(QNg) - Đền Bà Roi tọa lạc ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn. Đây là một ngôi đền khá đặc trưng cho lối kiến trúc kiểu tôn giáo tín ngưỡng thời nhà Nguyễn.
Theo người dân Lý Sơn, mới đầu đền Bà Roi chỉ là một ngôi miếu nhỏ, đơn sơ. Đến năm Thành Thái thứ 9 - năm 1897, các ông Phạm Hữu Kính, Phạm Văn Thọ cùng con cháu tộc họ Phạm Văn tự nguyện dâng cúng đất, đóng góp tiền của và công sức xây dựng ngôi đền khang trang, gồm một nhà tiền bái, một chánh điện và một hậu cung, theo dạng chuôi vồ, hoặc hình chữ "Đinh".
Đảo Lý Sơn. Ảnh:T.L |
Theo một số tài liệu bằng chữ Hán (gồm phả hệ, sắc phong, thần tích) mà tộc họ Phạm Văn còn giữ được đến ngày nay, Bà Roi tên thật là Phạm Thị Lôi, tên chữ là Phạm Tiên Điều, sinh năm 1629, thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, là thứ nữ của ông bà thuỷ tổ họ Phạm Văn - một trong 6 tộc họ tiền hiền đến khai khẩn đất Lý Sơn nhiều trăm năm trước.
Theo truyền thuyết còn lưu truyền đến ngày nay, Bà Roi vốn là một người con gái xinh đẹp, nết na nổi tiếng trong vùng. Vào một buổi trưa ngày rằm tháng 5 (âm lịch), nàng phát hiện ra giặc Tàu Ô đang đổ bộ vào đảo Lý Sơn, nên vội chạy đi tìm để báo cha biết, sau đó cùng dân làng tìm cách đối phó. Nhưng không may Phạm Tiên Điều bị giặc phát hiện. Chúng truy đuổi nàng đến tận vũng Thầy Tu - nơi mà ngày nay người dân Lý Sơn thường tổ chức đua thuyền vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm thì cùng đường.
Vì sợ bị sa vào tay giặc, càng không chịu để bị tấm thân ô uế, nàng nhảy xuống biển tự vẫn, với tư thế tựa như ngồi thiền, tóc xõa phủ vai, mặc cho sóng chao, gió lớn. Bà con trong làng tiếc thương, đem xác Phạm Tiên Điều về chôn cất lập đền thờ, và gọi đền thờ này là Trinh Tịnh Đường, tức dinh Bà Roi, miếu Bà Roi. Nàng Roi tuẫn tiết vào đúng ngày rằm tháng 5, thời Chúa Nguyễn Phúc Lan, tức năm Ất Dậu - 1645, niên hiệu Phúc Thái thứ 3, đời vua Lê Chân Tông cách đây tròn 365 năm, lúc mới tròn 16 tuổi.
Hàng năm vào ngày 16 tháng 5 (âm lịch), tộc họ Phạm Văn và bà con các tộc họ khác trên huyện đảo Lý Sơn hết sức chăm lo đến việc tế tự Bà Roi, xem Bà không chỉ là bậc cao tổ Cao Bình quận Phạm Tiên Điều của tộc họ Phạm Văn, mà còn là vị phúc thần cho cả làng An Vĩnh. Ngoài Trinh Tịnh Đường là ngôi đền thờ chính, Bà Roi còn được phối thờ trong đình An Vĩnh ngày trước, trong Lân An Hòa và nhiều dinh, miếu khác.
Như đã thành truyền thống hàng năm, ngoài tộc họ Phạm Văn - tộc họ chủ trì việc tế tự tại đền Bà Roi, nơi đây còn có đại diện chính quyền địa phương, Ban Khánh tiết Nhà truyền thống xã An Vĩnh, Ban Khánh tiết Xóm Đông, Ban Khánh tiết các lân Vĩnh Hòa, An Hòa, các cụ bô lão, hương chức, trai tráng đều tham gia đầy đủ, đặc biệt còn có sự tham gia đầy nhiệt tình của các mẹ, các chị là con cháu nội ngoại, cháu dâu, cháu gái của các họ tộc.
Đền Bà Roi - một di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt nằm trong hệ thống các di tích trên huyện đảo Lý Sơn, đã trở thành nơi gắn kết của cộng đồng, mà sự gắn kết đó không chỉ đơn thuần là của riêng một tộc họ, mà còn của nhiều tộc họ, nhiều giới, nhiều lứa tuổi khác nhau.
Hàng năm vào ngày 16 tháng 5 (âm lịch), tộc họ Phạm Văn và bà con các tộc họ khác trên huyện đảo Lý Sơn hết sức chăm lo đến việc tế tự Bà Roi, xem Bà không chỉ là bậc cao tổ Cao Bình quận Phạm Tiên Điều của tộc họ Phạm Văn, mà còn là vị phúc thần cho cả làng An Vĩnh. Ngoài Trinh Tịnh Đường là ngôi đền thờ chính, Bà Roi còn được phối thờ trong đình An Vĩnh ngày trước, trong Lân An Hòa và nhiều dinh, miếu khác.
Như đã thành truyền thống hàng năm, ngoài tộc họ Phạm Văn - tộc họ chủ trì việc tế tự tại đền Bà Roi, nơi đây còn có đại diện chính quyền địa phương, Ban Khánh tiết Nhà truyền thống xã An Vĩnh, Ban Khánh tiết Xóm Đông, Ban Khánh tiết các lân Vĩnh Hòa, An Hòa, các cụ bô lão, hương chức, trai tráng đều tham gia đầy đủ, đặc biệt còn có sự tham gia đầy nhiệt tình của các mẹ, các chị là con cháu nội ngoại, cháu dâu, cháu gái của các họ tộc.
Đền Bà Roi - một di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt nằm trong hệ thống các di tích trên huyện đảo Lý Sơn, đã trở thành nơi gắn kết của cộng đồng, mà sự gắn kết đó không chỉ đơn thuần là của riêng một tộc họ, mà còn của nhiều tộc họ, nhiều giới, nhiều lứa tuổi khác nhau.
Xuân Dũng