Thạch Nham - Sơn thuỷ hữu tình

09:04, 22/04/2010
.

(QNg) -  Ngược dòng Trà Giang về phía thượng nguồn, qua các thắng cảnh Long Đầu Hí Thuỷ, Hà Nhai Vãn Độ và những cồn bãi nên thơ, đến nơi giáp ranh ba huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh và Tư Nghĩa ta gặp công trình thuỷ nông Thạch Nham. Đập nước ngăn dòng sông Trà hợp với thế núi tạo nên một hồ nước lớn có thể tưới cho 50 ngàn héc ta đất nông nghiệp thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi, Mộ Đức, Đức Phổ.
Toàn bộ lòng hồ chính là đoạn sông dài từ xã Sơn Nham đến Sơn Linh, Sơn Giang (Sơn Hà). Phía bắc, dãy núi Đá Vách dựng thẳng, phía nam là vùng đất bãi rồi đến đồi núi chập chùng. Đập tràn nối liền nơi nhô ra của hai mỏm núi vững chắc ở hai bờ. Cung cấp nước cho hồ là vùng rừng núi các xã thuộc huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng. Hai tuyến kênh chính hai bên đập dẫn nước về đồng bằng nam, bắc tỉnh cần mẫn như mạch máu của xứ Quảng.

 Đầu nguồn Thạch Nham.
Đầu nguồn Thạch Nham.
Phong cảnh Thạch Nham mỗi mùa một vẻ. Mùa xuân, hồ nước trong xanh êm ả, trên bờ núi trăm hoa khoe sắc cùng tiếng hót của các loài chim. Mùa hạ, mùa thu, những buổi chiều về nếu là những ngày trong trẻo, mây trắng bình yên lướt qua mặt hồ, rồi theo dòng nước trôi về những cánh đồng xa. Còn những chiều giông gió, hồ nước cuộn sóng bởi muôn ngàn con suối to nhỏ đổ về và mây như ôm lấy mặt hồ. Khi mùa bão lũ kéo đến, người xem tha hồ chiêm ngưỡng cảnh dòng nước vượt đập tràn, tung bụi nước mù mịt một vùng rồi hối hả trôi về phía miền xuôi. Hai đầu đập tràn là hai tháp nhà cao, hệ thống van đóng mở nước theo sự điều khiển của con người. Nơi đây có hai công viên nhỏ nhưng đẹp, là chỗ ở của đội bảo vệ đập, du khách có thể tham quan, sinh hoạt dã ngoại, ngắm hồ nước, đập nước theo hướng dẫn của người quản lý.

Thú vị nhất là những ngày đẹp trời, vượt qua đèo Bẻ Lá, theo con đường bộ phía nam hồ đi về phía Sơn Nham mà ngắm nhìn cảnh bình minh hay hoàng hôn nghiêng trên sông núi. Hoặc bơi thuyền ngược dòng lên các xã vùng cao Sơn Linh, Sơn Giang hay xa hơn nữa… Thuyền đi chầm chậm, có lúc qua ghềnh, ngắm cảnh núi đồi, nghe tiếng chim gọi bạn và xem hoa rừng đua nở, nhất là vào mùa xuân. Ấn tượng cuộc sống vùng cao hiện lên trên nương rẫy, trên bản làng màu ngói mới, trên nếp nhà sàn còn lại ít ỏi của người dân tộc. Nếu là dịp vào mùa phát rẫy, mùa cơm mới hay khi làng có lễ hội thì rộn ràng tiếng chiêng vang vang vách núi. Còn đứng bên đập nước nhìn về phía hạ lưu, lòng sông là bãi đá, to nhỏ đủ kích cỡ. Một chiếc cầu mà người ta thường gọi là cầu chìm, vì nó cách mặt nước không cao lắm, là chiếc cầu bắc qua sông Trà trên tuyến đường nối liền trung tâm tỉnh lên các xã phía tây huyện Tư Nghĩa , Sơn Tịnh, Sơn Hà.

Ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ thường có đoàn tham quan của các cơ quan, đơn vị hay học sinh các nơi đến đầu mối Thạch Nham, ngắm phong cảnh, chụp hình lưu niệm, hoặc nghỉ ngơi trong ngày…

Đây là dịp để mọi người cảm nhận những đổi thay đáng kể của nông nghiệp Quảng Ngãi trong sự phát triển chung của tỉnh. Điểm tham quan hồ nước Thạch Nham có thể mở thêm cung đường sông với thuyền nhỏ về phía thượng nguồn sông Trà, để du khách có dịp thâm nhập cuộc sống đồng bào miền tây xứ Quảng và thưởng thức các món ăn cá niên, ốc đá,… hay cơm lam và món thịt nướng chín trong ống lồ ô tươi, thơm ngon thú vị.  Như thế điểm tham quan vừa giới thiệu thành quả nông nghiệp, cũng vừa giới thiệu văn hoá bản địa vùng cao. Về lâu về dài, giải pháp tái tạo, gìn giữ và phát triển rừng nguyên sinh, tái sinh, rừng trồng phòng hộ đầu nguồn để cung cấp nước cho hồ Thạch Nham là điều cần thiết. Thạch Nham là công trình thuỷ nông cấp tỉnh, giá trị kinh tế to lớn nhưng cũng là nơi đậm nét sơn thuỷ hữu tình!

Bùi Văn Tạo

CÁC TIN KHÁC
.