mình thuyết minh được mọi người chăm chú lắng nghe”.

Công việc hàng ngày không vất vả, nặng nhọc gì, song lúc nào ông cũng phải nán lại đến 6 giờ tối mới về. Là bởi, đám thanh niên lêu lỏng thường tụ tập, nhậu nhẹt, trong khuôn viên mộ cụ Huỳnh. Lúc ấy, ông gọi chúng lại, rồi nhẹ nhàng khuyên nhủ, kể cho chúng nghe về những cống hiến của cụ Huỳnh cho sự nghiệp dựng nước của dân tộc, nhiệm vụ của chúng ta là phải bảo vệ, tôn kính. Sau những lời chân thật ấy của ông, tụi trẻ hiểu ra và lặng lẽ bỏ đi.

Hỏi cụ còn định ở đây đến bao giờ, cụ cười: “Còn mạnh khỏe ngày nào, tôi nguyện được làm công việc này ngày đó. Từ ngày ra đây trông coi, tôi thấy mình khỏe hẳn ra, ăn ngon, ngủ ngon, lại nữa, bệnh huyết áp cao cũng giảm luôn”.

Bài, ảnh: Ái Kiều
 

CÁC TIN KHÁC
.