Du ngoạn vùng hạ lưu sông nước Trà Giang: Thắm đượm non nước tình quê

04:05, 16/05/2010
.

(QNg) - Sông Trà là mạch sống của nông nghiệp Quảng Ngãi, cung cấp nước tưới cho các huyện đồng bằng. Mùa nắng phía hạ lưu nước ít, lạch sông nhỏ lại, nhưng dần đến cửa sông nước nhiều hơn, thuyền chài, ghe câu có thể đi lại được. Và như thế, mỗi buổi chiều về dòng sông hợp với màu xanh của làng bãi và sắc màu xa xa phía biển tạo nên vẻ đẹp hoàng hôn sông nước.
 
TIN LIÊN QUAN


Đi dọc bờ nam sông Trà về phía Đông, du khách có dịp chứng kiến sự hồi sinh của xóm Mỹ Lộc, thuộc làng Ba La ngày xưa, nay là xã Nghĩa Dõng (TP Quảng Ngãi), vốn đã bị nuớc lũ xâm thực từ nhiều năm trước. Nay rau màu tươi tốt, cỏ chăn nuôi non mượt trên các cồn đất bãi bồi, đã minh chứng giá trị đích thực của các công trình trị thuỷ chống sạt lở ven sông. Đến xã Nghĩa Dũng, chờ cho hoàng hôn xuống, du khách lên thuyền rồi thư thả xuôi về phía biển. Bờ bắc sông Trà thuộc huyện Sơn Tịnh, bắt đầu từ xóm Lân của làng Sung Tích (nay là Tịnh Long), rồi đến thôn Tư Cung, Cổ Luỹ Bắc của làng Mỹ Khê (nay là Tịnh Khê).

Bình minh sông Trà.
Bình minh sông Trà.
Còn phía bờ nam gồm các làng Vạn Tượng, Đại Nham, Phù Khế (nay thuộc xã Nghĩa Dũng, Tp Quảng Ngãi); Hỗ Tiếu, Thanh Khiết thuộc xã Nghĩa Hà, Cổ Luỹ Nam thuộc xã Nghĩa Phú  (Tư Nghĩa). Hàng năm dòng sông bồi đắp cho làng mạc hai bên bờ một lượng phù sa khá lớn nên cây cối tốt tươi, đồng rau, đồng ngô,… xanh mượt. Những chòm đu đủ, cây nào cây ấy chen chúc trái xanh, quả chín vàng tươi mướt. Phía Sơn Tịnh còn có thêm cây hành, cây tỏi. Sắc màu nông nghiệp đem lại cho cuộc sống vẻ đẹp từ đất cộng với sức lao động của con người.

Gần cửa sông, Cổ Luỹ Cô Thôn vẫn gợi cảm bởi bóng dừa thướt tha, xen lẫn trong những xóm nhà cao thấp, tường xây, ngói đỏ. Ngày đẹp trời, hoàng hôn như có sức quyến rũ du khách lên bờ nam thăm núi đá Phú Thọ, trên đó có phế tích chùa Hang, thành Hòn Yàng và thành Bàn Cờ, ngẫm ngợi bài thơ "Vọng Hải Đài" của cụ Nguyễn Thông từ thế kỷ 19. Ngồi trên thuyền du khách mặc sức ngắm núi Tư Cung mà gửi tâm hồn mình theo chí khí của người anh hùng dân tộc Trương Định, hay những vần thơ dào dạt tình quê của cụ Trương Đăng Quế. Mùa trăng, du khách có thể kéo dài hành trình vào đêm trên dòng sông Kinh êm đềm, qua rừng dừa nước Mỹ Khê, một căn cứ kháng chiến của miền đông Sơn Tịnh thời chống Mỹ và dành phút tưởng niệm những đồng bào từng bị thảm sát tại Sơn Mỹ hay Cổ Luỹ Bắc.

Hoặc giả, thuyền rẽ phía nam vòng qua Phú Thọ xem cảnh ghe thuyền ra vào cửa Đại tấp nập, rồi đến cửa Lỡ, ngắm xóm biển Trường Yên  giờ đã phát triển thành xã Nghĩa An dân cư đông đúc, nhộn nhịp như phố giữa lúc lên đèn. Sông Vực Hồng, một nhánh ở đoạn cuối dòng sông Vệ, nay như một cánh đồng dày đặc hồ nuôi tôm, bên cạnh đó những di tích của Vạn Thu Xà ngày trước vẫn tồn tại trong hiện hữu và ký ức. Cuối hoàng hôn, khi ánh nắng nhuộm vàng làng bãi vừa tắt thì đêm trăng xuất hiện. Trăng hạ tuần mọc lên từ phía biển, bồng bềnh trên sóng nước khơi xa rồi vượt lên cao chiếu xuống cảnh vật vùng cửa sông ánh sáng mịn vàng như lụa. Gió đùa mặt nước làm ánh trăng xao động, lung linh. Những đêm tĩnh mịch, thỉnh thoảng ta còn được nghe mấy câu hát đối hiếm hoi của người dân chài lớn tuổi trên sông. Cung đường thưởng ngoạn nầy thích hợp với chiều cuối tuần hay những ai thích sống gần thiên nhiên, sông nước.

Sông Trà là tình cảm và niềm tự hào của người dân xứ Quảng. Mỗi khúc sông đều để lại trong ký ức làng quê những ấn tượng buồn vui qua bao mùa, năm tháng. Trong xu thế phát triển của tỉnh Quảng Ngãi, nhiều công trình, dự án cải tạo bãi bồi ven sông đã được triển khai thực hiện, đem lại lợi ích dân sinh to lớn. Trong đó có cung đường sông vùng hạ lưu Trà Giang về phía cửa biển là cung đường du ngoạn lý thú, thắm đượm non nước tình quê.

Bùi Văn Tạo

CÁC TIN KHÁC
.