* Ghi chép của Trịnh Phương
(QNĐT) - Lý Sơn được mệnh danh là “vương quốc tỏi”, có cả quần thể di tích văn hoá, lịch sử vật thể và phi vật thể, phần lớn gắn với hải đội Hoàng Sa cùng nhiều danh thắng cảnh đẹp. Đấy chính là những tiềm năng giúp Lý Sơn phát triển du lịch văn hoá, du lịch cội nguồn, du lịch bản địa, cộng đồng… nếu được quan tâm đúng mức.
* Từ thiên thời...
Lý Sơn nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền chừng 15 hải lý, gồm một đảo lớn và một đảo bé. Hai đảo cách nhau khoảng 1,7 hải lý. Đảo chỉ rộng 10km2 nhưng được trời phú đến hơn 100 di tích lịch sử văn hoá, hầu như còn nguyên bản, được bố trí xen kẽ trong các khu dân cư, bao gồm đình, chùa, lăng tẩm, miếu mạo... còn hiện hữu nhiều hoành phi, câu đối... Phong cách kiến trúc độc đáo, nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước.
Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa. |
Đình làng An Hải |
Các bậc cao niên ở đây kể lại, ngày trước chùa có những cây bàng biển cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có hình thù kỳ quái và tượng Phật Bà Quan Thế Âm hướng ra biển Đông luôn phù hộ cho ngư dân trên đảo được bình yên trong những chuyến ra khơi.
Còn Đình làng An Hải được xây dựng từ thời vua Gia Long (1780). Qua nhiều lần tôn tạo nhưng đình làng An Hải vẫn còn giữ nguyên nét cổ kính đặc trưng của kiến trúc Việt cổ.
Đình thờ Tam Hoàng Ngũ Đế, thờ thần lội, tiền hiền, hậu hiền, tiền vãng… Đây còn là nơi tổ chức lễ tiễn đưa trước khi các đăng lính đi làm nhiệm vụ và cũng là nơi diễn ra lễ hội đua thuyền hàng năm. Còn Âm Linh tự là nơi thờ vong hồn những chiến binh đi Hoàng Sa, nơi lập đài chiến sĩ trận vong…
Ngoài ra, Lý Sơn còn có nhiều di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh như : Dinh Bà Thiên Y - A - Na, Dinh Tam Toà, nhà thờ cai đội lính Hoàng Sa - Trường Sa Phạm Quang Ảnh; miếu thờ cai đội Võ Văn Khiết… Nhiều nhà rường cổ hiện vẫn còn lưu giữ trong các tộc họ trên đảo, được xây dựng từ thời khai khẩn… Nhiều hiện vật bằng đá, đồng, gốm sứ Trung Hoa, Chăm, Đại Việt... vẫn còn hiện hữu.
Trong lòng đảo ẩn chứa nhiều di chỉ văn hoá Chăm, Sa Huỳnh. Nơi đây còn lưu giữ nhiều tài liệu quan trọng minh chứng quần đảo Hoàng Sa là chủ quyền của Việt Nam.
Đến Lý Sơn, du khách sẽ được hoà mình vào phong cảnh thiên nhiên hoang sơ và đầy thơ mộng; được ngâm mình trong làn nước biển trong xanh, khám phá những rặn san hô kỳ thú, giúp cho du khách quên đi những bộn bề lo toan của cuộc sống. Quần thể khu mộ gió (mộ chiêu hồn) của suất đội thuỷ quân Phạm Hữu Nhật, cai đội Phạm Quang Ảnh… cũng có nhiều điều thú vị để du khách khám phá. Mộ ở đây là những hình nhân thế mạng bằng đất sét trắng, do người dân trên đảo lập ra để tưởng nhớ những người lính Hoàng Sa đã hi sinh vì chủ quyền của Tổ quốc.
Mộ gió cai đội Phạm Quang Ảnh và lính Hoàngn Sa. |
*.... đến địa lợi
Xuất phát từ TP.Quảng Ngãi, du khách sẽ được đưa đón bằng xe khách xuống tận cảng biển Sa Kỳ. Từ đây, du khách lên tàu cao tốc chạy vào lúc 8 giờ sáng hằng ngày. Chỉ mất khoảng 60 phút là du khách có thể đặt chân lên “hòn đảo thiên”. Tại cảng Lý Sơn, nay đã có bến cảng hình chữ T giúp khách trực tiếp lên bờ, vừa tiện lợi, nhanh chóng và an toàn, không cần thuyền thúng trung chuyển như trước nữa.
Nguồn điện tuy chưa đáp ứng 24/24h cho du khách nhưng nhiều nhà vẫn có máy nổ phục vụ, thông tin liên lạc thì thông suốt. Đường giao thông phần lớn được bê tông hoá, thuận lợi cho việc đi thưởng ngoạn của du khách trên suốt tuyến.
Ngoài những sản vật hải sản tươi như mực, cá mú, ốc xà cừ... nơi đây còn có sản phẩm củ tỏi được trồng trên diện tích 200 hecta.
Hành tỏi Lý Sơn nay đã có thương hiệu. |
Loại tỏi một (tỏi 1 tép, có giá từ 120.000đ - 175.000đ/kg) dùng ngâm rượu tạo thành một vị thuốc có tác dụng chữa cao huyết áp và mỡ máu, hạ cholesterol trong máu, nâng cao sức đề kháng của cơ thể”- lão nông Bùi Thị Thơm cho biết.
Một lợi thế để phát triển du lịch nữa là, lễ khao lề tế lính Hoàng Sa diễn ra hằng năm tại các tộc họ vào tháng 2 âm lịch và tại Âm Linh tự vào tháng 3 âm lịch. Đây là lễ tế có quy mô lớn, không chỉ là ngày hội của Lý Sơn mà còn của người dân Quảng Ngãi.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - GĐ Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi cho biết: Bộ VH-TT&DL đã cho phép tỉnh tổ chức Festival biển đảo Việt Nam vào năm 2012 và sẽ lấy lễ khao lề thế lính Hoàng Sa làm điểm nhấn. Như vậy trong tương lai không xa, đây sẽ là lễ hội lớn của người dân mọi miền đất nước. Đây cũng là cơ hội để giáo dục truyền thống, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm nay, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn sẽ ra vào ngày 15 - 16/3 âm lịch. Dịp này cũng sẽ tổ chức khánh thành Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải, nhà trưng bày đội Hoàng Sa, đình làng An Hải và An Vĩnh.
Với những thế mạnh vốn có đó, Lý Sơn hứa hẹn sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn trong tương lai không xa. /.